Ngoài Bắc hồi ấy người yêu thơ rất đông. Và thơ luôn là một trong những chủ đề được cả xã hội thường đề cập hay bàn tán. Nếu hồi ấy đã từng có “hiện tượng thơ” Lý Phương Liên - một nhà thơ nữ vừa xuất hiện trên thi đàn đã được cả miền Bắc biết tới và ngưỡng mộ, thì nữ nhà thơ Ý Nhi lại thuộc típ lặng lẽ. Chị đi lên qua từng bài thơ, trưởng thành qua từng tập thơ. Và cũng nổi tiếng một cách... lặng lẽ, hiểu theo nghĩa không có một vụ “nổi đình nổi đám” nào. Cứ từ từ như vậy, thơ Ý Nhi lặng lẽ chinh phục người yêu thơ, sau này là được yêu mến ở cả ba miền đất nước.
Là con gái nhà nghiên cứu tuồng nổi danh Hoàng Châu Ký, nhưng không phải nhiều người biết đến “lý lịch” này của Ý Nhi, vì chị gần như không bao giờ nói. Mọi kỹ thuật “PR” đều rất xa lạ với Ý Nhi, và chị tỏ ra vụng về khi phải nói về bản thân mình. Đó là điều khiến tôi thấy cảm phục nhất ở chị. Thơ, có lẽ cũng chẳng cần phải “PR” hay quảng cáo một cách quá đáng. Vì cho tới bây giờ, trên khắp thế giới, thơ vẫn chưa nhập được vào kinh tế thị trường. Và những nhà thơ, dù là nhà thơ lớn, nhà thơ nổi tiếng, vẫn không thể lấy “tia-ra” những quyển sách thơ của mình để làm “chứng chỉ”. Nếu một nhà văn xuôi tài ba và độc đáo như Salinger mà còn chọn cho mình cách sống mai danh ẩn tích, chỉ bình thản viết chứ không hề muốn quảng danh, thì hà cớ gì các nhà thơ lại phải nôn nao lên vì chuyện danh tiếng cá nhân mình?
Ý Nhi hình như bình thản theo tính cách cá nhân chị, mà cũng bình thản vì nhận thức được sự lặng lẽ tồn tại của thơ. Nhiều lần gặp Ý Nhi, tôi rất ít khi nghe chị nói về thơ mình, mà nói nhiều hơn đến thơ của đồng nghiệp ở các thế hệ khác nhau. Đó cũng là điều theo tôi là rất đáng quý ở chị. Không thiếu các nhà thơ chỉ chăm chắm chờ cơ hội để nói về... mình, và thơ mình. Không ai lấy làm điều về chuyện đó. Nhưng tôi biết, cũng rất ít người thấy thú vị về chuyện đó. Thơ Ý Nhi đằm thắm, và điềm đạm. Như tính cách chủ nhân của nó. Thơ chị không đao to búa lớn đã đành, mà không cả cố tình triết lý cao siêu, hay làm bộ cách tân dữ dội. Vậy mà thơ ấy vẫn đi vào lòng người, vẫn được nhiều người yêu thích.
Những cuộc hội họp “hoành tráng” về thơ đều vắng bóng Ý Nhi. Có vẻ chị không màng tới những nơi ồn ào đó. Từ nhiều năm nay, chị cũng vắng bóng ở các sinh hoạt của Hội Nhà văn, dù chị là một trong những nhà thơ thế hệ chống Mỹ được kết nạp vào hội khá sớm. Vậy thì Ý Nhi làm gì? Theo chị nói, mỗi buổi sáng chị đều chăm chỉ đọc... báo Thanh Niên, và báo Tuổi Trẻ cho chồng là giáo sư Nguyễn Lộc nghe (giáo sư Lộc từ mấy năm nay bị bệnh nên rất khó khăn khi tự đọc báo). Sau đó chị... đi chợ, làm công việc của một bà nội trợ. Phần còn lại của ngày, có lẽ chị đọc sách hay thảng hoặc... làm thơ.
Chị thú nhận là dạo này viết rất chậm, và sống còn chậm hơn. Nhưng, hình như bây giờ người ta đang tuyên truyền cho cách “sống chậm”, rồi “ăn chậm”. Tôi hỏi chị Ý Nhi: “Vậy chị có thấy làm thơ... chậm” cũng là hợp mốt không?”. Chị Nhi cười: “Nhưng tôi đâu biết sống “theo mốt” là thế nào! Tôi cứ sống, vậy thôi”.
Nhật Chung
Bình luận (0)