Đội Bồ Đào Nha - Công ty Glupo Luso Pirotecnia: Rồng và lửa – Nơi truyền thuyết khai sinh
Đội trưởng Pedro Goncalves là linh hồn của tuyển Bồ Đào Nha khi một tay ông thiết kế màn diễn, soạn nhạc nền và chỉ huy trình diễn. Trước giờ khai hỏa, Pedro Goncalves đã nói rằng tại Bồ Đào Nha, sự xuất hiện màn diễn của Công ty Luso Pirotecnia đặc trưng đến mức… không cần phải giới thiệu bởi sản phẩm độc đáo, biểu diễn đột phá. Và màn trình diễn tại DIFC 2010 lần này sẽ “độc nhất vô nhị”.
Mở đầu, trên nền nhạc “Làng tôi”, những quả pháo màu xanh chiếm lĩnh tầm cao gợi hình ảnh mặt biển trào dâng, hiệu ứng tĩnh gồm pháo thác nước, pháo sáng tạo hình lá rơi trên nền nhạc đàn bầu gợi khung cảnh thanh bình, thơ mộng. Trên bối cảnh ấy, pháo màu vàng tạo hình chữ V trên nền nhạc “Groliana” (Comer Stone Cue) và “Empire rising” (Immediate Music) giới thiệu rồng thiêng xuất hiện. Nền nhạc “Now we are free” của Lisa Gerrard mô phỏng sự trị vì của rồng thiêng và dòng sông Hàn yên bình trong loạt pháo thác nước màu trắng bạc. Cuối cùng, khúc ca hào hùng “My name is Lyncon” và “Final flight” cùng với pháo nến, hoa mẫu đơn tạo hình Ngũ Hành Sơn kết thúc màn diễn của đội đầu tiên.
Màn trình diễn “để đời” của Bồ Đào Nha tại Montreal với “Chiếc nhẫn kích thước 10 m lơ lửng” năm 2002 đã không tái hiện, nhưng người xem vẫn choáng ngợp trước độ bao phủ của màn pháo.
|
Đội Nhật Bản - Công ty TNHH pháo hoa Tamaya Kitahara
Phải thừa nhận nhạc nền là thế mạnh của đội Nhật Bản, trong kịch bản của mình, đội pháo hoa từ xứ sở mặt trời mọc đã tính toán chính xác đến từng giây của từng phân đoạn. Tạo hình của đội Nhật cũng tuyệt, từ pháo thăng thiên vàng rực mang biểu tượng rồng, đến những quả trứng rồng tròn trịa bằng pháo sáng.
Ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong màn trình diễn của đội Nhật được dàn dựng từ 5 chủng loại pháo khác nhau từ 5 vị trí đồng loạt thả lên bầu trời đêm và dòng sông Hàn. Lúc này, vũ khí bí mật của đội Nhật Bản là pháo kim tuyến hình vương miện xuất hiện cùng những chòm pháo hình hoa đủ màu sắc tượng trưng cho hình ảnh tiên nữ. Đội Nhật Bản kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ, hiệu ứng pháo nổ màu trắng bạc đã được sử dụng mô phỏng sự sinh sôi của rồng từ trứng.
Khi Bồ Đào Nha hùng dũng thị uy người xem bằng độ bao phủ rộng lớn của màn pháo, thì Nhật Bản ung dung thanh thoát nhấn nhá từng chi tiết của loại pháo. Ngũ hành đã xuất hiện với 5 màu rực rỡ, tách bạch tại 5 điểm bắn khác nhau. Rồi hoa anh đào, rồi núi Phú Sĩ là những tạo hình đặc sắc nhất của Nhật Bản. Có thể nói, màn trình diễn của đội Nhật Bản tuy không ồn ào nhưng đi vào lòng người xem bởi những nét chấm phá đáng nhớ.
|
Đội Việt Nam
Nếu đội Nhật tập trung mô tả rồng và tiên, thì màn diễn của đội Việt Nam đưa người xem qua nhiều phân đoạn. Mở đầu, dòng sông Hàn “Nơi rồng về khai hoa” hiền hòa với màu xanh và trắng của pháo sáng. “Sông Hàn thanh xuân” điểm xuyết một pháo chùm màu vàng tươi và tía mô phỏng nhịp sống nhân dân lao động. “Sông Hàn nỗi đau chiến tranh” và “sông Hàn dậy sóng” bỗng hóa dữ dội với nhiều loại pháo nổ, gam màu nóng như đỏ, vàng, xanh, tím bầm…
Và cuối cùng, phân đoạn “Sông Hàn tình yêu và khát vọng” mô tả một đất nước thanh bình, hiền hòa, thịnh vượng. Có thể thấy đội Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều so với DIFC 2009, những quả pháo bắn lên trời khá “ăn nhịp” và có ý đồ.
|
Ngày mai, DIFC 2010 tiếp tục với màn trình diễn của các pháo thủ Mỹ và Pháp.
Bài, ảnh: Nguyễn Tú
Bình luận (0)