Nguồn lợi lớn
Nếu như trước kia nhiều hộ dân bỏ hoang rừng vì sợ lâm sản không có đầu ra thì hiện nay, hầu hết các hộ dân trồng rừng đều có nhu cầu xin thêm đất.
“Chỉ vài năm nữa, với giá bán gỗ nguyên liệu chừng 40-45 triệu đồng/ha thì những hộ này sẽ là tỉ phú. Bây giờ, hầu hết dân trong xã này đều mê trồng rừng, vì thấy nguồn lợi lớn về kinh tế” - Anh Phạm Văn Hùng, thôn 8, xã Cư Króa, H.M’Đrắk (Đắk Lắk) |
Của để dành...
Chủ tịch xã Gia Cát (H.Cao Lộc, Lạng Sơn) Đường Long Biên nói rằng, người dân trong xã đang rất thiết tha với việc nhận đất trồng rừng và rừng tự nhiên để khoanh nuôi chăm sóc. Nhiều người đã viết đơn xin được nhận đất, nhận rừng. Nữ kiểm lâm địa bàn của Hạt kiểm lâm Cao Lộc tên Lượng dẫn chúng tôi đi tìm hiểu thực trạng giao đất, giao rừng tại thôn Sơn Hồng (xã Gia Cát). Dọc hai bên đường vào thôn, phóng tầm mắt xa xa, thấy cây rừng phủ xanh trên những quả đồi, ngọn núi. Thi thoảng, chỉ tay vào những cánh rừng bên đường, chị Lượng nói: “Đây là rừng 661 (chương trình 5 triệu ha rừng - PV), đây là rừng dự án Việt - Đức, kia là rừng khoanh nuôi tái sinh... Trên địa bàn, hiện còn không nhiều diện tích đất, rừng chưa giao cho dân”.
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, Trưởng thôn Sơn Hồng, ông Hoàng Văn Điền (dân tộc Nùng) cho biết: “Ông bà để lại cho gia đình tôi 2 ha rừng tự nhiên, hiện đang khoanh nuôi tái sinh. Tôi cũng mới nhận thêm 1 ha nữa, đã trồng thông, cây phát triển tốt...”. Ông Điền và vợ con hái củi trong 2 ha rừng tự nhiên. Đến chu kỳ thì xin phép cơ quan hữu trách để khai thác tỉa thưa nên cũng có được đồng ra, đồng vào. “Một ha rừng thông mới trồng thì phải nhiều năm nữa mới cho thu hoạch, coi như của để dành cho tương lai. Tôi muốn được nhận thêm đất, thêm rừng để trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng và phát triển kinh tế gia đình”, ông Điền nói.
Theo ông Điền, một số diện tích đất rừng người dân chưa có điều kiện trồng kín vì thiếu vốn, thậm chí thiếu cả nhân lực nhưng nhìn chung là bà con đều mong muốn được nhận thêm đất, thêm rừng. Cả thôn Sơn Hồng hiện còn trên 20 ha đất trống, vốn là đồng cỏ, ở rất xa dân, giáp với tỉnh khác. 4 - 5 hộ dân có ý muốn nhận cả để trồng nhưng dân làng bảo phải chia đều ra mới “ưng cái bụng”.
Ông Hoàng Chấu Làn: “Chúng tôi mong được nhận thêm đất, thêm rừng” - Ảnh: Q.D |
Gia đình ông Hoàng Chấu Làn cũng có 2 ha rừng tự nhiên do ông bà để lại. Năm 1998, nhà ông nhận 1,5 ha nữa để trồng hồi. Rừng hồi đang phát triển tốt, kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình ông trong những năm tới. Trả lời câu hỏi: "Có muốn nhận thêm đất trồng rừng, nhận rừng khoanh nuôi tái sinh không?”, ông Làn nói ngay: “Muốn lắm chứ! Chẳng lẽ để trống đất rừng, không làm chi cả. Nhưng Nhà nước cũng phải “cho” cây giống mới trồng rừng được”. Theo ông Làn, trước kia, có những gia đình đã bỏ công vào rừng phát cây tạp, đào hố để trồng cây nhưng do không có tiền mua cây giống nên cứ bỏ đó. "Mong Nhà nước hỗ trợ giống cây để trồng rừng lắm chứ, nhưng đừng cấp tiền. Vì nếu làm vậy, mình khắc lấy tiền đó nhậu hết mất à”, ông Làn nói.
Gặp chúng tôi, anh Hoàng Văn Hiếu, vừa nhâm nhi chén rượu với mấy bác hàng xóm “cho nó giãn xương, giãn cốt” sau một ngày vào rừng chăm sóc cây, nói: “Dân đông, đất không còn nhiều. Nhà nước giao đất, cho cái cây khắc mình trồng xuống thôi. Nay mình chưa được hưởng thì sau này con mình, cháu mình nó được hưởng”.
“Chỉ vài năm nữa sẽ là tỉ phú”
Ông Đường Long Biên cho biết: “Xã đã giao gần hết diện tích rừng, đất rừng cho người dân. Hộ nhiều được nhận 3 ha, hộ ít thì 0,5 - 1 ha. Hiện bà con đã thấy rừng đồi rất quý, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực. Họ rất muốn được giao đất, giao rừng và tập trung chăm sóc rừng tốt lắm”. Theo ông Biên, toàn xã có 10 thôn, bản với 1.075 hộ, chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, Dao và có tới 80% dân số của xã sống dựa vào rừng. Gắn bó với rừng, nguồn lợi từ rừng, cộng với thành quả sản xuất nông nghiệp, hiện toàn xã không có hộ đói. “Các chủ hộ được giao đất, giao rừng đều rất phấn khởi vì đất đó là đất của họ, là rừng của họ nên “cái bụng” yên tâm lắm. Họ chăm sóc rừng như đã chăm sóc nương ngô, ruộng lúa nhà mình. Không còn chuyện khai thác rừng bừa bãi nữa, công tác phòng, chống cháy rừng cũng được cải thiện rõ rệt”, ông Biên vui vẻ thông báo.
Tại Tây Nguyên, dọc chân núi Vọng Phu của H.M’Đrắk (Đắk Lắk), những cánh rừng trồng keo lai, bạch đàn bạt ngàn kéo dài từ các xã Cư Mta, Cư Prao qua Cư Króa, Ea Trang. Dẫn chúng tôi thăm rừng, anh Phạm Văn Hùng, ở thôn 8, xã Cư Króa, xuýt xoa: “Cách đây chừng chục năm, đất này cho không cũng chẳng có ai muốn nhận, nay thì họ sang nhượng nhau từng sào để trồng rừng. Biết vậy, tôi bỏ công khai hoang vài trăm héc-ta thì bây giờ trở thành vài chục lần... tỉ phú”.
Ông Đường Long Biên kể, trước đây do cơ chế chính sách chưa tốt, chỉ một số ít người dân nhận đất lâm nghiệp và nhận rừng nhưng lại từ chối nhận những mảnh đất, khoảnh rừng ở xa. Nhưng rồi thấy bà con được tỉa thưa, hái củi, được hỗ trợ khi trồng rừng 661 với mức 2 triệu, sau này tăng lên 4 triệu đồng/ha, bên cạnh đó, giá gỗ thông từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/m3, đầu ra cũng rất thuận lợi, tư thương và chủ doanh nghiệp chế biến gỗ thu mua hết… nên nhiều người đã thay đổi suy nghĩ và làm đơn xin được trồng rừng. Thậm chí, do nhu cầu xin đất của người dân nhiều nên đã xảy ra tranh chấp. Người dân yêu cầu phải chia đều đất còn lại cho các thôn. |
Năm 2000, vợ chồng anh Hùng cùng 70 hộ dân từ Hải Dương vào xã Cư Króa lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Những năm đầu, vùng này hoang vắng, gò đồi mênh mông, ai cũng thấy nản vì chất đất xấu, không trồng được cà phê, tiêu, còn trồng hoa màu thì năng suất thấp. Đến năm 2002, khi một đơn vị của Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đắk Lắk (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai) đổ quân xuống trồng rừng, anh Hùng cùng nhiều hộ khác mới thấy giá trị của vùng đồi trọc tưởng như bỏ đi này. Mấy năm nay, anh Hùng nhận khoán trồng, chăm sóc 30 ha rừng của xí nghiệp, ngoài lao động của gia đình, những lúc cao điểm thời vụ chăm sóc, anh thuê thêm công thợ bên ngoài. Thu nhập từ việc nhận khoán rừng của doanh nghiệp không chỉ đủ trang trải đời sống mà còn giúp gia đình anh Hùng tích lũy, mua thêm được 20 ha đất để trồng rừng cho riêng mình. Giữa năm nay, anh Hùng sẽ khai thác 5 ha rừng keo đầu tiên, với giá bán ước tính bình quân là 45 triệu đồng/ha...
Theo anh Hùng, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng hiệu quả đã khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng. Ở thôn 8 xã Cư Króa, ông Nguyễn Đức Khuồn là người đầu tiên có thu nhập từ trồng rừng. Ngoài nhận khoán chăm sóc rừng của doanh nghiệp, gia đình ông Khuồn còn trồng 20 ha keo lai, cách đây ba năm đã khai thác 10 ha bán cây gỗ nguyên liệu cho doanh nghiệp giấy với giá 65 triệu đồng/ha, nay diện tích này đã được trồng lại rừng chu kỳ 2. Từ mô hình hiệu quả của ông Khuồn, đã có nhiều hộ làm theo, như hộ Lương Văn Chăm trồng 60 ha, Trần Hữu Thái 50 ha, Phạm Văn Công 15 ha...
“Chỉ vài năm nữa, với giá bán gỗ nguyên liệu chừng 40 - 45 triệu đồng/ha thì những hộ này sẽ là tỉ phú. Bây giờ, hầu hết dân trong xã này đều mê trồng rừng, vì thấy nguồn lợi lớn về kinh tế”, anh Hùng nói.
Quang Duẩn - Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)