Một ngày cuối tháng 4-2007, lực lượng chức năng đưa một cô gái trẻ lang thang vào Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần TPHCM tại quận Thủ Đức (sau đây gọi tắt là trung tâm).
Cô gái vận chiếc váy thổ cẩm, mặt đẹp như thiếu nữ trong tranh. Các y, bác sĩ của trung tâm chẳng thể ngờ trong bụng cô gái điên này lại có một đứa bé đang tượng hình.
Hoang dại vượt cạn
Trong ký ức hư ảo, nhập nhoạng, cô gái chỉ biết mình tên Vân Roai, 20 tuổi, người Giarai và không nhớ nổi quê quán, gia đình... Khi giúp Vân Roai tắm, hộ lý của trung tâm phát hiện bụng cô ngày càng to, nhũ hoa thâm đen dần nên đưa đi siêu âm. Kết quả, Vân Roai có thai!
“Tôi gặng hỏi ai là tác giả bào thai nhưng Vân Roai cứ lắc đầu, ngơ ngác” - chị Lê Thị Hồng Vân, một trong những hộ lý lâu năm nhất của trung tâm, nhớ lại.
Vào trung tâm 7 tháng, Vân Roai chuyển dạ. Cô ôm bụng quằn quại, vừa la hét vừa đập mạnh vào bụng mình: “Tui không đẻ, tui không đẻ!”. Hôm đó là 4 giờ. Trạm y tế gần trung tâm không dám đỡ đẻ nên Vân Roai được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định ở quận Bình Thạnh.
Dọc đường, cô vừa lên cơn đau đẻ vừa nổi cơn điên. Sợ Vân Roai trong cơn điên dại đánh chết đứa con trong bụng, chị Hồng Vân mua ổ bánh mì kẹp thịt đưa cho cô, dỗ dành: “Con nín đi, nín đi, cô thương...”.
Khi tới bệnh viện, giờ vượt cạn đã điểm nhưng Vân Roai không chịu nằm yên. Cô thót lên giường, đứng giẫm chân, la hú hoang dại. Phải vật lộn cùng Vân Roai suốt 2 giờ liền, bác sĩ và nữ hộ sinh mới đón được một bé trai chào đời.
Mất bản năng làm mẹ
Sau khi sinh, Vân Roai không biết cho con bú. Nhân viên trung tâm phải thay nhau liên tục kề miệng em bé vào ngực mẹ để hứng sữa. Kinh hoàng hơn, những lúc nhân viên không để ý, Vân Roai nổi cơn, tát vào mặt con. Buộc lòng, trung tâm phải cách ly mẹ con cô. Vài ngày sau khi sinh, đứa bé được đưa về Trại Trẻ mồ côi Tam Bình - Thủ Đức.
Vân Roai dẫu sao cũng hạnh phúc hơn chị Nguyễn Thị Thượng, bệnh nhân tâm thần cùng trại. Thượng bị kẻ lạ cướp mất con, đứa bé hiện nay không biết sống chết ra sao.
Sau những cơn điên dại, lúc tỉnh táo, với ánh mắt buồn rười rượi, chị kể lại bi kịch đời mình: “Quê tui ở Cần Thơ, từ nhỏ thần kinh đã không ổn định. Tui được một người đàn ông đã có vợ rủ về ở chung rồi sinh được một đứa con gái đặt tên là Hạnh. Tui bị cướp con khi đi chơi trong một phiên chợ ở tận Đồng Tháp”.
Thượng nhớ lại: Trong phiên chợ hôm đó, do bị móc túi nên chị hoảng loạn. Để có tiền đi xe về nhà, Thượng lột đôi bông tai định bán cho tiệm vàng nhưng thấy quần áo chị nhếch nhác, vẻ mặt không bình thường nên chủ tiệm đuổi ra.
Bực tức dồn nén, cơn điên trong Thượng bột phát. Thừa dịp này, 6 kẻ lạ mặt đã giật đứa con khỏi tay chị. Từ đó, Thượng càng bấn loạn, đi lang thang khắp các tỉnh - thành. Một hôm, khi chị đang ngủ vùi trên một cây cầu ở nội thành TPHCM thì được công an đưa vào trung tâm nương náu.
“Tui điên nên không biết bảo vệ con mình. Vì tui điên nên người ta mới cướp con. Bây giờ mỗi lúc tỉnh táo, nhớ lại tiếng con khóc, nhớ lại khuôn mặt nó, tui chỉ muốn chết” - giọng chị Thượng lạc đi trong nước mắt.
Khao khát sống gần con
Với người điên, nhà xác nhiều khi cũng có thể trở thành... “vườn địa đàng”. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, hiện điều trị tại trại D của trung tâm. Linh cho biết một người đàn ông tên Quang từ ngoài vào đã lén lút qua đêm với chị ngay trong nhà xác của trung tâm.
Sau những cuộc mây mưa, Quang trốn biệt. Linh mang bầu và sinh được một bé gái đặt tên là Nguyễn Thị M.. Bé M. hiện đang được nuôi ở Trại Trẻ mồ côi Tam Bình. “Bé được học sinh giỏi đấy! Năm nay bé 11 tuổi, học lớp 5 rồi! Một năm tui chỉ được gặp bé vài lần, nhớ quá!” - giọng chị buồn vui lẫn lộn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngái, giám đốc trung tâm, cho biết do trung tâm không có chức năng nuôi trẻ nên tất cả bệnh nhân tâm thần sinh con xong đều phải sống xa con. Trung tâm chỉ có thể để mẹ con gặp nhau khi tâm thần người mẹ ổn định.
Lúc trò chuyện với tôi, đa phần các nữ bệnh nhân đều quả quyết họ “không còn điên” và khao khát ra cộng đồng để sống gần con. Ước mơ đó chỉ được thực hiện nếu họ có người thân bảo lãnh. Tuy nhiên, bác sĩ Ngái nêu thực trạng đau lòng: nhiều bệnh nhân bị gia đình rũ bỏ.
“Trong hơn 1.200 bệnh nhân lưu trú ở đây, đến 50% không có người thân thăm nuôi. Đôi khi bệnh nhân nhớ ra địa chỉ nhà mình, trung tâm liền liên hệ nhưng người thân cũng không chịu đến đón về” - bác sĩ Ngái buồn bã.
Song, sau quãng đời cùng quẫn và bi kịch nhất, người ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc. Đó là trường hợp của Vân Roai. Tưởng như cuộc đời của cô mãi là chuỗi ngày sống với những cơn điên dại và nỗi nhớ con không nguôi thì bất ngờ vào một ngày cuối tháng 3-2008, người thân của Vân Roai xuất hiện và đưa mẹ con cô trở về quê nhà.
Chia tay những người mẹ tâm thần, tôi thầm ước họ cũng có được một kết cục may mắn như Vân Roai.
Người điên hai “chồng”
“Hai mươi” là tên mà các bác sĩ, hộ lý ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần TPHCM đặt cho một cô gái trẻ đẹp được đưa đến đây đầu năm 2009. Họ ước đoán cô khoảng 20 tuổi nên đặt tên là “Hai mươi”. Còn tên thật của mình, “Hai mươi” không thể nhớ.
Trong những ngày điên dại đi lang thang, “Hai mươi” bị hãm hiếp và mang thai nhưng cô không thể biết kẻ nào đã hại mình. Vào trung tâm vài tháng, “Hai mươi” sinh một bé trai. Không lâu sau, người nhà từ Tây Ninh phát hiện cô ở trung tâm, tìm đến và hoảng hốt khi biết cô lại sinh con.
Người nhà cho biết tên thật của “Hai mươi” là Châu Thị Thiên Hương, từng lấy chồng Đài Loan và xuất ngoại. Ở xứ người, cô phát điên vì những bất đồng, khó khăn trong đời sống. Sau khi sinh con, người chồng tìm cách đẩy cô về VN. Sống với gia đình một thời gian, nhân lúc không ai để ý, Hương bỏ nhà phiêu bạt.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)