Những kỷ lục Việt Nam mới nhất

01/04/2010 00:45 GMT+7

Hơn 30 kỷ lục mới lạ nhất vừa được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam – VIETKINGS công bố trong buổi hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 18 tổ chức vào cuối tuần qua tại TP.HCM.

* Bloc lịch nặng nhất và công phu nhất:  là bloc lịch độc bản năm Tân Mẹo 2011 thực hiện theo chủ đề Lịch sử Việt Nam - chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nặng đến... 800 kg! Mỗi tờ lịch in trên vải silk 130x200 cm, đặt giữa một khung gỗ lớn, tổng kích thước thành phẩm là 250x370 cm. Bloc lịch siêu đại này với hơn 365 bức tranh do 20 họa sĩ như Nguyễn Thiền Quang, Châu Thị Diễm Chi, Trần Duy Cường, Đoàn Quang Hào, Phạm Quang Huy và một số nghệ nhân điêu khắc của Công ty An Hảo thực hiện trong 18 tháng qua. Những nội dung ghi chú dưới mỗi tranh vẽ về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ (từ Hùng Vương đến hiện đại) được hiệu đính bởi GS Nguyễn Khắc Thuần - Trưởng khoa Việt Nam học trường Đại học Bình Dương.

* Bộ bách khoa về phụ nữ Việt Nam và thế giới dày nhất: Almanach người mẹ và phái đẹp (414 trang, khổ 15 cm x 22 cm) với hội đồng biên soạn do bà Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó chủ tịch nước) làm chủ tịch, in lần đầu năm 1990. Sách được tái bản năm 2008 bởi NXB Văn hóa Thông tin (có bổ sung) dày gần 3.000 trang, khổ 20,5x31,5 cm, giới thiệu về niên lịch, những sự kiện, luật pháp và công ước có liên quan đến người mẹ và phái đẹp, về quyền của phụ nữ, tiểu sử các nữ chính khách, các nữ khoa học gia, các nữ văn sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng tiêu biểu trên thế giới và trong nước...

* Bức tranh thủy mặc về hoa dài nhất: do họa sĩ Trương Hán Minh vẽ trong 15 ngày, dài 4,1m, cao 1,25m. Tranh thể hiện sức sống tươi trẻ qua các loài hoa tượng trưng cho mùa xuân như mai và đào, nói lên sức trường sinh qua hình ảnh của cội tùng và các loài hoa khác nở tươi bốn mùa. Theo dự kiến, tranh sẽ được bán đấu giá vì mục đích từ thiện trong thời gian tới.

Ngoài các kỷ lục trên, VIETKINGS xác lập và công bố võ sư có đẳng cấp Vovinam cao nhất là ông Nguyễn Văn Chiếu, sinh năm 1949, là Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, đồng thời là Hội Việt võ đạo TP.HCM, giảng dạy Vovinam tại nhiều nước trên thế giới như ở Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan, Ấn Độ, Thái Lan.

Tác giả bộ Đại tự điển chữ Nôm lớn nhất và công phu nhất là hai ông: Trương Đình Tín và Lê Quý Ngưu, đã cùng thực hiện tác phẩm trên gồm 2 tập, dày 6.040 trang, khổ 14,5x20,5 cm, góp phần hữu ích trong việc tìm hiểu các văn bản cổ có liên hệ với chữ Nôm và là công cụ tra cứu cần thiết cho sinh viên học Hán Nôm hiện nay.

Người làm ra dụng cụ điện chẩn - điều khiển liệu pháp nhiều nhất là nhà nghiên cứu y học dân tộc Bùi Quốc Châu. Người sưu tập ấm trà nhiều nhất là ông Vũ Quý Nhân (sinh năm 1950 tại Thái Nguyên) hiện có 400 ấm trà cổ với nhiều chiếc được thẩm định là cổ vật quý. Người tính nhẩm tìm ngày tháng theo âm - dương lịch nhanh nhất là ông Lương Châu Phú (TP.HCM). Người đoạt huân chương nhiều nhất trong lĩnh vực sinh vật cảnh (với hơn 200 huy chương vàng, bạc và bằng khen các loại trong vòng 10 năm qua 2000-2010) là ông Nguyễn Văn Năm (Bình Dương).

Đôi song ca là chị em ruột có dáng thấp nhất Việt Nam là hai chị em Nguyễn Thị Hằng cao 1,26m - nặng 25kg (sinh năm 1978) và Nguyễn Thị Hà cao 1,27m - nặng 26 kg (sinh năm 1988) ở Hà Nội. Người sưu tập xe 2 bánh cổ gồm các loại Mobylette, Velosolex, Sachs, Gobel... nhiều nhất là anh Lâm Văn Tấn ở thị trấn Hóc Môn - TP.HCM. Người chụp ảnh nhiều nhà thờ công giáo nhất là nhà báo Bùi Văn Nghiệp với trên 500 nhà thờ được chụp trong cả nước. Cây mai vàng có tuổi kiểng lâu năm nhất hiện do anh Lê Văn Nưng ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang sở hữu, có đến 130 tuổi trồng, 120 tuổi kiểng, cao 2,5m, bóng lá tỏa rộng 2,2m, chu vi gốc hơn 1m. Cây mai này hiện vẫn đang được các nhiếp ảnh gia làm lịch chuyên nghiệp đến chụp để in lên các mặt lịch năm mới.

Anh Lâm Văn Tấn - người sưu tầm xe 2 bánh cổ nhiều nhất

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.