Mắt trẻ sáng thành mờ vì vật nhọn

05/04/2010 04:01 GMT+7

Bị vật nhọn đâm vào mắt, té xuống đường bị đá, bụi bắn vào mắt là những chấn thương gặp hằng ngày tại khoa nhi Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Từ đầu năm đến nay số bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Mắt TP.HCM do bị chấn thương mắt tăng, khoảng 4-5 trẻ/ ngày.

Từ sáng thành mờ

Chiều 1-4, khoa nhi Bệnh viện Mắt TP.HCM tiếp nhận bé gái L.Q.C., 2 tuổi, bị dao đâm vào mắt. Người nhà bệnh nhi kể lại khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, cháu C. với được con dao mẹ cháu dùng cạo hạt điều xuống chơi và sơ ý bị dao đâm vào mắt.

Người nhà nhìn vào mắt cháu thấy rách cả tròng đen vội đưa cháu đến bệnh viện.  Cháu C. được chẩn đoán bị rách giác mạc, phòi mống mắt, đục vỡ thủy tinh thể do chấn thương.

Bác sĩ Võ Thị Chinh Nga - phó khoa nhi Bệnh viện Mắt TP.HCM - nhận định mắt của cháu bé chắc chắn sẽ không trở lại bình thường, cháu sẽ được khâu giác mạc bảo tồn và sẽ có sẹo trên giác mạc. Chưa kể cháu C. phải được mổ thêm một lần nữa để lấy thủy tinh thể vỡ ra, sau đó đặt thủy tinh thể nhân tạo vào.

Còn cháu N.H.N.T., 11 tuổi, ngụ ở Phan Thiết, Bình Thuận, lại bị rách giác mạc, có mủ đầy trong mắt.

Cháu T. kể trong lúc trèo lên cây hái xoài đã bị một cành cây khô đâm vào mắt. Sợ mẹ la nên cháu nói dối: “Con bị cát bay vào mắt”.

Thấy con cứ dụi mắt, mắt ngày càng đỏ, thậm chí không thể mở mắt ra được, người mẹ lo sợ đưa con đến Bệnh viện Mắt TP.HCM kiểm tra. Lúc này, các bác sĩ chẩn đoán cháu T. không còn khả năng nhìn được nữa mà chỉ hi vọng giữ được mắt cho cháu.

Đến sớm, mắt còn

Cùng bị chấn thương mắt nhưng mỗi trẻ đến bệnh viện với một câu chuyện khác nhau.

Cháu bị dao nhọn đâm vào mắt, cháu bị té xuống đường sau đó đá nhọn đâm vào mắt, cháu bị bạn cầm bút nhọn chơi đùa vô tình ngòi bút đâm ngay vào mắt, cháu nhặt được ống tiêm chơi không ngờ bị mũi tiêm quay ngược đâm vào mắt, các cháu chơi kiếm nhựa vô tình đâm vào mắt nhau.

Có người mẹ đang cầm dao gọt trái cây, một cháu bé đụng vào tay mẹ làm dao đâm vào mắt một cháu khác ngồi cạnh đó...

Rất nhiều tình huống dẫn đến chấn thương mắt ở trẻ em, nhưng theo bác sĩ Chinh Nga, “thủ phạm” gây chấn thương nhiều nhất là các vật sắc nhọn như dao, que gỗ, que sắt, ngòi viết, kim khâu...

Do vậy, bác sĩ Chinh Nga khuyên các bà mẹ cần canh chừng và giảng giải cho trẻ hiểu không nên dùng vật nhọn trong lúc chạy nhảy, chơi đùa...

Trẻ bị chấn thương mắt được đưa đến bệnh viện điều trị sớm bao giờ cũng đem lại hiệu quả tốt nhất trên cùng một chấn thương. Đặc biệt, với những trường hợp bị chấn thương mắt bên trong, xuất huyết trong mắt, nếu được điều trị sớm nhiều khả năng giữ được mắt cho bệnh nhi, với những trường hợp bị rách giác mạc ít có thể phục hồi thị lực.

Còn bệnh nhân đến điều trị trễ, chấn thương ở mắt có thể gây mủ trong mắt, làm mất chức năng thị giác, cho dù giữ được mắt nhưng mắt không thể linh hoạt như trước. Khi mủ trong mắt quá nhiều, không đáp ứng thuốc điều trị, các bác sĩ đành phải múc bỏ mắt để không ảnh hưởng đến những cấu trúc còn lại.

Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ bị chấn thương mắt, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời; tránh những trường hợp sau chấn thương nhìn mắt vẫn chưa có biểu hiện gì, nhưng khi để 2-3 ngày sau sẽ bị viêm mủ nội nhãn (mủ đầy trong mắt) làm mất thị lực, nặng hơn nữa có thể sẽ phải múc bỏ mắt.

 

Cách sơ cứu khi bị chấn thương mắt

Theo bác sĩ Chinh Nga, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng cho quá trình điều trị chấn thương mắt.

- Với những chấn thương nhẹ như hạt cát, mạt sắt hay bụi vào mắt nên nhỏ bằng thuốc nước NaCl 0,9%, cứ 2-3 giờ nhỏ một lần, đồng thời đến ngay bệnh viện lấy dị vật ra khỏi mắt và được nhỏ thuốc chống nhiễm khuẩn.

Trong lúc này không nên dùng tay dụi mắt hoặc dùng bông gòn, giấy để lấy dị vật, bởi tay dơ hoặc bông gòn, giấy có thể làm mắt nhiễm trùng và dị vật vào sâu thêm trong mắt.

Nhiều người còn tự ý mua thuốc không đúng chỉ định về nhỏ mắt. Lúc đầu nhỏ thuốc vào có cảm giác mát mắt, mắt bớt đỏ, nhưng sau đó thuốc lại làm hệ miễn dịch liệt dần, vô tình tạo môi trường tốt cho vi nấm phát triển mạnh.

Từ chỗ mắt chỉ bị trầy xước giác mạc lại dẫn đến loét mủ, nhiễm trùng nặng có thể phải múc bỏ mắt.

- Nếu mắt bị thủng hoặc vỡ nhãn cầu (mắt sưng to, chảy máu, nhìn mờ hoặc đau nhức) tránh băng chặt hoặc đè ép mắt vì có thể làm mắt tổn thương nặng hơn. Chỉ cần băng nhẹ rồi đến ngay bệnh viện để bác sĩ kịp thời xử lý, giảm nguy cơ nhiễm trùng và bớt tỉ lệ lây qua mắt kia.

- Khi bị hóa chất, nước axit bắn vào mắt, phải rửa ngay mắt với nước sạch.

Nhưng nếu hóa chất là vôi thì không được rửa nước mà phải đến bệnh viện ngay để gắp vôi ra.

Mắt bị bỏng do hóa chất kiềm (xút, amoniac...) trong những giờ đầu dễ bị người bệnh lầm tưởng là nhẹ vì giác mạc còn trong, nhưng sau đó có thể gây mù vì hóa chất sẽ gây đục giác mạc và viêm màng bồ đào, vì vậy cần rửa ngay mắt với nước sạch và đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Mắt bị bỏng sẽ được truyền dịch dẫn lưu để loại dần hóa chất, nếu nặng sẽ được can thiệp bằng phẫu thuật.

 Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.