Bịch”. Một vật thể lạ rơi thẳng vào đầu người khách đang ngơ ngáo đi dưới sân chung cư Miếu Nổi (quận Phú Nhuận). Anh giật mình hoảng hốt, tưởng là mình… thương vong. Nhưng may. Đấy chỉ là một bịch nước mía uống dở đáp xuống từ một tầng nào đấy. Hậu quả lớn nhất là anh tốn mấy chục ngàn gội đầu ở tiệm. Hú vía.
“Vật thể bay không xác định”
Ở nhiều nước, chuyện “vật thể bay không xác định (UFO - unidentified flying object) tốn rất nhiều giấy mực. Còn ở xứ mình, từ khi có nhiều nhà chung cư cao tầng, “UFO” giản dị hơn nhiều. Đó có thể là một cái vỏ chuối, một túi rác, chiếc ly nhựa, hoặc ớn hơn nữa là một miếng “rác phụ nữ” bay vèo. Nhưng cũng may, hầu hết những thứ rơi từ tầng cao xuống đất đều là “rác hạng nhẹ”. Vì vậy, cho đến giờ, thì chưa thấy có trường hợp ngủm củ tẻo nào được ghi nhận.
Thói quen vứt béng những gì vô dụng ở vị trí thuận tay ra cửa sổ xuất phát từ chuyện người ta ở dưới đất, và nhà có vườn. Vào chung cư, ở tít trên cao nhưng thói quen “thuận tay” vẫn không mất đi. Không gian ngoài cửa sổ mặc nhiên vẫn phải đóng vai một thùng rác ảo bất đắc dĩ. Cuộc sống thời hiện đại có nhiều nhu cầu. Càng nhiều nhu cầu thì rác càng phong phú về thể loại. Và rác phong phú như thế nên những dẫn chứng như ở đầu bài thì đếm không xuể.
Thang máy, ô-shin, trẻ con và… "khủng bố"
Quy tắc cơ bản khi đi thang máy là gì? Đảm bảo khi hỏi câu này mà không cho biết trước đáp án, sẽ có phần lớn cư dân trong chung cư tịt mít. Đơn giản, đó là chuyện phải đợi người bên trong ra hết thì người đợi ở ngoài mới được vào. Thế nhưng, quan sát ở hầu hết các thang máy chung cư, luôn có tình trạng chen lấn. Tâm lý sợ “chậm chân, mất phần” luôn khiến nhiều người tìm cách xông lên, dù cái thang máy chưa chạy đi đâu cả.
Và nhiều cái thang máy cũng đã phải ỳ ra, kêu ầm ĩ, do quá tải. Vào giờ cao điểm, thang máy chung cư đông nghịt người. Dẫu cho có ba thang máy cùng hoạt động, nhiều người vẫn sợ mất thời gian quý báu. Họ chen nhau, bất chấp tải trọng quy định.
Ở đô thị hiện tại, nhiều nhà có người giúp việc. Công việc chính của họ là coi sóc nhà cửa và chăm con cho gia chủ. Trẻ con thì mê chơi và biếng ăn, vì vậy thang máy trở thành dụng cụ dỗ con nít… há mồm ra. Cứ há mồm đút một miếng, người giúp việc lại bấm thang máy chạy lên. Một miếng nữa, thang lại chạy xuống. Một khu chung cư có 30 đứa trẻ cần dụ ăn thì thang máy nào cũng khóc thét và thương tích đầy mình. Bởi không chỉ chạy lên chạy xuống cấp kỳ, nó còn kiêm chức năng thùng rác và… toa-let công cộng, chứa “đầu ra” của ói, tè và… hơn thế nữa!
Trẻ con thì nghịch, với hậu quả tương đương "khủng bố" mức độ thấp. Vì vậy, thang máy và thang bộ rất dễ bị bôi bẩn, sứt sẹo với đủ thứ chất liệu và “phương tiện phá hoại”. Một quân nhân về hưu sau khi ở chung cư hai năm đã rút ra kết luận: “Cầu thang chính là khu vực tương đương vùng oanh tạc tự do trong chiến tranh”.
Không phải cứ cao cấp và “ngoại” là ngon
Một loạt chung cư mới mọc lên ở các đô thị lớn trên cả nước đã khoác danh “cao cấp”. Giá bán những khu này thường ở mức khoảng từ 20 - 30 triệu đồng trở lên. Cư dân đa số là người có tiền (đương nhiên) và có học. Chung cư cao cấp, nhưng có nhiều cái ở mức không cao, nhất là sinh hoạt của những người sở hữu nó.
Chung cư nào thì cũng có thể có những sự phức tạp như đã dẫn ở phần trên. Thu nhập cao và cả học vấn cao cũng không đồng nghĩa với có lối sống, ứng xử ở một tầm tạm gọi là “có văn hóa”. Có những chung cư thiết lập cả interphone cho từng nhà, ra vào phải qua bảo vệ… Nhưng được một thời gian, chính các chủ nhân của chung cư phản ứng, vì những cái ấy khiến họ cảm thấy mất “tự do”. Chẳng qua là thói quen tùy tiện đã ăn sâu, không dễ thay đổi.
Ở nhiều quận tại TP.HCM, Hà Nội, có chung cư có tới 30% cư dân là người nước ngoài thuê ở. Tuy vậy, một thực tế được ghi nhận là nếu họ có xuất xứ châu Phi hoặc Trung Quốc, an ninh trật tự thường phức tạp hơn. Không ít trường hợp án mạng, gây rối, lừa đảo đã làm “vang danh” cộng đồng ngoại kiều này. Có vài hộ thuê với xuất xứ kể trên là đủ làm công an khu vực lo… mất thi đua ngay. Không phải cứ ngoại là ngon.
Chung cư là lối sống hơn là kiến trúc
Chung cư là cách nói quen miệng, chứ từ này đúng ra là “chúng cư” (nghĩa là nơi ở chung của nhiều người). Bản thân chữ nghĩa đã cho thấy nghĩa vụ phải ứng xử phù hợp lợi ích cộng đồng đối với từng người sống trong chung cư.
Tuy nhiên, từ khi các chung cư cao tầng thi nhau mọc lên, cả hình dung của luật pháp lẫn ứng xử xã hội liên quan đến nó mới chủ yếu ở khía cạnh kiến trúc, cảnh quan. Trong khi đó, bản thân công trình chung cư chỉ là cái vỏ, còn hồn cốt của nó nằm ở lối sống, sinh hoạt, ứng xử.
Sẽ không xa lắm, viễn cảnh có từ 40 đến 50% cư dân ở các đô thị lớn tại Việt Nam ở trong chung cư. Đấy là các cộng đồng xã hội nhỏ. Khi các cộng đồng này không ổn về lối sống, hẳn rằng cộng đồng lớn cũng dễ bất ổn. Môi trường sống hiện đại không chỉ là kiến trúc tân thời, trang thiết bị tiên tiến, mà cái chính là “hồn vía” trong cách sống của cư dân. Nhà cao mà người “thấp” thì hẳn đấy không phải là chuyện chơi chữ.
* Anh Chu Hồng Hưng (43 tuổi, chung cư An Thịnh, P. An
*Chị Tố Hà (Chung cư Thế Kỷ 21, Q.Bình Thạnh) Ở chung cư, quan trọng nhất là văn hóa chung cư, mà xây dựng điều đó thì người dân thôi chưa đủ, cần phải có sự hợp tác của ban quản lý, của nhà đầu tư chung cư đó. Tôi biết, có những chung cư văn hóa rất cao, BQL rất tôn trọng những người dân trong đó.
* Anh Lê Minh Nhật (32 tuổi, hiện đang ở một chung cư tạiQ.1) “Sợi dây liên lạc” ở chung cư có khi chỉ là những chú bảo vệ, nhân viên BQL. Có thể rằng, nên ban hành hoặc ra một “điều lệ chung cư” như kiểu hương ước thôn xóm để mọi người gần gũi với nhau hơn
* Chị Mai Linh (31 tuổi, chung cư Phạm Viết Chánh, Q.1, TP. HCM) : Ở chung cư, không quan trọng là cao cấp, bình dân, hay chung cư cũ; cái chính là lối sống của những người dân trong đó. Sống biệt lập, khép kín trong căn hộ cũng là nét văn hóa hiện đại nhưng từ đó cũng nảy sinh nhiều tình huống mà chỉ có ai sống chung cư mới biết. Nếu sống ở dưới đất, hai nhà cạnh nhau đã có thể là hàng xóm thân tình. Nhưng ở chung cư thì điều đó chưa chắc. Nhà này sát nhà kia mà có gặp ở hành lang nhiều khi cũng chẳng biết mặt, biết tên, chẳng chào hỏi, chẳng biết thế nào mà chia sẻ... |
Vũ Thượng
Bình luận (0)