Những chiêu lừa đảo
Ngày 7.4, phóng viên Báo Lao Động nhận được một thông tin hy hữu. Đó là việc ai đó đã rao bán trên mạng số điện thoại mà một trong số chúng tôi đang dùng.
Từ đây, phóng viên Lao Động đã tìm hiểu và nhận thấy có quá nhiều những cạm bẫy khi mua hàng qua mạng. Trên thực tế, mua - bán hàng qua mạng hiện nay đã khá phổ biến. Người mua có thể vào Internet, tìm kiếm các mặt hàng cần mua, hoặc đặt hàng trên các diễn đàn. Người mua hàng có thể xem trước mặt hàng mà không cần phải mất thời gian để tìm kiếm. Tuy nhiên, đôi khi việc mua hàng qua mạng lại không đơn giản như vậy. Nguyên nhân là vì đối tượng lừa đảo đang giăng “thiên la địa võng” bẫy để lừa khách hàng.
Với những lời rao cần mua hàng, chiêu thức chủ yếu được áp dụng là đối tượng sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu đặt ra. Sau khi kết nối thành công, đối tượng sẽ cho khách hàng xem trước mặt hàng qua ảnh hoặc video. Khi “con mồi” cắn câu, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng phải chuyển trước một lượng tiền vào tài khoản, sau đó sẽ chuyển hàng và nhận nốt tiền. Thế nhưng sau khi nhận tiền, đối tượng sẽ “cao chạy xa bay”.
Một chiêu thức khác được số đông áp dụng là cách đánh vào sự cả tin và “lòng trắc ẩn”. Chiêu thức này “non” hơn chiêu thức lừa đảo, nhưng lại rất hiệu quả.
Với cách này, khách mua hàng sẽ vẫn nhận được hàng “tận tay”. Thế nhưng, những loại hàng hoá được giao đến tay khác hàng lại không giống như quảng cáo.
Anh Bùi Dũng - một khách hàng bị lừa đảo - cho biết: “Tôi có đặt mua một chiếc bút Mont Blanc với giá 450USD. Sau khi dùng hết mực, đến hãng để thay ruột mực thì mới tá hoả vì đó là chiếc bút nhái”.
Hay như kiểu mang hàng cả lố cho khách hàng lựa chọn. Tất nhiên, nếu chọn mua thì đó không phải là hàng xịn. Còn nếu không chọn mua, khách hàng sẽ bị “thuyết khách” theo kiểu: Mua giúp một món đồ vì đã “lỡ” mang hàng đến cho khách xem. Sự cả tin và cả nể của khách hàng có thể phải trả giá, cho dù đó chỉ là món hàng vài chục, hoặc vài trăm ngàn đồng.
Cần tự bảo vệ mình
Năm 2009, cộng động mạng từng “thất kinh” khi mà có quá nhiều những vụ lừa đảo qua mạng. Điển hình là tháng 5.2009 tại TPHCM, cơ quan công an đã khám xét và bắt giữ Thạch Sĩ Châu về hành vi lừa đảo qua việc bán hàng trên mạng. Phương thức mà Châu tiến hành đơn giản chỉ là bán hàng qua mạng, nhận đặt cọc tiền mua hàng rồi... biến mất.
Điều này cũng lý giải hiện tượng lừa đảo bán hàng qua mạng vẫn có “đất sống”.
Thông thường, chỉ khi xảy ra hiện tượng lừa đảo thì khách hàng mới tá hoả là mình đã bị lừa đảo. Anh T.A - một khách hàng bị lừa đảo - cho biết: Tôi quá bất ngờ, bởi lẽ đã nhiều lần nói chuyện điện thoại, biết rõ tên, tuổi, địa chỉ... thế nhưng vẫn bị lừa. Thậm chí, có trường hợp đối tượng lừa đảo đã “liên thủ” với người liên quan để tiến hành lừa đảo.
Anh V.P - một khách hàng từng bị lừa đảo qua mạng - cho biết: Tôi muốn mua số điện thoại thuộc loại “số siêu đẹp”. Sau quá trình kiểm tra, tôi xác định được đúng là số đó chưa dùng, đang được rao bán và với mức giá đúng như tôi đã trả.
Thế nhưng sau khi đặt cọc và... mất tiền, tôi mới biết là cả đối tượng môi giới và người muốn rao bán số điện thoại đó đã kết hợp với nhau để thực hiện cú lừa ngoạn mục. Kết quả là anh V.P mất tiền, còn chủ nhân số điện thoại “lật kèo” khi cho biết vẫn chưa nhận được số tiền muốn bán.
Một phương thức được đưa ra để “cài bẫy” khách hàng là quảng cáo hàng đẹp, hàng xịn, hàng xách tay đảm bảo chất lượng. Thế nhưng nếu phát hiện ra hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng thì đương nhiên sẽ... không có bảo hành. Thậm chí ngay cả khi nhận ra mình đã bị lừa, khách hàng cũng “khó ăn, khó nói” vì không có cơ sở để đối chất hay khởi kiện.
Bên cạnh đó, cách giao dịch qua mạng hiện nay chủ yếu là “tin nhau”, chứ không hề có ràng buộc pháp lý. Ngay cả quản trị mạng rao bán hàng qua mạng cũng chỉ có thể kiểm soát mua - bán hàng cấm, hàng nhạy cảm, chứ không thể kiểm soát các hành vi lừa đảo, bán hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chính vì thế, các chuyên gia lĩnh vực thương mại điện tử và quản trị mạng đều đưa ra lời khuyên: Khách hàng cần tự bảo vệ mình.
Lời khuyên cụ thể là nếu muốn mua hàng xịn, tốt nhất nên mua hàng chính hãng. Vì ở đó hàng hoá sẽ đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý nhất. Còn đối với những giao dịch thông thường, khách hàng cần “thuận mua, vừa bán” khi đã có thể chấp nhận về chất lượng, giá cả.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo với mọi hình thức giao dịch, khách hàng không nên đặt cọc tiền để mua hàng. Lời khuyên cuối cùng là ngay cả ở các nước tiên tiến, phương thức mua hàng chính vẫn là xem, nhìn, sờ, thử rồi... ưng thì mua. Vì thế, khách hàng đừng quá cả tin vào “thế giới ảo” để rồi mắc lừa.
Theo Lao Động
Bình luận (0)