Có thể xảy ra rất nhanh
Tất cả các thực phẩm đều có thể gây dị ứng, nhất là các loại giàu chất đạm. Thực tế chứng minh, các loại hải sản như cua, cá biển, tôm, sò, mực, là nhóm dễ gây dị ứng nhất. Một số chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm như hàn the, phẩm màu hay bột ngọt cũng có thể là tác nhân gây dị ứng.
Khi sử dụng một thực phẩm, món ăn nào đó, ngay cả với một lượng rất nhỏ, cũng có thể bị các phản ứng như: nếu nhẹ thì nổi mẩn ngứa ở da, đỏ mặt, chảy mũi, hay ngứa mắt; nặng thì có thể làm trụy mạch, suy tim, dẫn đến tử vong, nếu không được cứu chữa kịp thời. Theo các bác sĩ dinh dưỡng, dị ứng thực phẩm là một phản ứng bất thường với một thực phẩm nào đó được kích hoạt bởi hệ miễn dịch của cơ thể. Phản ứng dị ứng với thực phẩm có thể là nhẹ và thoáng qua nhưng đôi khi gây một tình trạng bệnh lý trầm trọng, thậm chí tử vong như nói trên.
* Nếu bị dị ứng thực phẩm cần thực hiện các biện pháp sơ cứu sau: uống nhiều nước, uống thuốc chống dị ứng, nếu thấy không đỡ thì vào cơ sở y tế gần nhất. Nếu sau ăn 5-10 phút mà thấy có triệu chứng: bị nghẹt thở, tay chân lạnh, da niêm nhợt nhạt, toát mồ hôi, huyết áp tụt, mất tri giác... thì cần hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực (nếu ngưng thở, ngưng tim), gấp rút đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
* Trường hợp dị ứng nhẹ có thể dùng bài thuốc cổ truyền để điều trị: tang diệp, kinh giới (mỗi vị 10g), cúc hoa, kim ngân, xích thược, bồ công anh, thuyền thoái (mỗi vị 8g), bạc hà, liên kiều (mỗi vị 6g). Nấu lấy nước uống trong ngày. |
Có tính di truyền
Dị ứng thực phẩm có tính di truyền, theo thống kê, nếu trong nhà có cha hoặc mẹ bị dị ứng thì 20% - 30% con cái cũng có khả năng dị ứng, nếu cả cha và mẹ đều dị ứng thì tỷ lệ này ở con cái lên đến 50% - 60%. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết: “Các thực phẩm có thành phần giống nhau có thể gây dị ứng chéo. Chẳng hạn, nếu đã dị ứng với sữa bò thì cũng có thể dị ứng với các loại sữa động vật khác như sữa dê, cừu, ngựa; hoặc đã dị ứng với đậu nành thì dễ dị ứng với các hạt họ đậu…”.
Cũng may là, rất ít trường hợp bị dị ứng với nhiều thực phẩm, món ăn. Do đó, người bị dị ứng không phải kiêng cữ quá nhiều, dễ làm mất cân bằng dinh dưỡng. Chẳng hạn, người dị ứng với sữa bò không cần kiêng thịt bò (vì có thể không dị ứng với thịt bò); người dị ứng với trứng gà, vịt cũng có thể không dị ứng với thịt gà, vịt, người dị ứng với cá ngừ thì không hẳn sẽ dị ứng với cá thu...
Phòng tránh
Các bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng, TP.HCM khuyên: “Nếu nghi ngờ một loại thực phẩm nào đó gây dị ứng thì không nên ăn loại thực phẩm đó, đây là cơ chế loại trừ tác nhân gây dị ứng”. Đối với những người có nguy cơ cao (những người có cha mẹ hay trong họ hàng có người bị dị ứng thực phẩm) cần chú ý: để các thế hệ sau không bị dị ứng thực phẩm, người phụ nữ mang thai cần tuyệt đối tránh hút thuốc, nhất là giai đoạn nửa cuối của thai kỳ. Sau khi sinh, trong thời gian cho con bú, người mẹ tuyệt đối tránh ăn các loại thực phẩm nghi ngờ đã gây dị ứng cho mình; trong những tháng ăn dặm đầu tiên, không cho trẻ ăn thịt cừu, thịt gà; tránh sữa bò, trứng, bột mì, cá, đậu nành trong năm đầu tiên; và chỉ cho trẻ ăn các loại hạt khi được 3 tuổi. Nếu gia đình có người bị dị ứng, khi mua, chế biến và bảo quản thực phẩm, cần để riêng các thực phẩm có khả năng gây dị ứng, rửa thật sạch các dụng cụ chế biến...
Khánh Vy
Bình luận (0)