Bí mật trở thành thông tin cộng đồng
Một NĐT cá mập tại TP.HCM kiên quyết không tiết lộ bằng cách nào anh có được bản "Thông tin tự doanh của các tổ chức", nhưng thừa nhận dựa vào các thông tin giao dịch của các CTCK anh "đua" theo và đã thắng được vài phi vụ lướt sóng. Cũng nhờ đó, anh tránh được mấy cú "sóng thần" trên thị trường. "Thông tin mật, đường link gửi đến tôi cũng được ghi chú là không công bố rộng rãi" - anh nói. Nhưng anh cũng thú nhận có "chia sẻ" bí mật này với một số bạn bè thân thiết.
Thời điểm cuối tháng 3, Công ty CP chứng khoán Kim Long (KLS) ào ạt bán ra nhiều mã cổ phiếu. Bản tự doanh "mật" của KLS và các CTCK khác không hiểu bằng con đường nào được "tuồn" ra ngoài khiến những NĐT nắm được việc này và thay đổi hẳn kế hoạch giao dịch của mình. Còn nhớ thời điểm đó, thị trường đang lo sợ lạm phát và tăng lãi suất cơ bản. Vì vậy, việc KLS và một số CTCK khác bán ra cổ phiếu đã tác động mạnh đến tâm lý NĐT. Với các NĐT cá nhân có ý định mua vào ngay lập tức ngưng lại bởi lo sợ việc xả hàng của KLS sẽ khiến cổ phiếu đó giảm giá. Còn với các NĐT lớn, việc bán ra ào ạt của KLS đối với một số mã cổ phiếu mà họ đang nắm giữ sẽ làm thiệt hại lớn đến họ nên đợi đến khi cơn lũ xả hàng vào giai đoạn cuối, họ dồn lực mua vào để đẩy giá đi lên. Chứng khoán bị thao túng vì hiện tượng rò rỉ thông tin tự doanh của các CTCK.
Cũng từ đầu tháng 3 vừa rồi, thị trường xôn xao với tin đồn một số CTCK ký hợp đồng đầu tư "hộ" các NĐT cá nhân với mức lợi nhuận cam kết lên đến 30%. Đến nay, khi việc rò rỉ thông tin tự doanh của các CTCK bị vỡ lở, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nắm được bí mật tự doanh của các CTCK đối thủ là cơ sở dẫn đến sự "liều mạng" của các CTCK có ý định lao vào dịch vụ "đầu tư hộ" kiểu này.
Thực ra, việc rò rỉ thông tin tự doanh của các CTCK đã bắt đầu từ khá lâu và không bị lộ là do những người được hưởng lợi giữ kín việc này. Có thể hình dung "đường đi" của bản "Thông tin tự doanh của các tổ chức" như sau: ban đầu thông tin này chỉ được cung cấp cho một vài CTCK đối thủ của nhau. Nhưng sau đó, bằng cách này, cách kia, một số "cá mập" chứng khoán trên thị trường đã được cung cấp bản thông tin này. Việc "chia sẻ" thông tin như một "cá mập" chứng khoán tiết lộ trên khiến hiện tượng rò rỉ được nhân rộng và đẩy lên thành cao trào khi bí mật tự doanh của các CTCK mà lẽ ra chỉ có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN); Trung tâm Lưu ký (TTLK) và Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) nắm đã trở thành thông tin cộng đồng. Thậm chí, nhiều diễn đàn chứng khoán còn mang ra trao đổi, bình luận, mặc cả... xung quanh bản "Thông tin tự doanh của các tổ chức".
Tiết lộ chứ không phải rò rỉ
Thị trường chứng khoán (TTCK) VN từ trước tới nay luôn bị đánh giá là thiếu minh bạch, không có sự công bằng giữa các NĐT. Sự việc rò rỉ thông tin này đã khiến những người nắm được thông tin, đoán xu hướng thị trường sẽ có tỷ lệ thắng cao hơn. Những NĐT không có thông tin phải chấp nhận rủi ro lớn hơn.
Theo tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Kế toán - Ngân hàng, Đại học Mở TP.HCM, việc rò rỉ thông tin này đã gây ảnh hưởng xấu lên TTCK. Những người nắm được thông tin sẽ trục lợi được do đánh giá được xu hướng của thị trường.
Vấn đề đặt ra hiện nay là rò rỉ thông tin từ đâu? "Cửa" rò rỉ từ các CTCK gần như được loại trừ vì tự doanh là bí mật kinh doanh của mỗi CTCK nên ngay trong mỗi công ty cũng chỉ có 3 người biết là tổng giám đốc, giám đốc đầu tư và một nhân viên trong mảng này. Nhưng giả thuyết nếu có rò rỉ từ "cửa" này thì cũng chỉ lộ được một danh mục đầu tư của một CTCK. Tuy nhiên, trong bản "Thông tin giao dịch của các tổ chức" đang được phát tán hiện nay lại thống kê chi tiết và chính xác về danh mục, giao dịch từng ngày của tất cả các CTCK. Vì vậy, nghi vấn đang được dồn về 3 đầu mối còn lại nắm giữ thông tin này là UBCKNN, TTLK và Sở GDCK. Theo TS Thuận, việc tìm ra đầu mối rò rỉ không khó vì tài liệu được gửi qua e-mail. Chỉ là muốn tìm hay không mà thôi.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính tại TP.HCM khẳng định, không thể gọi đây là rò rỉ thông tin mà là tiết lộ. Thậm chí, không loại trừ đây là hành vi mua bán thông tin. Ông Hiển phân tích, trên TTCK, vấn đề đáng sợ nhất trước đây là thông tin nội gián. Nhưng hiện tượng tiết lộ thông tin này còn đáng sợ hơn thông tin nội gián vì đây là toàn bộ thông tin thị trường, từ bản tự doanh của các CTCK người ta có thể đoán được xu hướng và lướt sóng trục lợi. Thực tế chứng minh, trong tháng 3.2010 có 5 đợt sóng, mỗi đợt sóng mang lại mức tăng trung bình 5% - 7% thì cả tháng cũng mang lại khoản lợi nhuận khoảng 30%/tháng. Đây là mức lợi nhuận khổng lồ trong một thời gian cực ngắn. Và những người có thông tin từ bản tự doanh, biết được xu hướng thị trường đã bội thu.
Thị trường đang cần một "bàn tay sắt" để dẹp các thao túng kiểu này.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)