Lão “hiệp sĩ” đường phố

09/04/2010 10:42 GMT+7

Tuy dáng người nhỏ thó nhưng ông lão 67 tuổi này đã trên 150 lần bắt trộm cướp và là người đầu tiên hưởng chế độ thương binh do tai nạn từ công việc này.

Đến phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, hỏi ông Yên “hiệp sĩ đường phố” hay Yên “săn bắt cướp” thì ai cũng biết.

Ông là Đỗ Văn Yên, Trưởng Ban Bảo vệ trật tự trị an phường Kim Liên. “Săn bắt trộm cướp là nghĩa vụ và cơ duyên của tôi. Đến giờ, tôi cũng không nhớ mình đã vây bắt được bao nhiêu vụ trộm cướp” – ông thổ lộ.

Chỉ riêng trong 2 cuốn nhật ký phòng chống tội phạm của “hiệp sĩ”, tôi đếm được số vụ trộm cướp mà ông trực tiếp vây bắt, giao nộp các đối tượng cho công an phường đã lên đến trên 150.

Khắc tinh của trộm cướp

Tìm gặp ông Yên không khó, bởi chỉ cần đến phường Kim Liên, đi lòng vòng một lúc là thế nào cũng gặp ông trong bộ trang phục của ban bảo vệ trật tự trị an. Ông Yên đã tham gia công việc bảo vệ trật tự trị an ở địa phương từ 15 năm nay.

Thoạt nhìn ông lão 67 tuổi, dáng người nhỏ thó này, không ai nghĩ ông lại có biệt tài bắt trộm cướp. Ông Yên cho biết: Đi bộ đội ở chiến trường B, C về, tôi phục vụ trong quân đội hơn chục năm rồi tham gia công tác ở phường, từ HĐND đến bảo vệ trật tự trị an”. Từ khi tham gia bảo vệ trật tự trị an ở phường, “cơ duyên” săn bắt trộm cướp đã đến với ông.

Ở phường Kim Liên, nhiều người trong ban bảo vệ trật tự trị an thường thắc mắc họ cũng làm cùng công việc, cũng sẵn sàng đương đầu với bọn trộm cướp nhưng không hiểu sao ít khi đối đầu với chúng như ông Yên. “Có lẽ ông có “duyên” với bọn tội phạm.

Tụi tôi còn nói đùa rằng “vía” ông Yên rất “sát” bọn trộm cướp” – một người trong Ban Bảo vệ trật tự trị an phường Kim Liên cho biết.

Từ những vụ cướp túi xách, giật dây chuyền, ăn cắp xe máy đến trấn lột, bẻ khóa..., ông Yên đều đã đối mặt. Lão “hiệp sĩ” còn nhớ như in vụ bắt cướp đầu tiên trong đời mình: “Đó là một vụ giật dây chuyền rất táo tợn xảy ra đầu năm 2005. Tôi không chứng kiến cảnh tên cướp giật dây chuyền nhưng nghe giọng một phụ nữ trung niên la thất thanh “Cướp! Cướp!” rồi thấy một thanh niên chạy thục mạng. Linh tính mách bảo thanh niên này chính là kẻ cướp, tôi liền lập tức cố hết sức chạy đuổi theo và lao người xô ngã gã. Nhiều người xung quanh cũng xúm vào giúp tôi bắt gọn tên cướp, thu lại sợi dây chuyền 2 cây vàng trả lại cho phụ nữ kia”.

Không sợ hiểm nguy

Hai lần trúng số độc đắc

Ông Yên còn nổi tiếng ở địa phương vì rất mát tay với vé số. Ông không nhớ mình đã trúng số bao nhiêu lần, chỉ biết rằng đã trúng đủ các giải, từ khuyến khích cho đến độc đắc. Ông cũng là người duy nhất trúng hai lần giải độc đắc của Công ty Xổ số kiến thiết miền Bắc vào các năm 2000 và 2003.

Tuy có thói quen chơi vé số và xem đây là một thú vui, một hình thức giải trí, nhưng ông Yên chưa bao giờ đam mê nó. Đã từng có nhiều người nghe tiếng ông thường trúng số đã tìm đến “học hỏi kinh nghiệm” nhưng ông khuyên họ đừng nên chăm chăm trông chờ vào sự may rủi từ những con số.

Ông chân thành khuyên họ: “Muốn tạo dựng cơ nghiệp thì phải dựa trên chính sức lao động của mình mới bền vững”.

Trò chuyện với tôi, ông bộc bạch: “Mục đích của xổ số kiến thiết là rất tốt nhưng nhiều người chơi đã làm nó biến tướng. Họ đam mê quá đà dẫn đến ảnh hưởng tới gia đình, thậm chí bán cả nhà cửa để mua vé số, đánh đề”.

Trong một vụ bắt bọn trộm cắp xe máy cách đây hơn chục năm, ông Yên bị tên trộm đâm nhiều nhát vào bụng và nguy kịch tới tính mạng. “Hiệp sĩ” phải nằm viện hơn nửa tháng và nhiều người thân, bạn bè đã khuyên ông không nên “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nữa, kẻo có ngày rước họa vào thân.

Tuy nhiên, săn bắt trộm cướp dường như đã trở thành niềm say mê đối với ông. Người bộ đội pháo binh năm xưa thổ lộ: “Mình vốn là lính, có chính nghĩa và được quần chúng nhân dân ủng hộ nên chẳng sợ gì mấy tên trộm cướp, dù nhiều người đã khuyên tôi phải cẩn thận, đề phòng bị bọn chúng trả thù”.

15 năm tham gia bảo vệ trật tự trị an ở phường, ông Yên đã bắt được nhiều tên tội phạm tiền án, tiền sự đầy mình mà ít ai dám dây vào. Có đối tượng cộm cán từng bị lão “hiệp sĩ” bắt hai lần và dẫn thẳng vào đồn công an.

Ông Yên nhớ lại: “Chẳng hạn, tên Lý Thái Hùng bị tôi bắt lần đầu vào năm 1999, sau khi gây ra vụ giật dây chuyền. Đúng 5 năm sau, tên này lại gây ra một vụ cướp dây chuyền tương tự và cũng bị tôi bắt giữ. Khi đó, tên Hùng mang 2 tiền án, 7 tiền sự và vừa ra tù. Lần thứ hai bắt được tên này, tôi không vui vẻ gì mà còn cảm thấy buồn bã vì thấy gã vẫn ngựa quen đường cũ”.

Từ những năm đầu tiên tham gia ban bảo vệ trật tự trị an đến nay, mỗi năm ông Yên phát hiện, triệt phá khoảng 20 vụ trộm cướp trên địa bàn phường. Ghi chép lại những vụ bắt trộm cướp vốn không phải là thói quen của lão “hiệp sĩ”  nhưng nó dần dần trở thành một động lực để ông làm tốt hơn nữa công việc giữ gìn sự bình yên trên địa bàn phường. 

Nhiều người bị trộm cắp, cướp giật đã cám ơn “hiệp sĩ” bằng tiền và những món quà giá trị nhưng ông Yên chưa lần nào chịu nhận. Ông tiết lộ: “Gần 20 năm làm công việc này, chỉ một lần tôi nhận túi cam của một ông lão hưu trí tặng. Lần ấy, tôi đã giúp tìm lại chiếc xe đạp bị kẻ gian lấy cắp và ông ấy mang đến nhà tôi một cân đường, một túi cam. Ông ấy nài ép mãi, tôi mới nhận túi cam, còn cân đường tôi bảo ông đem về pha nước để mỗi lần uống lại nhớ đến tôi”.

Vì thành tích săn bắt trộm cướp, ông Yên đã 7 lần nhận được bằng khen của UBND TP Hà Nội và Bộ Công an, một lần của Thủ tướng Chính phủ. Ông cũng là người đầu tiên trong cả nước được hưởng chế độ thương binh do gặp tai nạn trong khi săn bắt trộm cướp. Trưởng Công an phường Kim Liên, trung tá Nguyễn Hồng Hải, nhận xét: “Ông Yên là một cộng tác viên đắc lực của chúng tôi và là một tấm gương mà nhiều chiến sĩ công an trong phường cũng phải học tập”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.