BQL dự án thủy điện 3 cho rằng, để tiết kiệm tiền đầu tư, 745 ha đất này sẽ được giao cho 413 hộ dân, trung bình 1,8 ha/hộ. Bởi, hiện đơn giá bình quân để thu hồi 1 ha đất sản xuất của người dân gần khu tái định cư là 100 triệu đồng/ha (chưa tính hỗ trợ và bồi thường giá trị tài sản trên đất), chênh lệch từ 2 - 3 lần so với đơn giá đất trong lòng hồ. Nếu đền bù đất cho người dân sở tại để thu hồi sẽ phát sinh chi phí rất lớn cho chủ đầu tư.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, BQL dự án thủy điện 3 đã làm ngược quy trình, lẽ ra họ phải có quỹ đất để tái định cư cụ thể trước khi xây dựng thủy điện Sông Tranh 2. "Ai đời dự án đã triển khai mấy năm rồi mà chưa có phương án tái định cư cho dân. Lại còn muốn phá rừng phòng hộ, trong khi quỹ đất phục vụ tái định cư cho dân vẫn còn", ông Quang nói.
"Rừng thuộc BQL rừng phòng hộ sông Tranh quản lý là rừng tự nhiên, không thể tự tiện chặt phá. Phải chăng trong đó có nhiều cây gỗ lớn nên thôi thúc một số người nhằm vụ lợi cá nhân", ông Quang bức xúc.
Người đứng đầu ngành NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, trong khi Chính phủ khuyến khích người dân trồng rừng thay thế nương rẫy nhằm mục đích nâng cao độ che phủ rừng, bù đắp lại phần diện tích rừng tự nhiên bị mất trong những năm trước đây do tập quán du canh du cư và đốt rừng làm nương rẫy của đồng bào để lấy đất canh tác; mặt khác, sắp tới tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thì việc xin phá tới 745 ha rừng phòng hộ của BQL dự án thủy điện 3 là không thể chấp nhận được.
Ở một dự án khác, cũng liên quan đến việc bố trí tái định cư cho các hộ dân khi xây dựng thủy điện A Vương, do không tính toán hết hệ quả mà chủ đầu tư công trình là BQL dự án thủy điện 3 đã đưa 80 hộ dân ở xã Dang, huyện Tây Giang vào khu tái định cư ngay sát hồ A Vương, không có đất sản xuất. Do vậy những hộ dân này lại phải chuẩn bị di dời đến nơi ở mới.
Tại Quảng Nam, từ năm 2004 đến nay đã có 4.421 ha đất được giao cho các chủ đầu tư xây dựng thủy điện, trong đó có hơn 3.300 ha đất rừng tự nhiên, làm suy giảm đáng kể tấm lá chắn rừng phòng hộ, giảm khả năng giữ nước ở thượng nguồn... Chính vì vậy, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh chỉ bố trí tái định cư cho các hộ dân trên đất chưa có rừng và trên đất khác nhằm bảo tồn diện tích rừng tự nhiên hiện còn trên địa bàn tỉnh.
Hữu Trà
Bình luận (0)