Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về an ninh hạt nhân nhằm mục đích chủ yếu thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường an ninh đối với vật liệu hạt nhân - Ảnh minh họa
Tham gia Đoàn chính thức có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng, Đại sứ Việt Nam tại Argentina Thái Văn Lung, lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo Thông tin tin đối ngoại, Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Văn Tùng.
Thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình
Hội nghị lần này nhằm mục đích chủ yếu là thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường an ninh đối với vật liệu hạt nhân, chống lại việc vận chuyển, chuyển giao trái phép vật liệu hạt nhân và các thông tin công nghệ nhạy cảm, với mong muốn mở rộng hợp tác song phương thành đa phương trong lĩnh vực này.
|
Hội nghị là dịp để các nước cùng nhau thảo luận đề ra những định hướng, nguyên tắc lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh hạt nhân. Kết quả mong đợi của Hội nghị là sẽ đưa ra một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó cam kết sẽ áp dụng mức an ninh hạt nhân cao nhất và coi đây là vấn đề mấu chốt cho việc phát triển và mở rộng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị lần này sẽ tham gia các buổi thảo luận, thể hiện quan điểm của Việt Nam là tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng đồng quốc tế trong việc chống phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân và thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình, an ninh và phát triển của các dân tộc; coi việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân; bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân là trách nhiệm của từng quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ nói riêng và quan hệ ASEAN- Hoa Kỳ nói chung.
Tăng cường quan hệ hợp tác với khu vực Mỹ Latinh
Tiếp theo đó, từ ngày 15-17/4, nhận lời mời của Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Argentina.
|
Là nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực Mỹ Latinh, Argentina có vai trò quan trọng ở khu vực và trên trường quốc tế. Ngày 25/10/1973, Argentina lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn các cấp.
Việt Nam - Argentina đã ký nhiều Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác, như Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hợp tác Kinh tế-Thương mại, Hợp tác Công và Nông nghiệp, Hợp tác Thú y, Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (1996), Hợp tác Thể thao (1999), Hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình (2002), Thỏa thuận hợp tác về dầu khí giữa PVN và ENARSA... Tháng 5/2009, hai nước đã tiến hành khóa họp II Uỷ ban Hợp tác liên chính phủ (thành lập năm 1999) tại Buenos Aires.
Trao đổi thương mại song phương liên tục gia tăng, năm 2007 đạt 316 triệu USD; năm 2008 đạt trên 400 triệu USD; năm 2009 đạt 634 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu khoảng 350 triệu USD đỗ tương, trở thành nhà nhập khẩu đỗ tương lớn thứ 2 của Argentina.
Về đầu tư tại Việt Nam, Argentina có dự án sản xuất các sản phẩm sinh học với vốn khoảng 120.000 USD. Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp luyện kim IMPSA của nước bạn và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đang triển khai ba dự án về phong điện và thủy điện tại Việt Nam với số vốn đầu tư có thể lên tới 1,4 tỷ USD.
Hai bên duy trì sự phối hợp và hợp tác tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế mà hai nước đều là thành viên như: Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...
Argentina ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009; ghi nhận xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ WTO.
Việt Nam ủng hộ Argentina làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2004-2005; Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc khóa 2008-2011; Hội đồng Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) nhiệm kỳ 2010-2012 và Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2010-2012.
Chuyến thăm chính thức Argentina lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện quyết tâm của Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với khu vực Mỹ Latinh, nhằm củng cố quan hệ chính trị với Argentina, tạo động lực thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, nhất là về kinh tế, thương mại giữa hai nước./.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Bình luận (0)