Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn chụp ảnh môi trường từ máy bay

12/04/2010 14:07 GMT+7

(TNTT>) Nhà báo - nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn được biết tiếng với nhiều triển lãm ảnh độc đáo: chân dung chính khách, Việt Nam nhìn từ trên cao… Nhưng ít ai biết anh đang lưu hàng ngàn tấm ảnh đặc tả về môi trường cả ở trong và ngoài nước.

TNTT&GT đã có buổi trò chuyện thú vị với anh:

Ảnh chụp từ máy bay khác với ảnh chụp từ mặt đất như thế nào, thưa anh?

Khác nhiều chứ. Chụp từ máy bay có góc nhìn thẳng đứng, vì vậy nhìn cảnh quan vừa rộng, vừa rõ các chi tiết theo “ô”, theo “khung”. Tầm nhìn khi chụp từ máy bay cũng bao quát và chính xác hơn. Những khu đô thị, khu công nghiệp, vùng đất… hiện ra rất rõ. Một ví dụ là khi tôi chụp TP.HCM từ trên cao qua nhiều năm, có thể thấy sự thay đổi rõ rệt của một thành phố trẻ, liên tục “thay áo” mới.

Anh bắt đầu chụp từ máy bay ở thời điểm nào?

Đó là chuyến bay ra Côn Đảo bằng trực thăng nhân kỷ niệm 25 năm giải phóng huyện đảo này. Tôi chụp cũng là chuyện nghề nghiệp thôi. Nhưng sau chuyến bay đó, tôi nảy ra ý định đeo đuổi chuyện chụp ảnh từ máy bay. Tuy vậy, điều kiện thực tế cũng chỉ cho phép mình thử nghiệm. Chỉ từ 8 năm nay, tôi mới chụp nhiều từ máy bay, cả trực thăng lẫn phản lực.

Trang thiết bị của anh có gì đặc biệt?

Nếu đúng nghĩa là chụp từ máy bay, phải có những thiết bị chuyên dụng, đặc biệt. Nhưng mình không có khả năng trang bị như các đồng nghiệp nước ngoài, 6 năm nay mới chụp bằng máy kỹ thuật số, còn trước đây chỉ sử dụng máy chụp phim.

Nhưng máy móc chỉ là một phần, quan trọng là cách chụp, cách khai thác đề tài khác biệt. Do chụp lâu, mình cũng có kinh nghiệm về tốc độ, khẩu độ, độ nhạy sáng, vận dụng hiệu quả sự thay đổi thời tiết… khi ở trên không trung. Trên đó thời tiết, ánh sáng thay đổi rất nhanh, không nhạy thì không kịp làm gì hết. Nhất là chụp môi trường.


Phía đông dải Trường Sơn, màu xanh của rừng đã nhường chỗ cho những ngọn đồi trơ trọi

Được biết anh có nhiều lần bay dọc bờ biển miền Trung, điều gì đọng lại đáng lo nhất sau những bức ảnh?

Tôi thấy ô nhiễm, thiên nhiên bị hủy hoại là cái đáng sợ nhất. Cuối tháng 3 vừa rồi, tôi lại bay dọc miền Trung. “Biến đổi khí hậu” nghe cứ như ở đâu xa xôi, nhưng ở đây thì nhìn thấy rất rõ. Khô hạn, cây cỏ xơ xác, muông thú hết đất sống… là những điều cứ nhìn là thấy xốn xang.

Chẳng hạn, nhìn những đàn cừu ở Ninh Thuận mải miết chạy kiếm cỏ, giữa những cánh đồng khô rụi, cằn cỗi, không còn màu xanh. Thỉnh thoảng, giữa khô khát mới có một “hõm” nước nhỏ, gia súc chen chúc nhau uống. Cảnh đó cứ dội vào suy tư của mình, thấy thương những con cừu, con dê, thương thiên nhiên lắm.

Rồi vùng Bình Thuận, tôi thấy rất rõ chuyện bao nhiêu khu du lịch mở ra, nhưng bên cạnh đó cũng là những hố đất khổng lồ do đào bới. Mặt đất như hầm hố, lồi lõm, tan nát. Mà khu du lịch còn có khoảng xanh, chứ nếu xây dựng khu công nghiệp hay đô thị mới thì chỉ thấy có ống khói, nhà chen nhà. Cảm giác bức bối ghê lắm.

So với cách đây 5 năm thì sao, thưa anh?

Tất nhiên là khác nhiều, nhưng theo hướng đáng buồn, đáng sợ. Tôi còn nhớ 5 năm trước, lúc máy bay xuyên qua một cơn mưa, dưới cánh máy bay là vùng cỏ xanh, sông ngòi, ao nước chứ không tiêu điều như bây giờ. Hồi đó cũng có nhiều cừu, nhưng tụi nó mập mạp, yên bình chứ không tất tả kiếm ăn như cảnh mới đây.


Làng chài Phan Rí (ảnh trên) sẽ ra sao trước những thảm họa thiên nhiên?

Còn con người?

Cừu cũng chính là hình ảnh của người. Trước, họ trồng tỉa cây trái, và màu xanh lan tỏa. Còn nay, những con sông cạn kiệt, trơ đáy, thuyền phơi trên cạn; người thì không còn đất canh tác. Có nhiều vùng xanh nay đã trở thành sa mạc, từ Bình Thuận, Ninh Thuận tới Đà Nẵng, Huế.

Nói hình ảnh này thì thực tế, không văn vẻ gì đâu: hồi trước, tôi bay từ Sài Gòn ra miền Trung buổi sáng, buổi chiều bay về, thấy cò bay thong thả, yên bình trên đồng xanh. Nay, cũng là những cánh cò, mà bay trên sa mạc khô cằn, đầy cát đá.

Thú thật là hồi trước tôi đi qua, cũng không để ý lắm đến biến đổi môi trường. Nhưng cứ từng chuyến bay, lại thấy sự đổi khác theo hướng tồi tệ hơn. Cái đó là một hình ảnh làm mình thấy đau, thấy thương thiên nhiên rất nhiều. Khô cháy như thế, chỉ cần một mồi lửa vô tình cũng có thể thiêu rụi tất cả.

Có nhiều ảnh của anh đặc tả những khu làng chài ven biển. Điều này có còn là bình thường khi môi trường ngày càng suy thoái?

Ở vùng biển Phan Rí, các xóm chài đều lấn sát biển, nhà cửa chen chúc, nếu có bão lớn không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đó sẽ là thảm họa, vì nhà nhiều, người đông, nhưng bờ biển thì trơ trụi, rừng phòng hộ biến mất hết trong một thời gian ngắn. Thường trong những chuyến bay dọc biển, tôi không hề nhắm mắt mà cứ chong chong quan sát. Rừng phòng hộ bị bóc gần hết, chỉ còn xanh ở khu vực các resort vùng Phan Thiết, Mũi Né.

Vậy có hình ảnh nào cho thấy ở đâu đó, môi trường được chú ý bảo vệ không, thưa anh?

Có, nhưng ít lắm. Thí dụ những cái quạt gió khổng lồ ở Ninh Thuận để làm điện gió. Có tận dụng sức mạnh thiên nhiên theo hướng “sạch – xanh” thì mới còn môi trường lành mạnh. Còn cứ phá hủy, tận thu, tận diệt nó sẽ không còn gì cả, mà thảm họa sẽ vô cùng.


Mảng xanh ngày một hiếm ở TP.HCM

Với những ảnh chụp môi trường suy thoái, thiên nhiên bị hủy hoại, anh chia sẻ bằng cách nào?

Tôi có hai cách là gửi ảnh cho các báo hoặc mở triển lãm. Nhưng triển lãm thì khó, vì mình không đủ lực, mà kiếm tài trợ cũng vất vả. Cách gửi đăng báo là tiện mà nhanh, nhưng không phải báo nào cũng mặn mà với ảnh môi trường. Giá mà có đầu ra cho những ảnh bình luận độc lập, phóng sự ảnh về môi trường thường xuyên thì sẽ có tác động tích cực với cộng đồng. Còn lâu lâu có một ảnh minh họa thuần túy thôi cũng chẳng giúp được gì đáng kể.

Theo kinh nghiệm của anh, tổ chức, cá nhân trong nước hay ngoài nước quan tâm đến ảnh môi trường hơn?

Nói là quan tâm thì ai cũng thể hiện. Nhưng các tổ chức phi chính phủ hoặc cá nhân hoạt động môi trường ở châu u (Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Hà Lan…) quan tâm đến ảnh môi trường nhiều hơn. Cá nhân trong nước cũng có đến triển lãm “Việt Nam nhìn từ trên cao” tôi làm hồi trước. Tuy vậy, đó cũng chỉ là trao đổi, trò chuyện kiểu “thăm hỏi”, chứ chưa biến thành chủ trương, hành động trên thực tế.

Tôi vẫn đang tìm kiếm sự chia sẻ từ cộng đồng để in sách về môi trường, hoặc in các poster quảng bá cho các sự kiện môi trường, bảo vệ thiên nhiên và các tài nguyên không tái tạo. Ảnh mình có, mà cứ cất mãi thì uổng phí lắm.

Anh có bao nhiêu ảnh về môi trường trong lưu trữ cá nhân?

Tôi không đếm cụ thể, vì nhiều lắm. Nhưng ước lượng ít nhất cũng phải 4.000 tấm. Ngoài ảnh môi trường trong nước, tôi còn có hàng ngàn ảnh về các vùng đất ở 50 quốc gia mà mình có dịp đến. Đừng nghĩ ở Việt Nam hay các nước đang phát triển mới có tình trạng sa mạc hóa. Ngay giữa lòng châu u, trong một chuyến bay, tôi thấy ở Ý cũng có sa mạc mới, không hiện diện màu xanh, do biến đổi khí hậu và do con người tàn phá thiên nhiên.

Vũ Thượng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.