Ra sân bay đón Đoàn, về phía Hoa kỳ có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Tư lệnh sân bay Quân sự Andrew; phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng và Phu nhân.
Trong hai ngày 12 – 13/4, tại Washington DC, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh tập trung thảo luận về các vấn đề: Mối đe dọa khủng bố hạt nhân; Hành động quốc gia nhằm bảo vệ vật liệu hạt nhân; Tăng cường vai trò của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế trong đảm bảo an ninh hạt nhân; Hành động quốc tế nhằm bảo vệ vật liệu hạt nhân.
Dự kiến, lãnh đạo của hơn 40 nước sẽ tới dự Hội nghị trong đó có các nước mạnh về hạt nhân như Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ... Trong Khối ASEAN, Tổng thống Mỹ Obama đã mời lãnh đạo cấp cao các nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Không kể các hội nghị trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc (LHQ) thì đây là hội nghị lớn nhất được tổ chức tại Mỹ sau hội nghị cấp cao về thành lập LHQ được tổ chức tại thành phố San Francisco thuộc bang California vào năm 1945.
Hội nghị cấp cao đầu tiên về an ninh hạt nhân lần này là dịp để các nước cùng thảo luận đề ra những định hướng, nguyên tắc lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh hạt nhân.
Kết quả mong đợi của hội nghị là sẽ đưa ra một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó cam kết sẽ áp dụng mức an ninh hạt nhân cao nhất và coi đây là vấn đề mấu chốt cho việc phát triển và mở rộng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Việt Nam đến thành phố Seattle, một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục hàng đầu của khu vực, thăm Nhà máy sản xuất máy bay Boeing của Tập đoàn Boeing.
Hiện nay, Boeing là một trong những nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Tập đoàn Boeing có hơn 1.000 nhà máy trên thế giới. Nhà máy của Boeing ở Seattle có hơn 3.000 kỹ sư, công nhân làm việc để hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi xuất xưởng máy bay Boeing.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Bình luận (0)