Bạo lực sân cỏ: VFF bất lực!

13/04/2010 00:05 GMT+7

Dư âm của các trận cầu bạo lực của vòng đấu trước còn chưa lắng xuống thì chiều chủ nhật qua, máu lại đổ trên sân Thiên Trường. Các “hung thần” sân cỏ dường như không quan tâm đến nỗi bức xúc của người hâm mộ, còn Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) tỏ ra thiếu kiên quyết và bất lực trong ngăn chặn tình trạng bạo lực đang ngày càng trầm trọng. Nghe đọc bài

Cách xử lý nửa vời của VFF chưa đủ sức răn đe các hành vi bạo lực - Ảnh: Ngô Nguyễn

Dư âm của các trận cầu bạo lực của vòng đấu trước còn chưa lắng xuống thì chiều chủ nhật qua, máu lại đổ trên sân Thiên Trường. Các “hung thần” sân cỏ dường như không quan tâm đến nỗi bức xúc của người hâm mộ, còn Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) tỏ ra thiếu kiên quyết và bất lực trong ngăn chặn tình trạng bạo lực đang ngày càng trầm trọng.

Nghe đọc bài

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh và nguyên Phó chủ tịch VFF Ngô Tư Hà về vấn nạn này của bóng đá VN.

Phạt tiền không ăn thua

Ông Nguyễn Văn Vinh nói thẳng: “Dư luận bức xúc, người hâm mộ phản ứng với các vụ bạo lực gần đây trên sân Lạch Tray, nhưng đó chỉ là giọt nước tràn ly. Bởi trước đó, rất nhiều lần sân bóng Hải Phòng như một võ đài, nhiều đội bóng đến đây thi đấu trong áp lực “đi dễ khó về”. Kể cả trọng tài làm nhiệm vụ trên sân này cũng phập phồng lo sợ, vì chỉ cần một chút sơ suất cũng có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng. Muốn ngăn chặn bạo lực sân cỏ không thể chỉ kêu gọi là xong. Ngay như việc VFF chỉ phạt 60 triệu đồng đối với hành vi khán giả chửi trọng tài, vi phạm trật tự an toàn sân bóng trên sân Lạch Tray vừa qua là không thể chấp nhận được. Cần nhấn mạnh rằng đây không phải là lần đầu tiên sân Hải Phòng xảy ra tình trạng cổ động viên ném vật lạ xuống đường piste, lăng mạ đội bóng và trọng tài. Lẽ ra với lần tái phạm này thì phải xử lý nghiêm khắc, chứ phạt tiền như thế chẳng ăn thua, không có tác dụng răn đe”.

Hôm nay, Ban kỷ luật sẽ tiến hành xem lại băng trận đấu Nam Định và ĐTLA và theo quan điểm của Trưởng BTC giải Trần Quốc Tuấn, Ban kỷ luật có quyền xử “nguội” những tình huống “nóng” mà trọng tài không bao quát hết. Còn theo báo cáo bằng văn bản gửi về BTC, trọng tài Ngô Quốc Hưng - người đã đổ máu vì pha va chạm với cầu thủ khi ngăn cản hai bên xô xát - cũng đã yêu cầu xử lý nặng cầu thủ Danny của ĐTLA vì sau khi bị thẻ vàng thứ 2, đã tiếp tục đánh nguội cầu thủ đội bạn. (L.P)

Ông Vinh nói tiếp: “Tôi không đồng ý cách lập luận của Ban kỷ luật VFF khi nói rằng sai phạm của mùa bóng nào thì tính mùa bóng ấy và khung kỷ luật chỉ có vậy, không thể làm khác được. FIFA hay UEFA rất nghiêm, họ vừa vận dụng luật, nhưng cũng vừa bám sát diễn biến thực tế để phạt một cách nghiêm khắc. Như Drogba (CLB Chelsea) bị treo giò 5 trận, đâu chỉ tính mùa bóng rồi mà còn tính luôn mùa này. Hoặc VFF mới đây xử vụ HLV đội U.19 Đồng Tháp Trang Văn Thành bóp cổ trọng tài không được tham gia các hoạt động bóng đá đến 18 tháng, có nghĩa là án phạt đó cũng kéo dài đến năm sau. Vậy tại sao, theo thống kê của báo chí thì sân Hải Phòng mấy mùa trước bị phạt 11 lần, thế mà lần tái phạm này vẫn chỉ áp dụng khung hình phạt coi như chưa có gì xảy ra?”.

Ông Ngô Tư Hà bổ sung thêm: “Trước đây phạt tiền là một hình thức có thể chấp nhận được nếu sự việc chỉ xảy ra 1-2 lần. Nhưng giờ đây khi bóng đá đã được đầu tư bạc tỉ, thì chế tài vài chục triệu chẳng nhằm nhò gì. Lẽ ra VFF phải nhìn thấy điều đó để thay đổi các điều luật cũng như quy chế xử lý kỷ luật của mình. Nhưng VFF thường rất chậm và thiếu sâu sát”.

Phóng viên ảnh bị đối xử thô bạo

Phóng viên ảnh Duy Bùi của tờ Thể thao 24 giờ đã bị BTC sân Thiên Trường đối xử hết sức thô bạo trong khi tác nghiệp tại trận đấu giữa Nam Định và ĐTLA. Bùi kể lại: “Tôi đang hành nghề thì có tới 8, 9 người của BTC sân xông vào quây lấy tôi, họ đã cào, cấu người tôi. Có người thì giữ chân tay tôi, người lấy tay chẹt vào cổ tôi. Họ chửi bới rồi dúi thẳng tôi vào góc khuất chân khán đài A. Họ yêu cầu tôi xóa toàn bộ ảnh mà họ cho rằng là nhạy cảm và phóng viên không được phép chụp. Họ đã giằng máy ảnh của tôi rồi lấy thẻ nhớ trong máy để tự xóa. Tôi hành nghề một cách đường hoàng, công khai nhưng đã bị đối xử thô bạo”.

P.L

Ông Hà khẳng định: “Nếu thật sự muốn thay đổi mạnh mẽ để nâng tầm bóng đá VN thì nhất thiết phải treo sân, trừ điểm đội bóng vi phạm. Phải đánh đúng vào “thương hiệu” của đội bóng, của cầu thủ thì mới có thể ngăn ngừa bạo lực sân cỏ”.

VFF cần triệt để thay đổi

Ông Nguyễn Văn Vinh nhấn mạnh: “Bạo lực sân cỏ do nhiều nguyên nhân. Cầu thủ, HLV vì máu ăn thua nên nhiều lúc đánh mất mình. Nhưng ngay VFF mà cũng để mất uy tín qua cách hành xử thì làm sao ngăn ngừa bạo lực được ? FIFA, UEFA xử phạt rất kiên quyết, trọng tài xử trên sân một, nhưng nếu xem lại băng hình sau trận hoặc từ sự phản ánh của công luận, xác định đúng tội họ lập tức xử nặng thêm. Như chuyện cầu thủ Leandro thúc chỏ vào mặt Duy Nam chảy máu đầm đìa, rồi sau trận đấu xông vào khu kỹ thuật của Hà Nội T&T gây hấn; hoặc trước đó 2 cầu thủ Xi măng Hải Phòng là Aniekan và thủ môn Bùi Quang Huy đánh nhau như phim, lẽ ra VFF cần phải xử làm gương, chứ đâu thể phớt lờ”. Cả ông Vinh lẫn ông Hà cũng đều phản ứng gay gắt về vụ giảm án cho Công Vinh từ 6 trận còn 3 trận. Ông Vinh nhận xét: “Điều đó làm cho uy tín của VFF bị sụt giảm nghiêm trọng”. Còn ông Hà nói thẳng: “Tôi nghĩ đã đến lúc VFF phải mạnh dạn thay đổi, xử lý vấn đề phải chặt chẽ và khách quan, không nên thỏa hiệp với cái xấu”.

Chủ tịch CLB The Vissai Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường: Đá đẹp không đồng hành với bạo lực

"Khi đưa đội bóng từ hạng nhất lên V-League, phương châm của tôi là muốn xây dựng The Vissai Ninh Bình là đội chơi đẹp về chuyên môn lẫn phong cách. So với nhiều đội phía Bắc khác, tôi có thể tự hào đến giờ đội bóng Ninh Bình luôn có lối đá fair-play, thắng thua bằng đúng khả năng của mình, chứ không dùng bạo lực để làm chùn chân đối thủ. Bởi thương hiệu của một đội bóng quan trọng lắm, không chỉ ngày một ngày hai mà cả quá trình, nên phải biết chăm chút, nâng niu và cổ súy cho bóng đá đẹp. Chỉ cần tôi phát hiện một cầu thủ đá láo, một cầu thủ thiếu trách nhiệm và không biết kiềm chế trên sân, phản ứng gay gắt với trọng tài, gây thiệt hại cho đội nhà là tôi sẽ kỷ luật ngay. Cầu thủ mà sai, trước hết lỗi từ lãnh đạo, nên phải làm gương. Phải ngăn chặn bạo lực từ quá trình tập luyện bằng việc giáo dục cầu thủ một cách nghiêm túc. Nếu không thương hiệu sẽ bị đánh mất ngay. Còn chuyện cổ động viên tạo ra những phát ngôn cay cú, những hình ảnh khó xem, đó lại là vấn đề khác liên quan đến văn hóa bóng đá, không thể một sớm một chiều khắc phục được”.

T.K (ghi)

Trưởng đoàn bóng đá ĐTLA Phạm Phú Hòa: Không bao giờ bỏ tiền ra để thấy bóng đá bạo lực

"Chuyện xảy ra trên sân Thiên Trường là do cầu thủ thiếu kiềm chế nên đã có những pha cự cãi, xô xát nhau. Trong khi xô xát qua lại trọng tài chính Ngô Quốc Hưng bị chảy máu do va vào răng của đội trưởng Phan Văn Tài Em (ĐTLA), người nỗ lực can ngăn các đồng đội của mình. Trong lịch sử phát triển của CLB, chúng tôi luôn nỗ lực để xây dựng một hình ảnh đẹp, đó cũng chính là thương hiệu của đội bóng, thương hiệu của nhà tài trợ, nên chúng tôi luôn cố gắng giữ hình ảnh của mình. Chúng tôi không bao giờ chủ trương cho cầu thủ chơi thứ bóng đá bạo lực và kịch liệt phản đối những hành động thiếu fair-play trên sân cỏ. ĐTLA không bao giờ bỏ tiền ra để thấy bóng đá bạo lực từ chính đội của mình. Nhưng tôi cũng thừa nhận rằng, công tác giáo dục đạo đức không chỉ riêng ĐTLA mà ở các đội khác chưa tốt nên vào thi đấu nhiều lúc còn quá nóng nảy. Bên cạnh đó việc trọng tài rút thẻ nhiều quá cũng ảnh hưởng đến tâm lý cầu thủ. Chúng tôi sẽ xử nghiêm những cá nhân đã gây ra vụ xô xát này, để không làm ảnh hưởng đến thương hiệu của đội bóng".

Q.Huy (ghi)

Ông Nguyễn Hưng Thái, Chủ tịch CLB Megastar Nam Định (NĐ): Phải có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu

“Chúng tôi không bao giờ dám lơ là việc giáo dục cầu thủ nhưng trên sân, ban lãnh đạo đội bóng không thể kiểm soát hết hành vi của họ. Vì thế đôi khi để xảy ra những tình huống như xô xát giữa cầu thủ NĐ và ĐTLA trong trận đấu vòng 8 hay vụ cầu thủ có những lời lẽ không hay với trọng tài Phạm Bá Hòa cách đây nhiều vòng. Cho dù lỗi xuất phát từ đâu hoặc có bức xúc thế nào đi chăng nữa, cầu thủ NĐ cũng cần phải giữ được cái đầu lạnh. NĐ không bao giờ bao che, bảo vệ cho những hành động phi thể thao. Sau trận thắng ĐTLA, tôi đã gọi ngay những cầu thủ bị thẻ đỏ (2 thẻ vàng) như Danh Ngọc, hay thẻ vàng gồm Văn Duyệt, Ngọc Tú, Okoro để cảnh cáo những sai phạm mà họ mắc phải. Phải phê phán ngay tại trận, chứ đợi họp đội mới nhắc nhở thì tác dụng giáo dục sẽ không cao bằng. Phía nhà tài trợ Megastar, khi quyết định đầu tư cho đội bóng, cũng không quá đặt nặng vấn đề là phải dùng mọi cách để đảm bảo thương hiệu mà chỉ yêu cầu NĐ phải cống hiến một thứ bóng đá sạch, đàng hoàng. Dù vậy, NĐ có trách nhiệm phải bảo vệ thương hiệu cho nhà đầu tư. Chính vì thế, tôi hy vọng cầu thủ NĐ sẽ tẩy chay bóng đá bạo lực”.

Lan Phương (ghi)

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.