Ông N.M.H. 49 tuổi, giờ tan sở đi đánh tennis cùng bạn bè, sau đó về nhà nghỉ ngơi. Tắm rửa xong ông ra phòng khách ngồi đọc báo, sau đó hơn 45 phút vợ vào kêu ông ăn cơm thì phát hiện ông đã nằm bất động từ bao giờ. Người nhà gọi ngay xe cứu thương đưa ông vào bệnh viện nhưng những nỗ lực của nhân viên y tế đã không cứu được ông H.. Trường hợp ông H. được gọi là đột tử.
Đột tử ngày càng nhiều
Ngày nay đột tử xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ tuổi. Một trong những nguyên nhân thường gây đột tử nhất là do tim. Đột tử do tim thường không có cảnh báo trước và nguyên nhân do bệnh tim có từ trước. Trong hầu hết các trường hợp, đột tử do tim là do nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim như nhịp nhanh thất hay rung thất. Sự khởi phát của nhịp nhanh thất hoặc rung thất nhanh chóng làm tim ngừng đập và thường sẽ đưa đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Biểu hiện thường gặp của nhồi máu cơ tim điển hình là cơn đau ngực trái dữ dội, khởi phát khi bệnh nhân gắng sức, kéo dài 15-30 phút. Cơn đau lan lên cổ hay hàm dưới bên trái hoặc mặt trong cánh tay trái, đôi khi đau ngay thượng vị làm bệnh nhân lầm tưởng đau bao tử. Cơn đau tăng lên khi vận động và giảm nếu nghỉ ngơi hay dùng thuốc nitroglycerin ngậm dưới lưỡi. Đôi khi cơn đau không rõ ràng, nhất là bệnh nhân tiểu đường, lớn tuổi, bệnh nhân chỉ cảm thấy ngộp thở, nặng ngực. Triệu chứng đi kèm thường là vã mồ hôi và khó thở, mệt nhiều, buồn nôn, nôn, đánh trống ngực. |
Sơ cứu cho người đột tử
Khi có người ngưng tim, cần nhanh chóng gọi ngay trung tâm cấp cứu gần nhất và sơ cứu bằng cách xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đồng thời hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân, cách thực hiện như sau:
Gót bàn tay thuận đặt trên xương ức bệnh nhân, bàn tay còn lại đặt lên trên tay thuận. Tần số nhấn khoảng 100 lần/phút. Biên độ nhấn khoảng 4-5cm đối với người lớn và xen kẽ 30 lần nhấn ngực - là hai lần hô hấp nhân tạo.
Hầu hết bệnh nhân đột tử do tim đã bị nhồi máu cơ tim trước đó nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước đó mà bệnh nhân không biết, hay đã biết và được điều trị đàng hoàng.
Nếu tổn thương ít thì cơ tim có thể lành lại sau một thời gian, nhưng thường để lại một vết sẹo vĩnh viễn. Phần sẹo này của tim có thể trở nên không ổn định điện-và sự không ổn định điện này có thể tạo ra những rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng bệnh nhân. Những rối loạn nhịp này thường xảy ra đột ngột, không hề có triệu chứng báo trước và bệnh nhân có thể bị ngưng tim mặc dù đã được điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguy cơ đột tử sau đau tim như thế nào?
Nhìn chung nguy cơ dài hạn của tử vong sau đau tim trên một người đã được điều trị ổn định một tháng hoặc hơn là khoảng 1-2% mỗi năm sau đó. Tuy nhiên, đối với một số người nguy cơ cao hơn đáng kể. Nguy cơ cao nhất khoảng 20% xảy ra ở những người từng bị ngưng tim nhưng đã được cứu sống.
Nguy cơ tương đối cao ở những bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim diện rộng để lại sẹo trên cơ tim lớn. Một trong những phương pháp đánh giá tốt sẹo này là siêu âm xem chức năng tống máu của tim được gọi là phân suất tống máu, bình thường từ 50% trở lên. Sẹo càng lớn phân suất tống máu càng kém, nếu trên 40% thì nguy cơ tử vong ít hơn, nếu dưới 30% thì nguy cơ cao hơn nhiều.
Làm thế nào để giảm nguy cơ đột tử sau đau tim?
Nguy cơ đột tử sau đau tim có thể được làm giảm đáng kể nhờ tuân thủ chỉ dẫn theo điều trị của bác sĩ là dùng thuốc điều trị ức chế bêta và ức chế men chuyển, cũng như thuốc statin. Các thuốc trên làm giảm nguy cơ đột tử nhờ làm giảm cơ hội phát triển suy tim và đau tim tái phát. Nếu bệnh nhân thuộc diện có nguy cơ cao mặc dù đã được điều trị bằng thuốc có thể được xem xét để cấy một máy phá rung.
Có thể thay đổi yếu tố nguy cơ
Có những yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành mà ta không thay đổi được (tuổi, giới tính, tiền sử gia đình), nhưng cũng có những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như:
* Hút thuốc lá, làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành của bạn tăng lên gấp hai lần.
* Lối sống ít vận động: những người không luyện tập thể dục thường xuyên sẽ có tuổi thọ thấp hơn những người luyện tập thường xuyên mỗi ngày trên 30 phút.
* Tăng huyết áp: ở người bệnh tăng huyết áp, thành mạch máu thường bị xơ vữa nên rất kém đàn hồi. Do đó để tống máu đi tim phải tốn công nhiều hơn. Hậu quả là cơ tim sẽ dày lên và cứng hơn, sự cố gắng liên tục sẽ làm tim suy yếu. Do áp lực lên thành động mạch tăng cùng với sự xơ vữa, mạch máu dễ bị vỡ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
* Tiểu đường: theo một nghiên cứu, hơn 65% người đái tháo đường bị tử vong vì bệnh tim mạch.
* Béo phì: người béo phì dễ bị tăng cholesterol máu, tăng huyết áp và là nguy cơ của bệnh tim mạch.
* Rối loạn mỡ trong máu: ở người trưởng thành, nếu nồng độ cholesterol trong máu tăng cao quá 10% giá trị bình thường thì nguy cơ bị các biến chứng tim mạch sẽ tăng thêm 30%.
* Bị stress làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp. Người bệnh tim mà liên tục chịu ảnh hưởng của stress thì tần số cơn đau thắt ngực tăng lên.
* Uống quá nhiều rượu bia: làm tăng huyết áp, tăng triglicerid máu, gây nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)