Nguồn lây tả từ gánh hàng rong
Trường hợp mắc tả thứ năm được bác sĩ Giang xác nhận vào chiều nay (13.4). Đây là học sinh nữ tên M.T, lớp 8 trường THCS Hồng Bàng, có kết quả xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả vào chiều 12.4. Bệnh nhân này cũng là em gái của nam sinh viên (ngụ ở đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM) được xác định nhiễm tả vào ngày 9.4.
Được biết, M.T đã bị tiêu chảy trước đó và chỉ được lấy mẫu xét nghiệm tả sau khi anh của T. nhập viện với triệu chứng tiêu chảy và có kết quả dương tính với tả.
Song song đó, lần lại ba ca mắc tả trước, theo Sở Y tế TP.HCM các bệnh nhân đều có mối quan hệ bạn bè, thân thuộc và cùng ăn thức ăn tại một gánh hàng rong trước cổng trường THCS Hồng Bàng.
Bác sĩ Giang cảnh báo: Các ca tả vừa qua đều không có biểu hiện lâm sàng điển hình. Khi có kết quả xét nghiệm mới phát hiện là mắc bệnh tả.
Bệnh tả có thời gian ủ bệnh từ 5 giờ đến 5 ngày và là bệnh lây lan qua đường tiêu hóa. Vì vậy, nếu chờ đến kết quả xét nghiệm thì sẽ rất chậm và có khả năng bệnh nhân đã lây cho người khác. Các cơ sở y tế địa phương phải kiểm soát tất cả các ca tiêu chảy xuất hiện trên địa bàn, đặc biệt là khi có nhiều người bị cùng một lúc.
Xuất hiện liên tục nhiều ca tả, tuy nhiên, bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, TP chưa có ổ dịch với phẩy khuẩn tả mà các trường hợp mắc bệnh do sự lây lan từ các yếu tố gia đình, thân thuộc.
Chiến dịch làm "sạch" hàng rong
Chiều nay, Sở Y tế TP.HCM cùng đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã làm việc tại Q.5, địa bàn “trọng điểm” được khoanh vùng kiểm soát tả, để kiểm tra và triển khai hoạt động phòng chống.
Biện pháp cấp bách được đưa ra là tăng cường quản lý, thanh kiểm tra đối với hoạt động ăn uống hàng rong, trên đường phố. Hàng rong xuất hiện ở địa bàn quận huyện nào thì quận huyện đó kiểm tra và có thẩm quyền xử lý.
Không cần đặt vấn đề là hàng rong có giấy chứng nhận đủ hay không đủ điều kiện VSATTP mà quận, huyện, nơi có gánh hàng rong buôn bán phải kiểm tra thực tế xem gánh hàng rong đó có vệ sinh hay không, người bán hàng có vệ sinh hay không. Các hàng rong không đảm bảo vệ sinh phải bị cấm hoạt động, buôn bán ngay lập tức.
Trong tuần này, Sở Y tế và các đoàn thanh tra liên ngành về VSATTP sẽ tập trung kiểm tra những hàng rong bán thực phẩm ăn ngay và đặc biệt là các hàng quán phải sử dụng nước rửa chén đĩa, dụng cụ ăn uống ngay tại chỗ. Cấm bán nếu hàng không đủ điều kiện vệ sinh, nước rửa chén đĩa không đủ hoặc không sạch sẽ.
|
Bên cạnh đó, bác sĩ Giang nhấn mạnh: Tuyệt đối không để hàng rong trước cổng trường. Tăng cường cung ứng thực phẩm, vệ sinh trong căn-tin nhà trường để đáp ứng nhu cầu ăn uống của học sinh. Ngành y tế cảnh báo phụ huynh nên buộc con em ăn ở nhà, hạn chế ăn uống ngoài đường.
Cũng để làm "sạch" hàng rong nhằm phòng chống tả, chính quyền địa phương có trách nhiệm huấn luyện kiến thức VSATTP cho người chế biến thực phẩm, buôn bán hàng rong; tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho những đối tượng kinh doanh này.
Các hàng rong phải có xe đẩy sạch, dụng cụ sạch và phải có đủ nước sạch rửa dụng cụ, nước chế biến thực phẩm.
"Điều quan trọng là phải dần nâng kiến thức VSATTP của người bán hàng rong lên, để họ vừa có thể kiếm sống từ gánh hàng của mình, vừa đáp ứng nhu cầu ăn uống cho người dân một cách vệ sinh và phòng dịch", bác sĩ Giang nói.
Về lâu dài, Sở Y tế TP.HCM đề xuất kế hoạch tổ chức những khu hàng rong tập trung đảm bảo vệ sinh đối với nguồn nước cấp, nước thoát, chỗ để rác thải và nền (chỗ đặt thức ăn) sạnh, không bụi.
Hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất nước đá, nước đóng bình, nước đóng chai cũng đang được các ban ngành chức năng gấp rút thực hiện. Kiên quyết đóng cửa nếu không đảm bảo vệ sinh mà không cần chờ kết quả xét nghiệm vi sinh, lý hóa.
Viên An
Bình luận (0)