Thần tượng tròn & méo

14/04/2010 10:26 GMT+7

(TNTT>) Thần tượng trong giới trẻ hiện nay đã bị biến tướng với những kiểu cách lạ đời.

Thần tượng kiểu cổ điển

“Hồi sáu tuổi, vào Sài Gòn học lớp một, tôi không biết chữ, do… bất đồng ngôn ngữ. Nhưng lên lớp hai, biết chữ rồi, tự nhiên khát sách. Và tới lớp ba, lớp bốn, thì đã đọc những quyển “nặng” của J.J Rousseau, F.Voltaire, D.Diderot… Những quyển ấy thấm âm thầm, làm mình có những lý tưởng xã hội bay bổng. Và các ông đã hóa người thiên cổ ấy chợt trở thành thần tượng. Giờ già rồi, chưa làm được gì đáng kể, nhưng trong mình vẫn là cách nghĩ về công bằng xã hội như các thần tượng đã viết”, anh Tùng, năm nay 43 tuổi, bảo vậy.

Một ông già về hưu thì vẫn nhớ về những chỉ huy trực tiếp của mình thời quân ngũ, như là những thần tượng. “Chiến tranh mà, chỉ huy có dám xả thân mới đốc thúc anh em đồng đội lao lên phía trước. Có nhiều ông đã ngã xuống sát hàng rào căn cứ địch, nhưng ngã xuống rồi vẫn như còn sống, như hồi kèn xung trận. Nghĩ về họ, giờ vẫn còn thấy ngực phừng lên sự tự hào”.

Nhiều người khác thì có hình tượng Pavel Corsaghin như là một mẫu của thời trẻ trung. “Cái anh Pavel này cũng cực đoan chứ, nhưng sống đẹp và nhiều khát vọng cháy bỏng. Trong đời thường mấy ai noi và sống được như thế. Tuy vậy, mình có thần tượng là Pavel thì những lúc yếu đuối, cũng có thêm động lực để không ngồi thụp xuống”, một nghiên cứu sinh đang ở Hàn Quốc gửi mail chia sẻ.

Vài dẫn chứng kể trên cho thấy những thần tượng kiểu “cổ điển” thật ra cũng không bó hẹp vào một ai. Nhưng vào một thời mà lý tưởng xã hội chính là lý tưởng và khát vọng dân tộc, những hình ảnh đẹp đẽ, sâu thẳm, kiêu hùng luôn là đích đến. Sẽ có nhà phân tích tâm lý, nhìn bằng góc nhìn hiện đại, cho rằng đó là những mẫu tính cách đơn giản, kiểu “đường một chiều”. Tuy vậy, ai cũng sẵn lòng cho rằng những hình ảnh thần tượng cổ điển lại có sức sống lâu bền.

Thần tượng kiểu “công nghiệp”

Ở đô thị, do tác động của truyền thông hoặc theo sự bắt chước đám đông, nhiều người trẻ (chủ yếu ở tuổi teen) lại có xu hướng “đúc khuôn” thần tượng theo trào lưu. Thật ra, những thần tượng kiểu này có tính hợp mốt hơn là sự lựa chọn của chính cá nhân.

Có một dạo, khi phim Hàn Quốc tràn qua Việt Nam đợt thứ nhất, những nữ diễn viên Hàn môi nâu mặt nhợt nhạt trở thành hình mẫu của các cô tuổi 30 trở xuống. Còn với các anh tre trẻ, thì kiểu “thư sinh lãng đãng” lại được chuộng. Sau này, lại có thêm trào lưu unisex (một kiểu phong cách trung tính, không rõ nữ, cũng không rõ nam) từ trang phục đến các biểu hiện của hành vi cũng thịnh. Bên cạnh đó, còn những thần tượng đến từ Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… (chủ yếu thông qua phim, clip ca nhạc, kể cả phim… hoạt hình).

Do tâm lý sợ bị kỳ thị, lạc lõng trong đám đông, nên những thần tượng ngắn hạn như những làn sóng quét nhanh qua giới trẻ. Họ vận dụng những chi tiết của thần tượng để hóa thân cho mình. Sẽ không lạ, khi hàng loạt phiên bản của diễn viên Hàn, Hồng Kông… xuất hiện ở nơi công cộng. Và bởi vì tính chất chủ yếu của hiện tượng này là hợp mốt, nên các hình mẫu – thần tượng được copy với phương pháp y như nhân bản vô tính.

Sẽ là may mắn, khi các trào lưu bắt chước nhanh nở, nhanh tàn. Khi bắt chước cái này dễ dàng thì bắt chước cái khác cũng là mau mắn. Tất nhiên, về phương diện xã hội lẫn cá nhân, sự bắt chước tự động, thiếu bộ lọc của giá trị cũng tạo ra nhiều hệ lụy không dễ nhận ra ngay. Nhưng dẫu sao những mẫu copy cũng nhanh biến mất, khi có mẫu mới xuất hiện.

Đến “cuồng” thần tượng

Vài năm trước, báo chí đã đăng về chuyện những nữ sinh đêm đêm gọi đến tổng đài 1080 để thi nhau nghe giọng của thần tượng, trong những bài “hit”. Có những số phận được chính chuyên gia tâm lý trực tổng đài tư vấn phát hiện với nhiều cung bậc của bi kịch. Thần tượng trong những trường hợp này đã bị đẩy đến mức cuồng tín: sống và hòa quyện cuộc sống cá nhân vào hình tượng được thần thánh hóa.

Ngay hiện tại, không ít ca sĩ nổi tiếng đã thành thần tượng vô điều kiện của đám đông. Tuy vậy, thông thường những người ở tuổi 30 trở đi sẽ nhướng mắt ngạc nhiên khi đọc những thông tin về “cuồng thần tượng”. Đi đón một ban nhạc nước ngoài ở sân bay, có nhiều cô gái đột nhiên ngất xỉu. Hoặc họ kéo rồng rắn đón rước tự nguyện từ sân bay về tới khách sạn. Ít ai để ý rằng có khi thần tượng của họ sang xứ mình chỉ để phục vụ lợi ích thương mại. Chẳng hạn, là tham gia sự kiện ra mắt một nhãn hàng, một sản phẩm hoặc khai trương một nhà hàng.

Và cũng không ít chuyện thần tượng là ca sĩ khi biểu diễn trước đám đông thần tượng đã bị giành giật trang phục, đồ lưu niệm. Thậm chí có người còn kêu thất thanh vì bị “xâm phạm thân thể”. Sự biến thái theo hướng kỳ quặc của đám đông đã biến thần tượng trở thành… nạn nhân!

Giới ca sĩ dễ trở thành thần tượng nhất, nếu họ hát những bài đẫm nội dung yêu đương sướt mướt, khổ đau, thề thốt… Bạn trẻ mới lớn, do những biến đổi tâm lý, sinh lý rất nhanh từ tuổi dậy thì, dễ cho rằng đó là điều thần tượng dành riêng cho mình. Và rất nhanh chóng, thần tượng choán hết cuộc sống bình thường, khiến họ đột ngột trở thành bất thường. Không ít trường hợp chứng “cuồng thần tượng” đã trở thành những ca có dấu hiệu của bệnh lý tâm thần. 

Người trẻ hay tìm nơi bấu víu về tinh thần để chống lại cảm giác bấp bênh. Nhưng khi lấy thần tượng trở thành nơi bấu víu duy nhất, họ cũng dễ mất cân bằng đến mức dễ ngã. Tuy nhiên, nếu cuồng thần tượng trở thành vấn đề của một đám đông lớn, đó lại trở thành chuyện bất thường cực đoan và méo mó đến đáng ngại.

 
Nguyễn Trang Nhung (26 tuổi, phường Thanh Xuân Bắc, Q. Thanh Xuân, Hà Nội):

Nói chung, thời học sinh, rất nhiều bạn có thần tượng, như một phong trào vậy. Năm lớp 8, thần tượng của tôi là ca sĩ Đan Trường vì anh ấy rất đẹp trai, giọng hát tình cảm, dễ thương. Tôi thường nhẩm theo lời bài hát của anh ấy, mua băng đĩa để nghe. Lên cấp 3, làn sóng Hàn Quốc đổ bộ mạnh vào Việt Nam, tôi quay ra thích các diễn viên Hàn Quốc như Jang Dong Gun. Thích nhưng cũng chỉ là trên phim ảnh, các poster hay sticker dán trong phòng hay hộp bút, sách vở. Cũng không thể trách các bạn trẻ bây giờ hâm mộ quá cuồng nhiệt vì họ được tiếp cận với nhiều thông tin hơn (qua internet, truyền hình...).

 
Nguyễn Minh Anh (28 tuổi, 444 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội):

Tôi là người có rất nhiều thần tượng. Mỗi lĩnh vực tôi lại hâm mộ một vài người hay cả tập thể. Trong bóng đá, đội tuyển hâm mộ của tôi là đội tuyển Anh, câu lạc bộ là M.U, còn cầu thủ thần tượng lại là Michel Platini của Pháp. Trong phim ảnh, thần tượng của tôi là diễn viên Thành Long (Trung Quốc). Tôi không bỏ qua bất cứ tập phim nào có anh diễn xuất cũng như các tin tức liên quan tới anh. Tôi cảm thấy học hỏi từ Thành Long rất nhiều thứ từ chính cuộc sống của anh cũng như những nhân vật mà anh thể hiện. Hâm mộ với tôi chỉ đơn giản là vậy, tôi không treo poster, không sưu tập đồ đạc liên quan tới họ, cũng không phát cuồng mong mỏi gặp thần tượng...

 

Trần Xuân Nam (HS lớp 11, trường Lê Hồng Phong, Thái Nguyên):

Các bạn ở lớp tôi ai ai cũng có thần tượng của riêng mình. Nhiều nhất vẫn là thần tượng phim ảnh, ca nhạc Hàn Quốc vì được nghe nhiều, xem nhiều suốt ngày đêm trên ti-vi ở đủ các kênh. Tuy nhiên, ở nông thôn, chúng tôi chỉ biết yêu thích qua phim ảnh. Nên có dịp được gặp, nhiều bạn đã không nén được cảm xúc, lúc đó lại a dua theo bạn bè dẫn tới những cảnh oái oăm. Tôi nhớ có một lần, có ca sĩ T.H về quê tôi biểu diễn, vì anh này đến muộn, khán giả phải trả tiền nhiều mà mãi không thấy thần tượng xuất hiện nên đã nổi đóa lên ném đá, la hét phản đối. Khi anh này ra sân hoảng hồn thấy cảnh tượng trên nên phải nhanh chóng rút lui.

 

Đinh Phương Uyên (Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM):

Thần tượng của tôi từ ngày học phổ thông tới bây giờ duy nhất vẫn là ca sĩ Mỹ Tâm. Tôi còn nhớ, lần đầu trượt đại học, tôi đã rất buồn, lúc đó chỉ biết nghe nhạc để giải sầu. Tôi đã không chỉ nghe âm nhạc của Mỹ Tâm, tôi còn tìm hiểu trên ti-vi, đài, sách báo về chị. Tôi cảm phục nghị lực phi thường của cô ca sĩ này nên đã lấy làm gương, cố gắng học tập và thi đỗ vào trường tử tế. Sau này, công việc của tôi có cơ hội tiếp xúc với Mỹ Tâm nhiều hơn, lúc đó thì mình cũng không còn quá tôn sùng Mỹ Tâm một cách hồn nhiên như trước nữa. Họ là thần tượng nhưng họ cũng là con người bằng xương, bằng thịt, cũng có điểm xấu, điểm tốt.

Hồng Minh (ghi)

Vũ Bách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.