Có “bàn tay” của tín dụng đen

16/04/2010 01:39 GMT+7

Tiếp tục tìm hiểu về cái chết của ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng VPCC Việt Tín (TP Hà Nội), PV Thanh Niên phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường...

Phản ánh với PV Thanh Niên vào hôm qua, anh Hoàng Đức Long (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), một nạn nhân có liên quan đến VPCC Việt Tín, kể vào tháng 10.2009, anh mua của Trần Ngọc Cường (SN 1979, thường trú quận Tây Hồ, Hà Nội) một căn nhà có diện tích hơn 35m2 tại quận Cầu Giấy với giá 2,5 tỉ đồng. Việc mua bán giữa hai bên được căn cứ trên bản hợp đồng ủy quyền về căn nhà có công chứng của VPCC Thăng Long (số 54 Trần Nhân Tông), trong đó thể hiện Cường được chủ sở hữu ủy nhiệm toàn quyền mua bán, sang nhượng căn nhà. Hai bên đã đưa nhau đến VPCC Việt Tín làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất căn nhà nói trên. “Cường dẫn tôi đi xem nhà, có giấy tờ chứng nhận của cả hai VPCC nên tôi yên tâm trao tiền mà không thắc mắc gì”, anh Long nói.

Thế nhưng, cách đây vài tuần, khi anh Long đến cơ quan đăng ký nhà đất để thực hiện việc sang tên thì cơ quan này yêu cầu phải có thêm bản sao của hợp đồng ủy quyền. Anh Long tìm đến VPCC Thăng Long để xin sao lại một bản thì được trả lời văn phòng này không hề công chứng cũng như ban hành hợp đồng ủy quyền nào như trên. Anh Long tá hỏa, tìm cách liên lạc với Cường thì không bắt máy, đến nơi ở cũng không gặp. Toàn bộ sự việc này đã được anh Long đến trình báo cơ quan chức năng.

Ngày 9.4, VPCC Thăng Long đã gửi một báo cáo tới Sở Tư pháp về việc phát hiện nhiều hợp đồng ủy quyền công chứng bị làm giả toàn bộ con dấu, chữ ký của văn phòng nhưng sau đó lại được VPCC Việt Tín công chứng để thực hiện các giao dịch bán, chuyển nhượng, cho thuê... Một nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết các hợp đồng ủy quyền bị làm giả có liên quan đến hai đối tượng, ngoài Trần Ngọc Cường còn có Hà Thị Linh (SN 1978, ngụ Q.Hai Bà Trưng). Số hồ sơ về nhà đất, bất động sản do Cường và Linh thực hiện công chứng qua VPCC Việt Tín đã lên tới hàng trăm bộ. Số tiền giao dịch qua các hợp đồng này có thể lên tới hàng chục tỉ đồng. Hiện vụ việc này đang được Công an Hà Nội tiến hành điều tra.

Theo ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội, sự việc nói trên cho thấy có nhiều khả năng liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Cụ thể, các đối tượng cầm đầu đường dây tín dụng đen khi cho vay tiền đều yêu cầu phải thế chấp giấy tờ về nhà cửa hoặc tài sản khác. Khi có những giấy tờ này, các đối tượng có thể làm giả giấy tờ công chứng ủy quyền để được mua bán, sang nhượng tài sản, rồi tìm người mua và tiến hành công chứng hợp đồng bán tài sản cho người mua. Tuy vậy, theo ông Cao thì hoàn toàn có thể ngăn chặn tình trạng trên, nếu như VPCC thực hiện đúng quy trình, quy định về nghiệp vụ. Bên cạnh đó, người dân nếu chưa cảm thấy yên tâm thì có thể kiểm tra.

Cũng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, VPCC Việt Tín đã mua bảo hiểm nghề nghiệp tại Công ty bảo hiểm Bảo Minh, thời hạn từ 5.2009 - 5.2010, với giá trị 2 tỉ đồng cho mỗi hợp đồng.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.