Các bất thường trong thai kỳ

17/04/2010 11:23 GMT+7

(TNTT>) Dư nước ối hoặc khô ối là các triệu chứng thường bị các thai phụ bỏ qua, tuy nhiên, theo bác sĩ đây là nguy cơ cho thai nhi và sự chuyển dạ.

Trong buổi trò chuyện với thầy thuốc do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM tổ chức, ThS. BS Đặng Lê Dung Hạnh, trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Hùng Vương đã liệt kê một số bất thường về nước ối, bánh nhau, dây rốn, cảnh báo nguy cơ với mẹ và con nếu không được xử lý kịp thời.

Bất thường nước ối

Nước ối được hình thành tự nhiên, có vai trò như chất đệm, dinh dưỡng, bảo vệ và giúp cho sự phát triển của cơ thể thai nhi. Theo cơ chế bình thường, tùy thuộc độ tuổi của thai nhi mà dịch ối có thể nhiều hay ít, tăng hay giảm. Lượng nước ối có thể ước lượng qua siêu âm và được thể hiện bằng chỉ số AFI (amniotic fluid index). Ngoài ra, cũng có thể nhận biết qua sờ nắn bụng. Nghi ngờ đa ối sờ nắn thấy bụng to nhiều, không chắc, dấu hiệu chạm phần thai ở xa xăm (dấu chạm nước đá). Nước ối có các dạng bất thường như:

Thiểu ối (nước ối ít): AFI<5. Bản thân bà mẹ có thể nhận biết một phần khi thấy bụng nhỏ hơn so với tuổi thai. Nguyên nhân có thể do thai già tháng, mẹ thiếu nước, bệnh lý ở mẹ. Tình trạng này có thể dẫn đến những nguy cơ cho thai nhi như: thiểu sản phổi, biến dạng chi, con nhẹ ký, nguy hiểm khi chuyển dạ…

Vô căn

BS Đặng Lê Dung Hạnh khẳng định, những bất thường trên đa phần không có triệu chứng rõ rệt và không thể phòng tránh. Sản phụ nên khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để có thể phát hiện bất thường càng sớm càng tốt. Tùy vào mức độ nguy hiểm của bất thường ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi mà bác sĩ sẽ có biện pháp xử trí phù hợp.

Đa ối (dư nước ối): AFI>20. Sản phụ sẽ thấy bụng to hơn bình thường nhất là khi có tình trạng đa ối cấp. Lúc này sản phụ sẽ thấy bụng to nhanh trong thời gian ngắn, có thể thấy bụng căng, khó thở. Khám sẽ thấy bụng to hơn tuổi thai, sờ các phần thai và nghe tim thai khó khăn. Nguyên nhân có thể do thai non tháng, đa thai, bệnh lý ở mẹ. Đa ối khiến thai nhi có nguy cơ bất thường, sa dây rốn khi chuyển dạ, sanh non, nguy hiểm cho mẹ khi chuyển dạ.

Bánh nhau

Bánh nhau là trạm trung gian trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, là nơi tiết chế hay chuyển hóa một số chất đặc biệt giúp cho sự duy trì và phát triển của thai. Bánh nhau có bất thường chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng không thuận lợi cho sự lớn lên của thai nhi.

Bất thường xuất phát từ vị trí bám của bánh nhau. Vị trí bám thuận lợi nhất của bánh nhau là đáy tử cung nơi có nhiều mạch máu và dưỡng chất nhất. Tuy nhiên, nhau có thể bám ở những vị trí bất lợi hơn như thành bên tử cung, từ dưới thành tử cung đến cổ tử cung, ở cổ hay gần cổ tử cung. Triệu chứng có thể xảy ra là xuất huyết bất thường trong thai kỳ mà không cần có cơn đau bụng, tái phát nhiều lần, mức độ từ nhẹ đến nặng. Ở trường hợp này, thai nhi sẽ có nguy cơ dinh dưỡng kém, sanh non, nhẹ ký; mẹ có thể bị xuất huyết bất thường. Nguyên nhân có thể do bệnh lý u ở tử cung, do nạo phá thai nhiều lần, tử cung dị dạng…

Mức độ bám của bánh nhau: Nhau cài răng lược là tình trạng nhau bám chặt bất thường vào lớp tử cung khiến nhau khó bong ra khi sanh, gây chảy máu. Nhau có thể bám vào tử cung ở các mức độ khác nhau và nguy hiểm ở chỗ là có thể gây chảy máu sản phụ, sót nhau…

Nhau bong non: Tình trạng nhau bong ra khi thai vẫn còn trong tử cung. Khi ấy, sản phụ sẽ có những cơn đau bụng của chuyển dạ, rất nguy kịch.

Dây rốn

Dây rốn có thể trong tình trạng bị teo, thắt nút, quấn chặt, rốn quá ngắn… Dây rốn là nơi cung cấp máu, oxy và dưỡng chất từ mẹ sang con. Nguy cơ này ngăn cản sự lưu thông này và gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi, nên phần lớn thai phụ được khuyên sinh mổ.

Nguyễn Lý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.