Cần chặn đứng ngay nạn côn đồ hành hung nhà báo!

18/04/2010 00:11 GMT+7

Trong thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội bất bình với nạn bạo hành nhằm vào các phóng viên, nhà báo đang làm nhiệm vụ.

 PV Trần Thế Dũng của Báo Người Lao Động bị hành hung tại huyện Cao Lỗ (Lạng Sơn) ngày 6.1.2010

PV Duy Bùi của tờ Thể thao 24 giờ bị tấn công trên sân Thiên Trường chiều 11.4.2010

Đã từ lâu, có việc một số cá nhân, cơ quan, tổ chức gây khó khăn, cản trở hoạt động của báo chí như từ chối gặp với nhiều lý do khác nhau, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp không trung thực về sự kiện mà báo chí đang tìm hiểu để cung cấp kịp thời cho bạn đọc…, đó cũng đã được coi là những vi phạm Luật Báo chí cần được khắc phục.

“Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Trích điểm đ, khoản 1, điều 15 Luật Báo chí.

Đáng tiếc dạng như trên không những không giảm mà còn ngày một gia tăng. Đặc biệt các hành vi vi phạm Luật Báo chí trong thời gian gần đây không còn dừng lại ở dạng “không hành động” mà chúng đã thể hiện ở dạng hành động, qua sự tấn công của một số phần tử gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của các nhà báo, phóng viên. Người ta đặt ra một câu hỏi: Những kẻ hành hung, tấn công nhà báo là ai? Những thông tin mà báo chí đã và sẽ công bố có gì xâm phạm đến lợi ích chính đáng của họ? Nếu không xuất phát từ động cơ cá nhân thì động cơ gì thúc đẩy họ hành hung, tấn công nhà báo và ai là người đứng sau hậu thuẫn cho họ?

Nghiên cứu một số vụ hành hung tấn công nhà báo vừa qua, tôi thấy những người bị hành hung đều là những phóng viên đang đi tìm hiểu những hiện tượng tiêu cực đã và đang xảy ra ở một địa phương, một ngành, một lĩnh vực nào đó. Như vậy không thể không đặt một câu hỏi: Có phải việc cản trở và hành hung nhà báo nhằm mục đích bưng bít, che đậy thông tin bất lợi cho những cá nhân, cơ quan, tổ chức đang có tiêu cực? Nếu quả thật là như vậy thì người chịu trách nhiệm về hành vi hành hung nhà báo không chỉ là những kẻ quá khích, hung hăng côn đồ gây thương tích cho các nhà báo mà còn cả những người lãnh đạo, quản lý cơ quan tổ chức nói trên. Vai trò kích động, xúi giục và chỉ đạo hành động của những kẻ côn đồ từ phía các cán bộ quản lý nói trên cần được các cơ quan chức năng mà trước hết là công an địa phương làm rõ. Tuy nhiên, những người theo dõi quá trình giải quyết sự việc của các cơ quan có thẩm quyền đã thực sự thấy “buồn” khi các vụ hành hung nhà báo hoặc đã không được giải quyết kịp thời, dứt điểm hoặc bị rơi vào quên lãng. Một công dân bình thường bị tấn công, bị gây thương tích còn được các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo vệ, trong khi các nhà báo đang tác nghiệp, đang thực hiện phanh phui những tiêu cực nhằm chống vi phạm pháp luật, làm lành mạnh các quan hệ xã hội được Đảng và Nhà nước khuyến khích lại không được quan tâm (?).

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, vai trò của báo chí rất quan trọng trong quá trình thực hiện củng cố và phát huy nền dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta. Để báo chí thực hiện được nhiệm vụ của mình, cần tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật báo chí và trước hết cần bảo vệ nhà báo khỏi sự tấn công từ bất kỳ ai khi họ đang tác nghiệp. Một người hôm nay chỉ cản trở nhà báo tác nghiệp bằng việc im lặng, trốn tránh trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin sai sự thật, bưng bít tiêu cực thì ngày mai ai dám khẳng định họ không là người kích động, xúi giục người khác, “bảo kê” hoặc thậm chí bỏ tiền thuê côn đồ hành hung nhà báo.

Trong mọi trường hợp khi xảy ra sự việc hành hung nhà báo, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải nhanh chóng và quyết liệt vào cuộc. Phải lật mặt những kẻ trực tiếp hành hung nhà báo và những nhân vật đứng sau các vụ hành hung đó. Pháp luật tố tụng hình sự nước ta quy định như vậy. Luật Báo chí cần được sửa đổi để vừa tiếp tục nâng cao vị thế của nhà báo trong xã hội, vừa cụ thể hóa trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hợp tác và bảo vệ nhà báo khi đang tác nghiệp và cuối cùng, khi nhà báo đang tác nghiệp họ phải được xem là người thi hành công vụ.

Những kẻ hành hung nhà báo  hoặc những kẻ tiếp tay vừa qua cần bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh gây thương tích để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân theo quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự hiện hành của nước ta.

PGS-TS Phạm Hồng Hải
(Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.