Di sản hơn 400 năm tuổi
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học VN), nét đặc biệt của Trường Lũy là chiều dài xấp xỉ 200 km, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định). Đây là một công trình kiến trúc lớn, đa dạng, nhiều phần được làm bằng đá hoặc đất, trong đó nhiều đoạn được cấu trúc bằng đá còn khá nguyên vẹn. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các công trình liên quan, đặc biệt là hơn 50 đồn bảo và một con đường cổ chạy dọc theo lũy. Đây là một phần của con đường thiên lý nối kinh đô với các tỉnh phía Nam.
Các nhà khảo cổ học tìm kiếm hiện vật tại di tích đồn bảo đèo Chim Hút - ảnh: Hiển Cừ |
Qua khai quật tại 3 di tích đồn bảo tại huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) gồm: Thiên Xuân (xã Hành Tín Đông), Rùm Đồn, đèo Chim Hút (xã Hành Dũng) đã tìm thấy những đồ gốm xuất xứ từ Trung Quốc, Hồng Kông và các tỉnh phía Bắc Việt Nam có niên đại vào nửa sau thế kỷ 17. Điều này cũng khẳng định việc mua bán, trao đổi hàng hóa qua lũy vào nửa đầu thế kỷ 17 đến nửa sau thế kỷ 18 khá nhộn nhịp.
Tiến sĩ Andrew Hardy - Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội cho rằng, lũy không phải là một công trình chỉ do người Việt xây dựng mà do cả cộng đồng người Việt và H’rê cùng tham gia với việc sử dụng kỹ thuật xếp đá độc đáo của người H’rê. “Đây là một trong những đặc điểm đặc biệt nhất của di tích Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định”, ông Andrew Hardy nói.
Gấp rút bảo vệ!
Theo giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định có quy mô lớn và được xem là dài nhất Đông Nam Á với sự đa dạng của cấu trúc và kỹ thuật xây dựng. Đây cũng là công trình đa chức năng mà mỗi thời điểm có chức năng riêng như quân sự, giao thương và giao thông. Đi liền với nó là một câu chuyện lịch sử hấp dẫn, một tiềm năng to lớn cho ngành du lịch. |
Tại cuộc hội thảo vừa diễn ra ở Quảng Ngãi do Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Viện Khoa học xã hội VN tổ chức, các nhà khảo cổ học đều khẳng định: “Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là một công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, là công sức của bao người dân lao động, đây không phải chỉ là di sản của riêng Quảng Ngãi hay Bình Định mà phải được xem là di sản của quốc gia, của nhân loại”. Tuy nhiên, sự tồn tại của Trường Lũy đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các hoạt động nông nghiệp và khai thác nguyên liệu đá. Thậm chí mới đây, người dân ở huyện Trà Bồng đã phá một đoạn lũy để mở đường giao thông. “Cần phải nhanh chóng xây dựng phương án bảo vệ, bảo tồn nếu không đến khi được công nhận là di sản quốc gia thì Trường Lũy cũng chẳng còn gì”, giáo sư Phan Huy Lê đề xuất.
Để bảo vệ, quản lý, sử dụng bền vững Trường Lũy, tiến sĩ khảo cổ học Christopher Young (Hội đồng Di sản Anh) cho rằng phải hình thành ngay hành lang bảo vệ hai phía của lũy, thành lập ban quản lý, giữ nguyên hiện trạng vốn có, tuyệt đối không nên phục dựng những cái đã mất, như thế di sản mới có giá trị vô giá. Theo ông Christopher Young, nguyên tắc chung trên toàn thế giới là công trình di sản phải mang lại lợi ích cho người dân chứ không phải để chiêm ngưỡng. Do vậy, việc phát triển du lịch cần phải gắn kết với lợi ích, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư sống dọc theo lũy. “Di sản chỉ sống khi cộng đồng muốn giữ”, tiến sĩ Nguyễn Giang Hải - Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học VN khẳng định.
Hiển Cừ
Bình luận (0)