Tiểu hổ theo dấu lão hổ hạ sơn
Cố võ sĩ Tấn Hoành, sinh năm 1920; ông thuộc thế hệ sau của võ sư Bảo Truy Phong. Thời bước vào tuổi thanh niên của ông, võ Quảng Ngãi đã nổi danh cả nước nhờ võ sư Bảo Truy Phong bách chiến bách thắng.
Ngoài ra, Quảng Ngãi thời bấy giờ còn một Đại sư khác, đó là ông Đỗ Hy Sinh, quê ở xã Nghĩa Hòa huyện Tư Nghĩa, sống theo quê vợ tại Sơn Tịnh. Mặc dù đánh bại không biết bao nhiêu võ sĩ, nhưng về Quảng Ngãi, chỉ đấu chưa đầy một hiệp, chưa đến chục đòn, ông Phong đã phải chịu thua ông Sinh.
Đòn thế của ông Sinh có nhiều tuyệt chiêu - một cú xoay người là Đại sư này có thể ra kịp 2 đòn, quyền cước tung ra nhanh như chớp mắt, mạnh như vũ bão.
Mê võ, năm 15 tuổi, ông Hoành lén lấy của cha mình 300 đồng bạc trắng và bỏ nhà vào Bình Định học võ. Bặt tin suốt 5 năm, ông mới quay về. Tại Quảng Ngãi, đúng vào dịp có một võ sĩ người Pháp, chủ của xí nghiệp giấy tại thị xã thách đấu với võ sĩ đất Quảng và tuyên bố sẽ hạ gục tất cả ai thượng đài; đây là cơ duyên để võ sư Tấn Hoành chào làng võ.
Ông Bùi Tá Xuất, trưởng một võ đường đứng ra ký giấy bảo lãnh để người võ sĩ vô danh tiểu tốt - Tấn Hoành lên đài so găng. Đình Xuân Phổ tại Mộ Đức đông nghịt người và các quan chức Pháp trước trận đấu này. Tất cả người xem đều nín thở, vì trận đấu này liên quan đến vinh dự của võ thuật nước nhà trước mấy vị khách ngoại quốc. Nếu đánh thắng, thì cũng trị được cái thói huênh hoang coi thường người An Nam của bọn họ.
Và thượng đài giao hữu, chỉ vài hiệp, ông Hoành đã thắng điểm vượt trội, khán giả vỗ tay reo hò ầm ầm. Khi ông lên Nghĩa Thắng thi đấu, tức khí chưa cạn, võ sĩ người Pháp này tiếp tục lên theo và tiếp tục thách đấu lần 2. Nhưng cuối cùng vẫn thua. Cũng từ đó, cái tên Tấn Hoành bắt đầu được ghi danh trong làng võ Quảng Ngãi.
Về Quảng Ngãi cưới vợ được vài tháng, võ sư Tấn Hoành lại bặt tăm và chỉ để lại một tin nhắn: “Tầm sư học võ”. Không một mẩu tin tức, cho đến khi người vợ sinh con được 5 tuổi thì ông mới trở về.
Ông đã tập trung dạy võ cho du kích và những người tham gia kháng chiến để phục vụ cách mạng. Năm 1954, ông thuộc diện tập kết ra Bắc nhưng được giữ lại nằm vùng. Năm 1955, lò võ Tấn Hoành chính thức ra mắt tại Quảng Ngãi.
Với ý nguyện chắt lọc tinh hoa võ thuật, võ đường của ông là nơi giao lưu và dừng chân của rất nhiều võ sĩ nổi tiếng trong cả nước như: Dương Minh Quảng, Minh Cảnh, Bảo Truy Phong...
Vào đúng thời võ quyền Anh đang lên, chính vì vậy, lò võ của ông nổi tiếng tại Quảng Ngãi, các môn sinh lúc nào cũng đông nghẹt. Hàng ngàn võ sinh đã thành danh từ lò võ Tấn Hoành. Những võ sĩ boxing đánh đâu thắng đó, nổi tiếng cả nước như: Tấn Nhất Duy.
Với mong muốn biết cội nguồn võ học của người cha, thời ông còn sống, mấy lần võ sư Tấn Tương Lai gượm hỏi: Hồi xưa cha học ở thầy nào vậy, để con tới gặp bái sư. Nhưng ông Hoành đều lắc đầu: Có thầy học chỉ một ngày, có thầy học vài tháng, ông thầy cuối cùng mang họ Tấn là học thành danh.
Đưa ngón tay đeo chiếc nhẫn có khắc hình mặt người, ông Hoành kể: Đây là bảo vật sư phụ tặng trước khi cha hạ sơn. Điều ổng căn dặn, đó là khi gặp chuyện bất bình thì phải nhìn vào chiếc nhẫn.
Ông giải nghĩa với con: Chiếc nhẫn này không phải thần thông, nhưng ổng muốn nói: Người học võ phải gắn với chữ “nhẫn” - Nhẫn nại, nhẫn nhịn, không dùng võ làm càn.
Thế hệ tiếp nối thường tò mò về quãng đường tầm sư học đạo của cha, âu cũng là lẽ thường tình. Có lần, một người mách nước cho ông Lai vào Bình Định tìm ông Hồng Hải để dẫn đến bái sư phụ của cha.
“Sáng mai con đến, chú sẽ dẫn đi gặp sư phụ đã dạy võ sư Tấn Hoành; tính khí ổng là vậy, không muốn khoe khoang cho con cháu biết” - Ông Hồng Hải dặn dò. Nhưng đúng sáng hôm sau, ông Hải đã mắc bạo bệnh và qua đời đột ngột. Cũng từ đó, ông Lai tiếp tục bặt tin về con đường võ học của cha mình.
|
Hổ xám đất Quảng Ngãi
Căn nhà của võ sư Huỳnh Long Hổ nằm khuất dưới một vườn cau tại thôn Điền Chánh xã Nghĩa Điền huyện Tư Nghĩa. Bước sang tuổi 53, nhưng cái bắt tay của ông Hổ vẫn như có sức rắn của thép, tràn đầy sinh lực của một người luyện võ từ năm 11 tuổi. Giữa nhà ông giờ vẫn treo bức trướng có hình một con hổ đang vờn mồi; ngang lối đi là ảnh của một con hổ đang nằm nghỉ ngơi. Đó cũng chính là biểu tượng của lò võ được thành lập vào năm 1975.
Từ kiến thức về huyệt đạo, cùng với những bài thuốc bí truyền của lương y danh tiếng Huỳnh Đỗ Hội- cha ruột của ông. Giờ đây, hổ xám đất Quảng Ngãi hàng ngày bốc thuốc trị bệnh cho người dân. “Võ là cái nghiệp, không võ sư nào ở Quảng Ngãi có thể đủ sống bằng nghề cả; tôi làm lương y, ông Ngô Bông thì đi sửa xương, nắn khớp cho bà con” - Ông Hổ cho biết.
Ông lắc nhẹ thân pháp, tung người lên như một con hổ, giáng một đòn vào đầu đối thủ. Cả sân bãi nín thở vì cú ra đòn khủng khiếp |
Với tinh thần tầm sư học đạo, nhiều người góp cơm, mang gạo đến học để về truyền lại cho con cháu. Trong số đó có ông Hổ. Khổ luyện cộng với năng khiếu trời cho, ông đã khiến các võ sư kinh ngạc về sự tiến bộ. Ông Hổ trở thành Nhị đẳng huyền đai Teakwondo sau đó ít lâu.
Người cha của ông quyết định rước thầy Lâm Võ về nhà để dạy cho con trai các tuyệt kỹ của môn Thiếu Lâm Bắc phái và các môn thi đấu tự do. Sau đó ông tiếp tục theo học võ sư Lâm Xí để luyện thêm môn boxing.
Thời đó, đang vào thời kỳ sung mãn, sức vóc cao 1,72 mét, cân nặng gần 70 kg, dáng to, chắc như cọp, vác một tạ lúa đi như chạy; vì thế nhiều người đã dự đoán về tương lai xán lạn của võ sĩ hổ xám này.
Cả đời học võ, ông nghiệm ra một điều: Võ các nơi khác nổi tiếng, nhưng đụng các võ sĩ Quảng Ngãi đều dè chừng. Bởi võ sĩ ở Quảng Ngãi không chỉ học duy nhất một thầy, mà tầm sư học đạo tất cả những gì có thể vận dụng tốt nhất trong võ học.
Năm 1974, dân trong làng võ bắt đầu biết đến cái tên Huỳnh Long Hổ vì trận đấu với võ sĩ Lê Thanh Hiệp - học trò của võ sư Lê Hoan nổi tiếng ở Quảng Nam. Khi lên đài đối mặt với võ sĩ nhiều lần thi đấu và hạ gục các cao thủ.
Trong tâm trí ông Hổ bật ra lời dạy của sư phụ về đòn thế hư thực trong giao đấu. Ông nhận định: Võ sĩ này thắng nhiều trận nên khinh địch và chủ quan, phải dùng nhu để khắc cương. Lúc thượng đài, hai bên vờn nhau được vài đòn, ông tung đòn tay trái ra nhưng toàn lực dồn vào đòn phải để sẵn sàng “nổ” một cú tổng lực.
Trọng lượng dồn về chân sau như một chiếc lò xo bị nén. Võ sĩ Phan Thanh Hiệp vừa chồm tới để trả đòn, ông lắc nhẹ thân pháp, tung người lên như một con hổ, giáng một đòn vào đầu đối thủ. Cả sân bãi nín thở vì cú ra đòn khủng khiếp. Võ sĩ Quảng Nam bị nốc ao ngay trong một phút thượng đài.
Còn tại xã Phổ Vinh huyện Đức Phổ, trong trận gặp võ sĩ nổi tiếng của võ đường Hoàng Hồ - đất võ Bình Định - Đinh Hoàng Hùng. Cả sàn đài rung lên vì hai đấu sĩ ngang tài, ngang sức. Nhưng cũng chỉ 15 phút, một cú lách người kèm 2 đòn tung ra như gió, võ sĩ Hoàng Hùng bị nốc ao.
Và bắt đầu từ đó, ông Hổ bắt đầu dẫn các môn sinh đi thi đấu khắp nơi trong và ngoài tỉnh, góp phần khuấy động phong trào võ thuật. “Phải có con mắt nhìn xuyên qua đối thủ; đoán được ý đối phương để hóa giải đòn” - Đó là cách mà các võ sinh của ông Hổ thụ đắc được.
Hổ phụ sinh hổ tử - Huỳnh Đỗ Long Bình - người con trai của ông hiện nay đang là võ sĩ đầu quân cho Quân khu 7. Ngoài ra ông có nhiều đệ tử thành danh trong nghiệp võ như: Huỳnh Long Thanh, Huỳnh Long Tín, Huỳnh Long Khôi...
Còn tiếp
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)