Bữa đó, chị Hai kể chuyện ở cơ quan có một chị bạn thuộc hàng 30 - tên Thảo, vừa thành công trong sự nghiệp, ăn nói lại duyên dáng..., nói chung không chê vào đâu được. Chị Thảo thường ăn trưa chung với đồng nghiệp trong cơ quan, và cứ đến ngày thứ sáu, chị hay than: “Lại sắp đến cuối tuần rồi!”. Ai nấy đều ngạc nhiên vì ai cũng mong mau đến cuối tuần nghỉ ngơi, đi chơi với gia đình, vậy mà chị Thảo lại không thích.
Nghe cũng lạ, mà lạ nhất là khi nghe chị Thảo giải thích rằng vì bố mẹ chị về quê, nên chị phải ăn cơm một mình. Ai nấy cũng khuyên chị Thảo lấy chồng đi cho rồi, để cuối tuần còn có người cùng ăn cơm. Nhưng chị Thảo chỉ cười buồn. Chuyện không dừng ở đó, chị Hai tôi còn kể trong phòng chị, có một anh cũng hàng băm như vậy, có nhà cửa - dù trả góp, thu nhập khá mà cũng bị... ế. Anh này một mực cho rằng: “Ở vậy cho con gái nó ế chơi!”. Nói vậy thôi, chứ những lúc cuối tuần, anh này cũng ngồi than ngắn thở dài: “Trời, lại thứ sáu nữa rồi! Ghét ngày cuối tuần gì đâu!”.
Nghe đến đây thì tôi chẳng hiểu được hai anh chị ấy nghĩ gì. Vì sao cả hai đều muốn lập gia đình, mà vẫn còn độc thân, nói cho có vẻ văn chương là do “duyên chưa tới”. Ba mẹ tôi thì cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay cứ lo sự nghiệp công danh mà quên mất chuyện hôn nhân. Còn theo tài liệu nước ngoài mà tôi đọc được, có một lứa tuổi mà đàn ông sẵn sàng cưới vợ - lứa tuổi này thay đổi ở mỗi người, nhưng nhìn chung là: phần lớn đàn ông vừa tốt nghiệp phổ thông đều có suy nghĩ sẽ lấy vợ năm họ 23-24 tuổi. Khi tốt nghiệp đại học thì họ cho rằng chờ đến năm 26 -32 tuổi, vì còn phải lo cho sự nghiệp. Nhưng nếu sau 5 năm nữa mà họ chưa có vợ thì cơ hội cưới vợ bắt đầu giảm dần, khoảng năm 28 đến 33 tuổi thì khả năng lấy vợ là cao nhất. Càng đến 42-43 tuổi thì cơ hội lấy vợ càng xa vời.
Nghiên cứu mà tài liệu đó trích dẫn còn cho biết, phụ nữ thì khác. Lỗi thông thường mà phụ nữ trẻ hay mắc phải là muốn lấy chồng ở tuổi 20 đến 25, nên họ hay nghĩ người yêu của mình cũng nghĩ như thế. Nếu một phụ nữ cố tìm chồng, thì nên hẹn hò với người đến tuổi lập gia đình chứ quen với người chưa đến tuổi sẵn sàng kết hôn thì cơ hội cưới là rất khó.
Tôi đã kể cho chị Hai nghe tài liệu mà tôi đọc được và lên giọng cụ non khi lý giải về trường hợp của hai anh chị ở cơ quan chị ấy. Ba mẹ tôi thì cười phì với lý thuyết đó và cho rằng con gái út lúc nào cũng lên giọng lý sự trong khi thực tế thì chẳng biết có ứng dụng được chút gì không.
Vậy đó, bữa cơm gia đình rất quan trọng, ba mẹ có cơ hội để dạy dỗ anh chị em tôi từ những bài học thực tế sống động như vậy. Còn chúng tôi khi nghe được những câu chuyện của mỗi thành viên trong nhà cũng rút ra được chút hiểu biết nào đó ở trường đời sắp tới.
Thiên n
Bình luận (0)