Anh Đinh Quốc Thái, cán bộ thuyết minh đồ án quy hoạch, cho biết: “Tôi thực sự ấn tượng với sự hưởng ứng và tham gia của mọi người. Có rất nhiều bạn trẻ sau khi xem các bản vẽ đã đưa ra những câu hỏi lý thú. Ý kiến của các bác hưu trí thì còn tâm huyết và đáng quý hơn nữa”. Có người như cụ Trần Đức Mậu, ở Khu tập thể Cơ khí Trần Hưng Đạo thì cho biết “sẽ về suy nghĩ, mai quay lại xem lần nữa rồi mới góp ý kiến”.
Ông Huỳnh Huy Phượng, ở 46 phường Thanh Lương, nói: “Phải hoan nghênh việc làm, chủ trương này của các cấp lãnh đạo. Nó tạo điều kiện cho nhân dân đưa ra những góp ý cho sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, đồ án này cần kết hợp với bản quy hoạch cũ, so sánh đối chiếu, đi đến thống nhất để chúng tôi yên tâm hơn. Có rất nhiều những dự án, quy hoạch từ 10 năm trước nhưng giờ vẫn để đấy. Con đường từ ô Đống Mác tới Nguyễn Khoái chẳng hạn, người dân chờ đợi cả chục năm nhưng vẫn chưa thấy thay đổi gì cả”.
Ngày trưng bày đầu tiên, đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi và căng thẳng diễn ra giữa những người tham quan. Đa phần khẳng định bản quy hoạch nhìn chung đã tạo nên sự liên kết hợp lý giữa khu vực trung tâm thành phố và các đô thị vệ tinh xung quanh.
Ông Trương Hữu Đông, ở khu đô thị Pháp Vân, từng công tác trong ngành xây dựng nói: “Phát triển Hà Nội về phía Tây mà không hướng về phía Đông là chưa hợp lý. Vì ở phía Đông, các khu công nghiệp sẵn có rất nhiều, khả năng liên kết về công nghiệp với các tỉnh lân cận rất mạnh. Thứ hai, tôi thấy diện tích đất dành cho các vườn thú, vườn chim cho một thành phố xanh như Hà Nội là hơi ít”.
Tại khu vực trưng bày bản vẽ quy hoạch giao thông Hà Nội, nhiều người tỏ ra hứng thú với việc xây dựng đường sắt nội đô trong tương lai. Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về tính khả thi. Anh Trịnh Minh Châu, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, chia sẻ: “Về giao thông, nếu thực sự làm được như bản quy hoạch này thì rất tốt. Ngoài ra, về dự án phát triển thành phố hai bên bờ sông Hồng, nếu thực hiện theo quy hoạch này sẽ phải làm nhiều cầu, rất tốn kém về chi phí, e rằng không khả thi”.
Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển với nhiều cây cối, ao hồ, tạo không gian xanh cho Thủ đô. “Theo quy hoạch này, sẽ tồn tại một số làng xóm ngay trong thành phố. Đây cũng là những đặc trưng riêng của Hà Nội, nhưng vấn đề là cần phải phát triển như thế nào để những làng xóm đó không trở thành những khu ổ chuột lạc lõng giữa thành phố hiện đại”, anh Châu nói thêm.
Hôm qua (21.4), bên lề phiên họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội, vấn đề quy hoạch chung xây dựng Hà Nội cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt là ý tưởng xây dựng trục Thăng Long chạy thẳng từ hồ Tây lên Ba Vì. Trong khi đại biểu Trần Trọng Hanh gọi trục Thăng Long là một đề xuất quá "ngẫu hứng, vô lý và không khả thi” thì đại biểu Nguyễn Đức Biền (Trưởng ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố) nhận xét: Theo quy hoạch đến năm 2050 xác định trung tâm hành chính quốc gia hướng về Ba Vì thì đương nhiên trục Thăng Long là yếu tố khách quan cần thiết. Tuy nhiên, ông Biền cũng như nhiều đại biểu ủng hộ xây dựng trục Thăng Long lưu ý về tính đồng bộ với các trục giao thông hiện có. Đại biểu Nguyễn Văn Nam (trưởng ban Kinh tế của HĐND TP) cho rằng, khi quy hoạch trục Thăng Long, đơn vị lập đồ án cần có nghiên cứu cụ thể về tính khả thi cũng như sự ảnh hưởng tới hành lang xanh và sự kết nối vào đô thị cũ. Việt Chiến |
Thanh Thanh Lan
Bình luận (0)