Nick Út và hai giọt nước mắt khác nhau

25/04/2010 22:38 GMT+7

Nick Út - người đã làm cả thế giới chấn động với tấm ảnh cô bé bị bom napalm trong chiến tranh Việt Nam - vẫn miệt mài kể cho thế giới nghe những câu chuyện thanh bình của một Việt Nam hôm nay.

Trong mỗi chuyến trở về VN, Nick Út luôn bắt đầu một ngày mới của mình từ rất sớm, ở trên đường phố.

Ở đó, có đôi lứa chở nhau đến sở làm vào mỗi sáng. Có người bán hàng rong trên mọi nẻo đường. Có ông cháu ngồi ăn sáng cùng nhau.

Và trong từng tấm ảnh mà phóng viên ảnh chiến trường được cả thế giới ngưỡng vọng này lưu giữ trong những ngày về rất thường xuyên ấy, có một VN thật hiền hòa và yên ả. Một VN ông trân trọng từng phút giây.

“Tôi luôn tâm đắc với từng tấm ảnh mình chụp về VN của ngày hôm nay. Tôi luôn mang theo máy ảnh bên mình, để khi đến bất cứ nơi đâu - Hà Nội, Mũi Né hay đảo Long Sơn, tôi đều có thể ghi lại những khoảnh khắc an bình ở đó”, ông nói với Thanh Niên.

“Mỗi chuyến trở về VN là mỗi lần tôi đi tìm những khoảnh khắc hòa bình. Thông qua những tấm ảnh của mình, tôi muốn thế giới biết về VN của ngày hôm nay là một VN phát triển, lạc quan và thanh bình”.

Đồng nghiệp, bạn bè của Nick Út chưa bao giờ tiếc lời khen cho những tấm ảnh về VN hôm nay của ông. Cũng như họ chưa bao giờ thôi nói về tấm ảnh bom napalm cách đây gần bốn thập niên.

“Quá nhiều người đã biết về tấm hình Kim Phúc. Và tấm ảnh mang tính chất lịch sử ấy đã gắn rất nhiều với định mệnh của đời tôi”.

Định mệnh và vinh quang

 Kim Phúc khóc là do hậu quả chiến tranh. Paris Hilton khóc vì cô phải trả giá cho việc say xỉn. Khác nhau nhiều lắm chứ
Ngày 8.6.1972, chàng phóng viên 21 tuổi của hãng tin AP Huỳnh Công Út (tức Nick Út - PV) lên xe phóng thẳng đến khu chiến sự Trảng Bàng, Tây Ninh sau khi nhận được tin nơi đây đang bị quân Mỹ ném bom napalm.

Rất nhiều người dân địa phương cùng trẻ em tháo chạy về phía Nick Út đang tác nghiệp. Trong số đó, Phan Thị Kim Phúc cũng đang gào thét trong sợ hãi và đau đớn. Trên người Phúc không có gì khác ngoài những vết phỏng vằn vện vì bom napalm.

Và chính vào thời khắc đó, tấm ảnh lịch sử đã ra đời. Nó thay đổi không chỉ cuộc đời của Nick Út mà còn của rất nhiều người khác. Tấm ảnh xuất hiện trên hầu hết mọi phương tiện truyền thông đại chúng, gây chấn động dư luận toàn thế giới. Báo giới phương Tây nhận định tấm ảnh có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào phản chiến đang dâng cao thời đó.

Sau khi chụp tấm ảnh, Nick Út ngay lập tức đưa Kim Phúc lên xe về một bệnh viện ở Củ Chi để cấp cứu. Kim Phúc được cứu sống và vẫn giữ liên lạc với Nick Út cho đến ngày nay. Bà hiện đã 47 tuổi, đang định cư tại Canada.


Tấm ảnh nổi tiếng trong chiến tranh và tấm ảnh chụp Paris Hilton, hai người con gái khóc trong hai hoàn cảnh rất khác nhau - Ảnh: Nick Ut/AP

Trước sức ép dư luận, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon ngay lập tức bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực của tấm ảnh. Chính quyền Mỹ cho rằng nó đã được chỉnh sửa và Kim Phúc bị phỏng là do dầu ăn chứ không phải bom napalm.

Đối với Nick Út, việc tấm ảnh đoạt giải báo chí Pulitzer năm 1973 đã là sự xác tín hùng hồn. Nhưng theo ông, chính quyền Mỹ lúc ấy có lý do để hoài nghi như thế.

“Họ muốn che đậy hậu quả của cuộc chiến. Tôi nghĩ họ biết tất cả nhưng cũng muốn giấu đi tất cả mà thôi. Trong suốt cuộc chiến, tôi đã đi nhiều và đã thấy đồng bào của mình chết oan rất nhiều. Chỉ riêng vụ thảm sát Mỹ Lai thôi, đã có được biết bao tấm ảnh hết sức dã man rồi”, ông nói.

Thế nhưng, thời điểm Nick Út chụp tấm ảnh Kim Phúc không phải là khoảnh khắc định mệnh duy nhất của đời ông.

“Việc tôi chọn nghiệp phóng viên ảnh cũng là do số phận mà thôi. Anh trai tôi, Huỳnh Thanh Mỹ, cũng làm việc cho hãng AP, muốn tôi trở thành phóng viên ảnh như anh và tôi chỉ biết làm theo di nguyện của anh mình”.

“Anh tôi mất khi tác nghiệp trong một trận đánh tại đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1965. Một năm sau, tôi trở thành phóng viên ảnh cho hãng AP”.

Và định mệnh cũng đã cho ông được sống để có được tấm ảnh bom napalm lịch sử.

Năm 1971 - một năm trước khi tấm ảnh ra đời, Nick Út cùng một số phóng viên chiến trường nổi tiếng thời đó là Larry Burrows, Kent Potter và Keisaburo Shimamoto lên trực thăng đi tác nghiệp tại một vùng chiến sự ở Lào. Nick Út quyết định tham gia chuyến đi theo lời đề nghị của đồng nghiệp Henri Huet chỉ vài phút trước khi trực thăng cất cánh.

Chiếc trực thăng bị bắn hạ. Tất cả đều thiệt mạng, trừ Nick Út.

Năm 2007, 35 năm sau ngày tấm ảnh bom napalm gây chấn động dư luận thế giới, Nick Út lại một lần nữa gây tiếng vang trong làng phóng viên ảnh quốc tế.

Ông lại nổi tiếng, cũng với một tấm ảnh chụp một người phụ nữ đang khóc, cũng đúng vào ngày 8.6. Đó là tấm ảnh của tiểu thư nhà Hilton - Paris Hilton, khóc trên xe lúc vào trại giam sau khi bị tòa phạt giam 45 ngày vì lái xe trong tình trạng say rượu.

“Tôi đến hiện trường giữa một rừng đồng nghiệp người Mỹ cao to. Phát hiện ra cha mẹ Paris Hilton cũng có mặt, tôi biết chắc thế nào chiếc xe chở cô cũng dừng lại một chút. Ngay lập tức tôi đến đó phục kích và chộp được khoảnh khắc ấy”.

Bức ảnh đánh dấu những trùng hợp hết sức kỳ lạ: cũng ngày 8.6, cũng hình ảnh người phụ nữ khóc, và cũng khiến cho Nick Út trở nên nổi tiếng.

Thế nhưng, đối với ông, cảm xúc của hai lần nổi tiếng ấy thật khác nhau.

“Kim Phúc khóc là do hậu quả chiến tranh. Paris Hilton khóc vì cô phải trả giá cho việc say xỉn. Khác nhau nhiều lắm chứ”.

“Tôi không còn trẻ nữa”

Chiến tranh đã chấm dứt 35 năm, và cuộc đời Nick Út cũng trải qua nhiều thay đổi. Cuộc họp mặt phóng viên chiến trường quốc tế vào ngày 29.4 tới đây tại TP.HCM của ông sẽ có rất nhiều những ngậm ngùi.

Nhiều đồng nghiệp cùng thời với Nick Út, phần bệnh tật, phần tuổi già, phần qua đời, sẽ không có cơ hội gặp ông trong cuộc họp mặt này.

Mặc cho những đổi thay, cuộc đời Nick Út vẫn có những thứ không thể nào khác được.

“Đỉnh cao nghề nghiệp của tôi là tấm ảnh bom napalm vào năm 1972. Ngày nay, đi qua nhiều nước, rất nhiều người lạ gặp tôi đã ôm chầm lấy để cám ơn về tấm ảnh đó”.

“Họ hỏi tôi: ‘Nicky (tên thân mật của Nick Út - PV), tấm ảnh bom napalm đã làm cho anh nổi tiếng. Nó đã giúp chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam. Tại sao anh không đến Iraq để chấm dứt cuộc chiến tại đó?”.

“Tôi muốn lắm chứ”, Nick Út trả lời. “Nhưng tôi không còn trẻ nữa. Tôi muốn cuộc chiến kết thúc. Và tôi hy vọng nó sẽ kết thúc”.

An Điền - Hari Chathrattil -
Jon Dillingham

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.