Sơn “xúc động” và ký họa thời chiến

27/04/2010 11:21 GMT+7

(TNTT>) Gọi là Sơn “xúc động” bởi tâm hồn con người này sẽ “động đậy” khi nói về bất cứ thứ gì liên quan đến tranh. Bất kể bức tranh đó đang thuộc sở hữu của ai, muốn có cần bỏ ra bao nhiêu tiền, kệ, cứ thấy đẹp, thấy ưng, hoành tráng thì cứ… lâng lâng sướng cái đã!

Từ xúc động đến vật vã, quay quắt cũng không xa lắm. Và khi Sơn "xúc động" va vào mảng tranh ký họa thời chiến thì anh…bệnh thật sự. Bệnh vì sướng! Thậm chí điên lên vì sướng!

Tranh thời chiến = Ký ức + Nước mắt

Sơn đã để nhiều thời gian và sức lực cho dòng tranh này, theo anh nói thì “phải trân trọng và giữ lại những ký ức dân tộc”. Bởi ít có đất nước nào như Việt Nam, anh hùng kiên cường và bi tráng để bảo vệ tổ quốc trong suốt ba mươi năm. Như một lời bài hát đã viết “Nước mắt mẹ không còn/ Để khóc những đứa con…”.

Thực ra khi khai thác tư liệu về chiến tranh sẽ gặp rất nhiều chứng từ như hình ảnh, thư chiến trường, các tác phẩm âm nhạc, văn học, điện ảnh… Nhưng với góc nhìn của một nhà sưu tập trẻ, Lê Thái Sơn đã cho rằng hội họa mới lột tả được hết tính thời đại của nó. Sơn lý giải: "Hầu hết những ký họa, những bức tranh được vẽ ngay trên chiến trường. Nơi bom rơi đạn nổ, hòn tên mũi đạn không kiêng nể ai. Và đương nhiên là người họa sĩ đã đối đầu với cái chết…”.


Đoàn học sinh miền Nam, con em liệt sĩ trên đường ra miền Bắc - Tranh họa sĩ Bùi Quang Ánh, 1971 - Ảnh: L.T.Sơn sưu tập

Đi sâu hơn vào dòng tranh này Sơn đã lẩy ra nhiều phát hiện lạ đáng để các nhà phê bình mỹ thuật, nghiên cứu về các dòng tranh chia sẻ, ngẫm nghĩ: “Trước thực tế bom đạn, tôi nghĩ các họa sĩ thường không đủ thời gian cũng như không có các chất liệu sơn dầu, màu nước hiện đại để có thể vẽ những bức tranh khổ lớn hay hoành tráng được. Mà chỉ là những ghi chép, phác họa, ký họa. Về sau này trên những tư liệu khái quát đó tầm vóc của những bức tranh mới được dựng nên…”. Từ những kiến thức, tri thức góp nhặt làm nên nền tảng và bản lĩnh của thú đam mê. Cách phân tích hợp lý, cá tính bung nở trong cái tôi, Sơn đã làm những chuyến sưu tập dòng tranh chiến tranh trong Nam ngoài Bắc khá ngoạn mục. Và như “vật quý tìm người”, anh đã tìm được những bức tranh quý với những giá trị lịch sử khó có thể phủ nhận.

Ví dụ, anh phải “phục” rất lâu mới có những bức tranh vẽ về chiến tranh quý hiếm của họa sĩ Lưu Công Nhân. Tuy vẽ “Nữ dân quân miền biển” hay “Nữ du kích” nhưng bức tranh vẫn đẹp, vẫn hết sức có hồn vì chiếc khăn mỏ quạ nổi bật một nhan sắc Việt giữa khói lửa. Cái đẹp vẫn giữ nguyên hồn cốt, tươi tắn như câu thơ “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Ở bức “Đoàn học sinh miền Nam, con em liệt sĩ trên đường ra miền Bắc, dừng chân trên dòng sông Sê Pôn phía tây Trường Sơn” của họa sĩ Bùi Quang Ánh vẽ năm 1971 thì lại lưu giữ một thời đoạn đặc biệt. Trong những họa sĩ miền Bắc xung phong vào trận tuyến thời ấy tác giả đã tình cờ chứng kiến để vẽ bức tranh cảm động. Sau này, có rất nhiều em học sinh ngày ấy đã trở thành bộ trưởng, thứ trưởng… và bức tranh như “kiệt tác” của cuộc đời họ. Thời chiến phim ảnh là những thứ quý hiếm. May mắn lắm mới được khắc họa lại bằng bút chì,  màu nước.


Nữ du kích - Tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân, 1966

Lịch sử chiến tranh = Hình ảnh

Không chỉ là thú đam mê  Sơn "xúc động" còn nghiên cứu, vẽ biểu đồ, lịch sử chiến tranh bằng đồ họa. Theo anh, ký họa thời chiến phải liệt kê thấu đáo bao gồm nhiều thời đoạn, nhiều thế hệ họa sĩ. Nếu như thế hệ trường Đông Dương với tác phẩm của các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đức Nùng, Tạ Thúc Bình, Mai Văn Hiến, Nguyễn Kao Thương, Nguyễn Hiêm, Thái Hà… thì thế hệ kế tiếp, xuất thân từ trường Mỹ thuật kháng chiến cũng lừng lẫy không kém với Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa, Ngô Minh Cầu, Trịnh Phòng, Trần Đông Lương, Lê Nguyên Lợi, Trịnh Kim Vinh…

Còn một lớp họa sĩ khác, tuy không được đào tạo từ ngôi trường danh tiếng này nhưng đã vẽ về đề tài chiến tranh và đi ra từ khói lửa chiến tranh như Bùi Quang Ánh, Văn Đa, Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Văn Kính. Tại miền Nam, tranh về đề tài chiến tranh của họa sĩ Nguyễn Hiêm vẽ giai đoạn 1944 - 1954 có thể được xem là tiên phong.


Đồng Đăng - Lạng Sơn sau trận đánh 1979 - Tranh của Ngô Minh Cầu

Thời gian càng về sau khi cuộc chiến tranh chống Mỹ càng ác liệt, nhiều họa sĩ đã ghi chép rất trung thực, đầy xúc cảm những chân dung con người như khói lửa chiến trường, em bé giao liên, những lớp học dưới bom đạn, tải thương, những hình ảnh hậu phương tiếp đạn, lương thực, đi dọc Trường Sơn, đưa bộ đội qua sông… đẹp đến mức nếu sưu tập dày công, tâm huyết thì sẽ có một bộ lịch sử chiến tranh bằng hình ảnh chân thực gây xúc động lòng người.

Sơn “xúc động” nói ký họa thời chiến đầy tính nhân bản và ý nghĩa đối với đất nước hôm nay.  Mỗi bức tranh như một câu chuyện mà thế hệ trẻ phải biết để trân trọng quá khứ và những gì cha ông vinh danh đã làm được. Lửa phải tiếp tục truyền nối. Bởi như nhà hiền triết, nhà thơ Abutalíp của dân tộc Daghestan, thì “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”…  

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.