Tại sao đua nhau già trước tuổi?

28/04/2010 09:45 GMT+7

Có một điều chắc chắn, dù không hề muốn nhưng chúng ta vẫn không thể tránh được hậu quả thoái hóa, lão hóa, hay thậm chí biến thể ác tính của tế bào do phản ứng gỉ sét trong cơ thể.

Ai vay càng nhiều ôxy để làm việc, để tính toán, người đó sớm muộn sẽ phải trả giá cao. Khi xét nghiệm máu của vận động viên đội bóng Bayern Munich, các nhà nghiên cứu đã phát hiện chất “ôxy hóa” sau mỗi buổi tập tăng cao tối thiểu gấp 3 lần sau trận cầu gay cấn, thậm chí gấp 5-6 lần.

Như thế, ngay cả vận động viên nhà nghề, biểu tượng của sức khỏe, cũng là nạn nhân của chất “ôxy hóa” do cơ thể trong quá trình luyện tập thi đấu phải tiêu thụ nhiều dưỡng khí và qua đó phóng thích quá nhiều phế phẩm.

Càng lúc người ta càng thấm thía với nhận xét của Priestly, người lãnh giải Nobel nhờ phát hiện dưỡng khí và cũng là người sau đó tự đặt câu hỏi là liệu dưỡng khí thực sự chỉ hữu ích hay dưỡng khí còn có mặt trái khó lường?

Từ lâu, các chuyên gia ở Trường ĐH Berkeley (Hoa Kỳ) đã chứng minh được tác hại khó lường của độc chất “ôxy hóa” và qua đó đồng thời xác minh tác dụng hữu ích của chất đối kháng, chất có tên là kháng “ôxy hóa”.

Nhiều căn bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn xơ vữa mạch máu, cho dù lượng mỡ trong máu tăng cao, không thể đơn phương thành hình, nếu không có bàn tay phá hoại ngấm ngầm của chất “ôxy hóa”.

Bên cạnh đó, người ta cũng đã xác định được các yếu tố tiếp tay cho “ôxy hóa”, như:

- Khói thuốc lá, khói xăng dầu, phế phẩm của nhà máy công nghiệp, khí ô-zôn.

- Bệnh bội nhiễm do ảnh hưởng của độc chất nội sinh từ ổ viêm.

- Môi trường nhiễu xạ vì máy quang tuyến, chất đồng vị phóng xạ, máy vi tính, lò vi ba, máy truyền hình...

- Tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời, trong đèn cực tím...

- Dược phẩm do phản ứng phụ khi dùng dài lâu.

- Phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bọ.

- Chấn thương cơ thể do tai nạn hay do hoạt động thái quá vì lý do nghề nghiệp.

- Bệnh biến dưỡng như tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp...

- Độc chất trong vật liệu xây cất, hóa chất gia dụng.

- Stress.

- Yếu tố gây rối loạn tuần hoàn vi mạch như chứng tăng chất mỡ trong máu.

Kiến thức cập nhật về chất “ôxy hóa” cho thấy chất này thậm chí vượt xa bệnh dịch vì âm thầm và đa dạng, đã vậy còn hung mãnh hơn xa vi khuẩn vì là sản phẩm của cuộc sống.

Ngày nào con người còn thở thì chất “ôxy hóa” còn hiện diện. Vấn đề chỉ là làm sao để chúng có đó mà như không? Ai nắm được bí quyết kháng “ôxy hóa”, người đó lâu già. Mà bí quyết nhiều khi lại rất đơn giản chỉ là tránh yếu tố tiếp tay cho “ôxy hóa”.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
(Trung tâm Điều trị ôxy cao áp TP.HCM)

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.