Tấm bản đồ siêu nhỏ nói trên là công trình sáng tạo của các nhà khoa học thuộc tập đoàn IBM. Nó có kích thước 22x11 micron, được khắc trên bề mặt polymer. Cứ 8 nanomet tương ứng với độ cao 1.000m, do đó đỉnh núi Everest sẽ cao gần 64 micron. Quy trình tạo mẫu này có thể sử dụng được cho hàng loạt thiết bị điện tử và y tế ở cấp độ nano.
Bước đột phá nằm ở phương pháp các nhà khoa học đã sử dụng để xây dựng bản đồ. Chuyên gia Urs Duerig thuộc nhóm nghiên cứu cho biết, khoảnh khắc hạnh phúc là khi ông nhận ra có thể tạo những hình dạng 3D bằng cách bỏ bớt thay vì bổ sung thêm vật liệu.
Một đầu mút silic nhỏ xíu gắn vào một cán đỡ, được làm nóng khi nó tiếp cận lớp chất nền bằng một loại polymer có tên gọi polyphthalaldehyde, do chuyên gia Hiroshi Ito cũng thuộc IBM sáng chế vào những năm 80 thế kỷ trước. Lực và nhiệt làm mòn dần lớp polymer, tạo ra hình dạng mong muốn. Công nghệ tạm gọi là "máy phay nano" với độ chính xác cực cao này cho phép tạo một bản đồ 3D của trái đất chỉ trong 2 phút 23 giây ."Nó giống như cách mà người Ai Cập cổ đại đã chạm trổ các thứ lên tảng đá. Ở đây chúng tôi cũng có thứ tương tự nhưng ở cấp độ nano", ông nói.
Thông tin chi tiết về các công trình trên của IBM được công bố trong 2 tạp chí Advanced Materials và Science.
Khang Huy
(Theo SD, Popular Science)
Bình luận (0)