Kỷ vật của anh hùng Trường Sa

01/05/2010 18:35 GMT+7

22 năm trước, anh đã ngã xuống tại quần đảo Trường Sa, khi quyết giữ lá cờ Tổ quốc trên vùng đất thiêng liêng của Việt Nam. Giờ đây, người con gái duy nhất của anh đang theo dấu chân người cha anh hùng - liệt sĩ Trần Văn Phương.

Quyết tử vì lá cờ Tổ quốc

Chúng tôi về xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - quê hương của anh hùng - liệt sĩ Trần Văn Phương (sinh năm 1965) trong những ngày tháng 4.2010.

Ngôi nhà của anh nằm cạnh nghĩa trang liệt sĩ xã. Trong đó, tấm bằng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (phong tặng ngày 6.1.1989) lồng trong khung kính treo trang trọng giữa nhà, phía dưới là di ảnh thiếu úy Trần Văn Phương.

Lịch sử lực lượng hải quân Việt Nam ghi nhận: đầu tháng 3.1988, nhiều tàu chiến nước ngoài đến khiêu khích tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đưa quân chiếm đóng trái phép ở một số đảo. Vì thế, quân chủng hải quân đã mở chiến dịch tăng cường lực lượng giữ vững chủ quyền đất nước.  Thiếu úy Trần Văn Phương được bổ nhiệm làm Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, tổ chức đội hình giữ đảo. Chiều 13.3.1988, rất nhiều tàu nước ngoài kéo đến khiêu khích, bao vây, uy hiếp nhằm buộc tàu vận tải và bộ đội ta rời khỏi đảo. Đến sáng 14.3, địch đổ quân xuống đảo, ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương tổ chức lực lượng quyết tâm bảo vệ cờ Tổ quốc và đảo. Khi Nguyễn Văn Lanh cùng 11 người khác trên tàu vận chuyển vật liệu HQ 604 đến tiếp ứng thì địch nổ súng, Trần Văn Phương - người giữ cờ - đã hy sinh. Gương anh dũng hy sinh của Trần Văn Phương đã cổ vũ, động viên bộ đội ta quyết tâm, kiên định một lòng bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc.


Kỷ vật của anh hùng Trần Văn Phương - Ảnh: T.Q.Nam chụp lại

Tháng 5.1992, liệt sĩ Trần Văn Phương trở về quê nhà, mãi mãi yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Phúc. Nơi ấy rất gần ngôi nhà của anh, ở đó có gia đình, vợ và con gái - những người anh yêu thương nhất. Một cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt. Bao nhiêu năm, vợ anh - chị Mai Thị Hoa - mòn mỏi chờ ngày được tận tay đốt nén hương cắm lên ngôi mộ chồng.

Chị Hoa kể lại: Sau những ngày nghỉ Tết, ngày 10 tháng giêng, anh Phương đón xe về đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Không ngờ rằng đó là kỳ nghỉ phép, cũng là chuyến công tác cuối cùng của anh. Về đến đơn vị, anh viết một lá thư dạt dào yêu thương, dặn chị và cả nhà nhớ giữ gìn sức khỏe, còn anh sắp đi công tác ở Trường Sa.

Ra đi thì gặp bão nên mọi người trở lại đất liền. Anh lại tranh thủ thời gian viết thư về cho chị. Anh bảo, sau chuyến công tác này anh sẽ xin xuất ngũ “sẽ về giữ nhà cho em”.

Hết bão, đoàn công tác lại trực chỉ Trường Sa...

Lật giở những kỷ vật của hai người, tôi thấy có khá nhiều hình ảnh anh và chị chụp chung với nhau, trong đó vẫn có những ảnh rất rõ, cho thấy hạnh phúc rạng ngời của đôi vợ chồng trẻ. Chị Hoa bảo, anh và chị cưới nhau chưa đầy năm thì anh đi công tác ở Trường Sa. Tôi cũng thấy bức ảnh anh chụp chung với một đồng đội ở đơn vị, hai người ngồi trên một chiếc xe đạp, trông thảnh thơi và đầy sức sống. Có rất nhiều bức thư viết tay của anh Phương với nét chữ rắn rỏi. Tất cả được chị Hoa lưu giữ cẩn thận, thỉnh thoảng lại lấy ra xem và cứ thế bao cảm xúc lại ùa về... 

Theo dấu chân người anh hùng


Thủy (bìa phải) đang từng bước tiếp nối sự nghiệp anh hùng của cha mình - Ảnh: C.T.V

Tôi đã được chứng kiến Lễ tưởng niệm thật trang nghiêm, xúc động trên boong tàu HQ 960, gần khu vực đảo Cô Lin và Gạc Ma. Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân giọng nghèn nghẹn: “Chính tại nơi đây, hơn 60 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh... Mặc dù Quân chủng đã làm hết sức mình, nhưng do hoàn cảnh, đến nay nhiều đồng chí vẫn phải nằm lại với biển khơi, với quần đảo quanh năm chịu nhiều bão tố. Các anh ra đi vì Tổ quốc, nhưng để lại bao nỗi nhớ thương, bao niềm hy vọng khi những người thân vẫn đau đáu bên cánh cửa mong đón các anh về...”.

Lê Thiết Hùng, Báo Quân đội nhân dân ngày 22.4.2010

Kỷ vật lớn nhất, quý giá nhất mà thiếu úy Phương gửi lại cho người vợ trẻ chính là giọt máu của anh. Anh hy sinh mà không kịp biết đã được làm cha.

Chị Hoa đặt tên con là Trần Thị Thủy. Khi cô bé đã hiểu biết, chị Hoa bế con sang nghĩa trang thắp hương cho cha, hai mẹ con cùng trò chuyện với người đã khuất. Chị kể cho con nghe về người cha anh dũng và kể cho chồng nghe cuộc sống hai mẹ con với những khó khăn khi vắng bóng người chồng, người cha. Lớn lên tí nữa, Thủy bắt đầu hỏi mẹ về ba, rằng con có giống ba không, có giỏi như ba không? Những lúc ở nhà một mình, Thủy lại chạy sang nghĩa trang thăm cha...

Hiểu được nỗi khổ của mẹ, càng lớn Thủy càng chăm học chăm làm, những năm học phổ thông cô đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Hết giờ học Thủy lại phụ giúp mẹ việc đồng áng, để mẹ rảnh tay kiếm thêm việc làm lấy tiền trang trải cuộc sống. 3 năm liền theo học tại trường ĐH Quảng Bình, hệ cao đẳng, ngành Việt Nam học, Thủy đều được nhà trường tặng giấy khen vì thành tích học tập và tham gia nhiều hoạt động của trường lớp.

Từ nhỏ đến nay, Thủy luôn tâm niệm một điều là được tiếp nối truyền thống, con đường của cha mình. Và điều này đã dần được thực hiện khi vào tháng 10.2009, cô được nhận vào làm việc tại UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Thủy kể: “Lúc mới vào, do không quen với thời tiết, ăn uống nên hơi mệt mỏi nhưng em quyết tâm phải vượt qua và đã làm được. Em vui vì được làm việc gần nơi ngày xưa ba công tác, thế nhưng tâm nguyện lớn nhất của em là được vào bộ đội, được mặc quân phục và cống hiến tất cả cho Tổ quốc như ba mình.

Mỗi dịp lễ hay lúc rỗi em lại qua Lữ đoàn 146 - Vùng 4 hải quân (đơn vị mà anh hùng Trần Văn Phương công tác - NV), ở đó có hình ảnh ba và đồng đội đã anh dũng chiến đấu. Đặc biệt có một bức tranh lớn vẽ lại cảnh ba nắm chặt cờ Tổ quốc trong tay cùng đồng đội đánh lại binh lính địch. Những lúc ấy, trong người em lại ào lên những cảm xúc khó tả”.

Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc Thủy đang lênh đênh giữa biển trời Trường Sa thân yêu; cụ thể là cô đang trong chuyến công tác thăm hỏi, tặng quà, động viên các cán bộ, chiến sĩ tại đảo chìm Đá Thị. Cô và đoàn đã đi được 9 đảo trong hành trình 11 đảo ở quần đảo Trường Sa dịp này. Ngày 25.4, đúng ngày bộ đội ta giải phóng đảo Sơn Ca 35 năm về trước thì Thủy cũng có mặt tại đó. Trước đó, cô cũng đã có chuyến đi đến đảo Trường Sa Lớn từ ngày 31.3-8.4. Ngoài việc động viên, thăm hỏi nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, Thủy còn kiêm nhiệm vụ đi thực tế cho công việc thống kê của mình.

Trò chuyện qua điện thoại với PV Thanh Niên khi đang ở đảo Đá Thị, giọng Thủy vẫn còn run run vì nhiều cảm xúc: “Ở đất liền, nhìn những hình ảnh về Trường Sa em xúc động lắm nhưng chưa bằng đi trực tiếp đến đảo. Khi được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, em như sống lại những ngày xưa ba em sống. Tàu đi qua đảo Gạc Ma, lúc ấy em bị say sóng li bì.  Nhưng mấy chú vừa gọi, em lập tức bật dậy và không còn cảm giác say sóng nữa. Nhìn đảo từ xa, em như thấy ba đang đứng, rồi em bật khóc... Đi qua các đảo, em thật khâm phục các anh, các chú bộ đội vì ở giữa muôn trùng biển khơi khó khăn lắm, thế nhưng ai cũng kiên cường, bất khuất”.

Hành trình trên biển Trường Sa của Trần Thị Thủy - người con gái duy nhất của anh hùng Trần Văn Phương - sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới...

Trương Quang Nam  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.