Đọc "Chiến thuật vòng tròn ma quái"

05/05/2010 00:40 GMT+7

Thường thì một người viết rất hoang mang với thế giới nghệ thuật của mình bởi không rõ mình bước vào từ lúc nào, muốn ra thì sẽ như thế nào và nếu đi tiếp sẽ tới đâu? Huỳnh Ngọc Chênh thì tôi thấy ngược lại.

Anh rất tự tin ra vào ngon ơ. Ít ra trong tập truyện này. Cho dù anh có tự thú “phân cực” của 9 truyện ngắn rải đều trong 32 năm. Truyện đầu tiên Chuyến đi của Lê Vênh năm 1977 và liên tiếp mấy truyện gần đây Tam nguyên, Trôi theo thời gian, Nghịch lý hoàn tất trong năm 2009. Khoảng cách, nếu có, do sự sắp xếp, phân bố thời gian của anh với việc viết, cho cái cần làm tức thì và tương lai chứ không phải mất cảm hứng, bế tắc. Tôi lý giải như trên vì gần đây trên văn đàn Huỳnh Ngọc Chênh còn gây chú ý với liên tục mấy tác phẩm tiểu thuyết Hồ Ly Tiên, Sao Chi mà anh tự xếp vào loại tiểu thuyết tình cảm kỳ ảo và còn hào hứng hứa hẹn ra mấy cuốn nữa Đao Hoàng Sa kiếm Hải Vân, Hồ Ly Tiên vào Nam cùng thể loại trên. Anh viết nhẹ như không. Cứ như cái sự viết từ rất lâu đã ngấm vào máu thịt của anh vậy. 

Cái hay của Chiến thuật vòng tròn ma quái  chính là sự hết mình, hết cỡ của một ngòi bút. Ưu điểm của 9 truyện ngắn là tác giả đẩy tới cùng trí viễn tượng của mình. Phải là một người mê bóng đá đến độ mới có thể viết Thế chiến thứ ba, Chiến thuật vòng tròn ma quái... Đưa bóng đá VN trên những “sàn đỉnh” thế giới và biến cái ước mơ thành sự thật dù đó là sự thật ngổn ngang trong... văn chương! Một ước mơ còn xa cho một thực trạng nan giải như chính tác giả nhận thấy “bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống mà phần lớn do tự gây ra cho nhau”. Những “đấu pháp ma quái” “nhuốm màu tà thuật” mà ước mơ vượt qua nó, qua nhân vật huấn luyện viên Nguyễn Văn Sinh đã là một “viễn tượng” đáng kể. Cái thú vị còn ở chỗ từ vị trí đưa VN lên ngôi cao nhất của bóng đá, đoạt cúp vàng thế giới nhưng không được... giữ cúp vì “khâu bảo quản chưa tốt”.
 
Ở truyện Thế chiến thứ ba nấc thang viễn tượng đã đẩy xa hơn. Bóng đá sẽ thay thế vũ khí làm chủ thế giới. Đó là một tầm ngắm thú vị không phải không có lý trong tâm lý con người hiện đại. Nhưng truyện khá nhất, với tôi, đó là Chuyến đi của Lê Vênh viết từ năm 1977. Thật bất ngờ khi biết đây là truyện đầu tay của anh. Cho thấy tác giả có thiên hướng văn chương từ rất sớm. Một nhân vật tên Lê Vênh đi tìm ý nghĩa cuộc đời để phát hiện con người bị ràng buộc trong vô vàn khái niệm “ta mới dứt bỏ được cuộc đời nhưng chưa dứt bỏ được chính ta”. Hay nhiều ẩn nghĩa trào lộng như “tìm cách thoát ra khỏi sự ràng buộc này trong một sự ràng buộc khác”.

Nhìn từ phía nào thì truyện Huỳnh Ngọc Chênh cũng “chênh vênh”, “chơ vơ” mở ra như tên anh, như những nhân vật của anh. Vì thế đôi khi phải ngắm nghía từ nhiều phía hay tự đặt ra những quãng lặng chiêm nghiệm từ cách đọc của mình mới phát hiện được cái lạ cái hay của nó. Mới hiểu được cái “chiến thuật” mà tác giả đã thắng, đã vượt qua để đến với văn chương trong vòng nhiều cám dỗ “ma quái” của cuộc đời...

Nguyễn Hữu Hồng Minh

----------

(*) Đọc Chiến thuật vòng tròn ma quái – Tập truyện viễn tưởng của Huỳnh Ngọc Chênh – NXB Thanh Niên - 2010.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.