Tốt nghiệp không cấp bằng (?!)

06/05/2010 10:45 GMT+7

Học hết chương trình cao đẳng, đại học sân khấu điện ảnh đã hơn 10 năm nhưng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay vẫn chưa có được tấm bằng lận lưng.

Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, sau này là Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM được xem là chiếc nôi đã từng đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh cho sân khấu và điện ảnh phía Nam. Nhưng oái oăm thay, rất nhiều nghệ sĩ từng tốt nghiệp từ ngôi trường này không được cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp.

Chờ đợi mỏi mòn

Các đạo diễn: Minh Hải, Phú Hải, Lê Thụy, Xuân Phước, Minh Nhí, Thanh Thủy, Công Ninh, Kim Loan, Trần Cảnh Đôn, Hồng Vân, Phùng Nguyên, Diệu Đức, Hồng Dung, Văn Thênh, Hữu Luân, Phương Linh... học hết chương trình cao đẳng, đại học ở đây sau hơn 10 năm vẫn chưa có được tấm bằng lận lưng. Những nhà báo theo học các khóa lý luận phê bình sân khấu (hệ đại học) cũng không có bằng.

NSƯT Hồng Vân tâm sự: “Nhiều lần tôi đã đề cập vấn đề này, mong muốn Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM (khi chưa được nâng cấp thành đại học) hãy giúp xác nhận trong hồ sơ quá trình học tập của chúng tôi tại đây, để chúng tôi tự lo việc xin được cấp bằng, nhưng trường không đáp ứng được vì cho rằng không tìm được bảng điểm chứng tỏ chúng tôi đã học ở đây”.

Từ khi Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM được nâng cấp thành Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, nhiều cựu sinh viên của trường này nay đã là những nghệ sĩ có tên tuổi, có người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, đã tìm đến xin được cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp hệ cao đẳng, đại học. Thế nhưng việc ấy không dễ dàng chút nào.

Liệu các nghệ sĩ, đạo diễn không tìm được kết quả học tập có được truy cấp bằng hay phải học lại từ đầu? Câu hỏi này vẫn chưa được trả lời. Trong số họ có người mong muốn được về trường giảng dạy nhưng bị từ chối vì... không có bằng!

Hồ sơ trường không lưu điểm thi của sinh viên các khóa học này. Nghệ sĩ cũng ít ai còn lưu giữ số điểm của những kỳ thi mà mình đã học cách đây hơn 10 năm. Bởi vậy, nhà trường cũng bó tay trong việc hợp thức hóa việc cấp bằng cho các nghệ sĩ này. Nghệ sĩ Minh Nhí bức xúc: “Lúc đó chúng tôi chỉ biết học, còn việc có được cấp bằng hay không thì tính sau. Nhưng nào ngờ. Hiện nay, nếu muốn có một biên chế hoặc ký kết hợp đồng dài hạn với một đơn vị nào đó, tấm bằng trở nên quan trọng vô cùng, vì liên quan đến việc xếp hệ số bậc lương và nhiều quyền lợi khác”.

Đạo diễn Hữu Luân cũng cho biết vì thiếu bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành  nên anh gặp nhiều rắc rối trong việc học lên cao học. Đạo diễn Kim Loan, đang công tác tại Hãng phim Trẻ, cho biết nhiều năm qua chị được cơ quan thông cảm cho chờ bổ sung bằng tốt nghiệp đại học nhưng “cứ phải chờ đợi trong mỏi mòn”.

“Con 3 cha, 7 mẹ”

Khi Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 chỉ được đào tạo hệ trung cấp, nhiều nghệ sĩ sau khi tốt nghiệp trường này, có nguyện vọng học lên hệ cao đẳng, đại học nhưng không có điều kiện ra Hà Nội học nên ban giám hiệu trường này đã liên kết với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam đào tạo các khóa học hệ cao đẳng, đại học.

Tiến sĩ – Nhà giáo Ưu tú Phan Bích Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, cho biết các thầy cô hiệu trưởng tiền nhiệm đã tích cực trong việc tìm giải pháp để xin được cấp bằng cho một số đạo diễn, nghệ sĩ đã hoàn thành chương trình đào tạo hệ đại học, cao đẳng nhưng chưa được cấp bằng. Song, nguyên nhân chính là đầu vào không có sự thống nhất giữa hai bộ: Bộ GD-ĐT và Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Hiệu trưởng Phan Bích Hà ví von việc này như những đứa con sinh ra có cha chung nên không ai có trách nhiệm làm khai sinh cho con. Khi kết thúc các khóa đào tạo này, đến khâu cấp bằng thì bị cho là đào tạo không hợp lệ, do kết quả thi tuyển không được Bộ GD-ĐT công nhận. Bộ VHTT là cơ quan chủ quản của cả hai trường nhưng không phải là cơ quan cấp bằng.

Bà Phan Bích Hà cũng cho biết: “Từ khi trường được nâng cấp thành trường đại học, ban giám hiệu của trường đã tích cực truy tìm lại điểm số, kêu gọi các nghệ sĩ, từng là sinh viên của trường còn lưu điểm số và những chứng chỉ học phần của mình gửi đến trường để làm hồ sơ thủ tục đề nghị Bộ GD-ĐT truy cấp bằng chứng nhận kết quả học tập của họ. Tin mừng là có 10 nghệ sĩ đã được Bộ GD-ĐT đồng ý cấp bằng cao đẳng, gồm có: đạo diễn Hữu Luân, Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức, nghệ sĩ Hồng Dung, đạo diễn Văn Thênh... Số còn lại vì chưa nộp đủ hồ sơ nên chúng tôi chưa thể tiến hành việc xin xem xét truy cấp bằng đại học”.

Một điều khó khác phát sinh, theo bà Phan Bích Hà: “Bằng truy cấp cho một số người là hệ cao đẳng mà trường hiện nay là đại học. Pháp nhân ký và đóng mộc vào tấm bằng đó phải hợp thức hóa như thế nào? Do vậy chúng tôi vẫn phải chờ ý kiến của cả hai cơ quan quản lý có thẩm quyền: Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ GD-ĐT”.

Tắc trách từ khâu tuyển sinh

Trải qua ba đời hiệu trưởng: NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Trần Minh Ngọc, Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn, đến khi NSND Đoàn Dũng làm hiệu trưởng, ông mới làm việc với Bộ GD-ĐT và Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đấu tranh rất căng thẳng nên khóa đại học đạo diễn 3 mới được cấp bằng đại học chính quy. Sự tắc trách này nằm ở khâu tuyển sinh, tổ chức liên kết đào tạo của Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam. Nghệ sĩ Khánh Hoàng (Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM), sinh viên khóa 3 đạo diễn, hệ đại học, cho biết: “Thời đó chúng tôi học kéo dài đến 7 năm vì giáo trình giảng dạy thiếu tính thống nhất. Một số bộ môn được thông báo miễn học nhưng khi chuẩn bị thi chúng tôi phải học lại. Mất thêm 3 năm nữa mới hoàn tất khóa học. Thử hỏi nếu khóa chúng tôi không có sự can thiệp tích cực hơn của NSND Đoàn Dũng thì chưa chắc chúng tôi có được tấm bằng”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.