Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (vào rạng sáng nay, 8.5, giờ VN), biên độ giảm của Phố Wall đã được thu hẹp lại. Trái ngược với xu hướng diễn biến tại châu u, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp sau kỳ nghỉ lễ dài.
Tại Mỹ, thị trường chứng khoán đã ghi dấu tuần giảm điểm sâu nhất kể từ hơn một năm qua, thông tin tác động chính vẫn xoay quanh chuỗi những sự kiện liên quan tới nguy cơ khủng hoảng nợ lan rộng tại châu u. Thông tin này trong cả tuần nay đã khiến các nhà đầu tư hết sức lo ngại về khả năng phục hồi của kinh tế thế giới sau cuộc đại suy thoái.
Phiên này, cổ phiếu công nghệ giảm 2,3%, lớn nhất trong 10 nhóm ngành đóng góp vào chỉ số S&P 500. Cổ phiếu của Apple giảm 4,2%, cổ phiếu của Cisco Systems và Hewlett-Packard (HP) lần lượt giảm 3 và 3,3%. Trong khi đó, cổ phiếu của đại gia ngành thẻ tín dụng American Express cũng giảm tới 4,5%.
Cũng trong diễn biến phiên cuối tuần, tia sáng lẻ loi từ thị trường lao động Mỹ cũng phần nào hãm phanh cho các chỉ số chứng khoán khỏi rơi tự do. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số người lao động Mỹ có việc làm trong tháng 4 vừa qua đã tăng 290.000 trường hợp, mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Tổng kết phiên giao dịch cuối tuần ngày 7.5, chỉ số thị trường S&P 500 tiếp tục giảm thêm 1,5%, xuống còn 1.110,88 điểm; Dow Jones Industrial cũng để mất thêm 139,89 điểm, tương đương giảm 1,3%, chốt phiên ở mức 10.380,43 điểm; Nasdaq Composite giảm 2,3%, xuống còn 2.265,64 điểm.
Tuần này, S&P 500 đã để mất tới 6,4% tổng số điểm và chính thức xóa bỏ toàn bộ thành tích ghi được từ đầu năm tới nay; trong khi Dow Jones cũng mất tới 5,7%, đây được ghi nhận là mức giảm tuần lớn nhất đối với cả hai chỉ số kể từ đầu tháng 3.2009.
Đặc biệt, trong phiên ngày 6.5 vừa qua, Phố Wall đã phải hứng chịu một làn sóng xả hàng mạnh mẽ khiến cho chỉ số công nghiệp Dow Jones, một thời từng là thước đo sự phát triển của thị trường chứng khoán Mỹ, giảm thậm tệ gần 1.000 điểm, giá trị toàn thị trường giảm hơn 1.000 tỉ USD. Cú sốc này đã khiến Ủy ban Chứng khoán Mỹ phải tính tới trường hợp loại bỏ giao dịch của một số cổ phiếu có biến động giá quá mạnh.
Chứng khoán châu u cũng ghi nhận tuần giảm điểm tồi tệ nhất trong hơn 18 tháng qua khi lãnh đạo các nước trong khu vực có vẻ như bất lực trong việc ngăn chặn khủng hoảng nợ quốc gia. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm mạnh 3,94% trong phiên cuối tuần, nâng tổng mức giảm cả tuần lên con số 8,8%, mức giảm tuần mạnh nhất kể từ tháng 11.2008.
Ghi nhận tại một số thị trường lớn trong khu vực: chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 137,97 điểm, tương đương 2,62%, xuống còn 5.123,02 điểm; DAX của Đức giảm 3,27%, xuống còn 5.715,09 điểm; CAC 40 của Pháp giảm mạnh nhất 4,6%, chốt phiên ở mức 3.392,59 điểm.
Mức giảm tuần của các chỉ số đều được ghi nhận ở mức cao, FTSE 100 (Anh) giảm 7,8%; IBEX 35 (Tây Ban Nha) giảm 14%, Athex Composite (Hy Lạp) giảm 13%; PSI (Bồ Đào Nha) giảm 11%.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản trong ngày giao dịch thứ hai sau kỳ nghỉ dài, cũng là phiên giao dịch cuối tuần, đã giảm thêm 331,1 điểm, tương đương 3,1%, xuống còn 10.364,59 điểm. Chỉ số HSI (Hồng Kông) tuột khỏi mốc 20.000 điểm sau khi giảm 213,12 điểm, tương đương giảm 1,06%, chốt phiên ở mức 19.920,29 điểm. Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 1,4%.
Ghi nhận tại một số thị trường khác trong khu vực: Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 1,87%; KOSPI (Hàn Quốc) giảm 2,21%; Straits Times (Singapore) giảm nhẹ 0,65%.
Duy Trần
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)