Di dời 1.800 hộ dân trong phố cổ Hà Nội

08/05/2010 02:47 GMT+7

Ngày 5.5, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ban ngành về đề án giãn dân phố cổ sang khu đô thị mới Việt Hưng (Q.Long Biên).

UBND Q.Hoàn Kiếm đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất diện tích 11,12 ha tại khu đô thị Việt Hưng sang xây dựng chung cư cao tầng, quy mô căn hộ rộng từ 60m2 đến 100m2 phục vụ cho giãn dân, và bố trí 35% diện tích sàn làm dịch vụ hỗ trợ nhân dân kinh doanh. Các căn hộ này được bán một lần, bán trả góp với lãi suất ưu đãi hoặc cho thuê, mức giá do UBND TP phê duyệt. Trước mắt sẽ di dời 1.800 hộ  đang sinh sống trong các công sở, trường học, di tích hoặc một số nhà có quá nhiều hộ sinh sống.

Hôm qua, trao đổi với Thanh Niên, bà Lê Quỳnh Anh, Phó trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết đề án di dời người dân phố cổ chỉ mới trong giai đoạn đề xuất ý tưởng với UBND thành phố. Sau khi được thành phố phê duyệt, đề án sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân cũng như ý kiến các nhà khoa học.

Theo bà Lê Quỳnh Anh, trong một cuộc điều tra mới đây, trong số 1.800 hộ dân phải di dời sang nơi ở mới thì đã có 1.618 hộ đồng thuận. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thanh Niên, các hộ dân đồng thuận sang khu đô thị Việt Hưng vì chỗ ở mới khang trang, rộng rãi hơn hiện tại, nhưng họ cũng rất lo lắng về cuộc sống sau khi chuyển về đây.

Chị Đặng Thị Tiến sống ở cuối số nhà 50 phố Hàng Bạc cho biết tất cả sinh hoạt của gia đình gồm bốn người chỉ gói gọn trong phạm vi có 7m2 nên nếu thành phố có chủ trương di dời sang chỗ ở mới là khu đô thị Việt Hưng, nhà chị sẽ hưởng ứng ngay. Tuy nhiên điều chị lo lắng nhất là về cuộc sống sau đó sẽ như thế nào, khi chồng là thương binh nghỉ ở nhà hưởng chế độ trợ cấp, hai đứa con đang tuổi đi học, kinh tế gia đình eo hẹp, mọi chi tiêu đều trông hết vào quán nước ở đầu phố. “Chuyển sang ở khu đô thị Việt Hưng, nhà cửa rộng rãi ở thì sướng thật, nhưng lo không biết làm gì để nuôi sống gia đình, vì bên đó xa trung tâm nên không thể lấy quán nước làm cần câu cơm như ở phố Hàng Bạc được”, chị Tiến bày tỏ.

Cùng ở số nhà 50, 8 nhân khẩu của gia đình ông Nguyễn Duy Thế sống trong ngôi nhà chưa tới 20m2, tuy chật chội nhưng không mấy khi ông phải lo lắng về đời sống kinh tế, cho dù chỉ ngồi cắt tóc và các con ông mở quán nước trên vỉa hè. Cũng như bà Tiến, ông Thế lo lắng, khi dời sang khu đô thị Việt Hưng, liệu cái nghề cắt tóc và bán nước của các con ông có thể duy trì nổi cuộc sống gia đình như hiện nay?

Không chỉ lo lắng chuyện mưu sinh, nhiều hộ gia đình trên phố Hàng Chiếu, Hàng Bạc, Hàng Đào... khi được hỏi còn tỏ ý băn khoăn, liệu diện tích ngôi nhà mà họ đang ở có đủ điều kiện để đổi ngang lấy một căn hộ ở khu đô thị Việt Hưng. Trong trường hợp giá căn hộ tại khu đô thị Việt Hưng vượt giá trị ngôi nhà đang ở, những người dân này không biết lấy đâu ra tiền để bù vào. Ông Phạm Gia Đạt, Tổ trưởng tổ dân phố Hàng Bè cho hay, tại số nhà 52 mà ông quản lý, 17 hộ thì có tới 16 hộ sống phía trong gặp khó khăn về kinh tế. “Một gia đình có sáu, bảy miệng ăn, trông cả vào hai mét vuông vỉa hè bán đồ lưu niệm cho khách, đồ đạc bán hết cũng chẳng được nổi chục triệu đồng... Gia cảnh như thế thì lấy đâu tiền mua nhà ở bên khu đô thị Việt Hưng, nếu nhà họ ở hóa giá nhưng không đủ tiền mua”, ông Đạt nói.

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.