Người đốt hài cốt Hitler

08/05/2010 22:42 GMT+7

Đã 65 năm trôi qua kể từ ngày chiến thắng phát xít, vẫn còn quá nhiều bí ẩn xung quanh Adolf Hitler. Câu chuyện của một cựu chiến binh Liên Xô sau đây hé mở một góc ít được biết đến về kết cục của nhân vật này.

Hơn 65 năm trước, vào ngày 30.4.1945, tại Berlin, nhân vật đứng đầu Đế chế thứ 3 - lãnh tụ Đức Quốc xã Adolf Hitler - đã tự sát trong tình thế đang bị vây kín. Đó là một sự thật lịch sử. Nhưng ít ai biết rằng 25 năm sau, người lính Liên Xô Vladimir Gumeniuk đã tiêu hủy hài cốt của nhân vật đứng đầu phát xít Đức và thả tro theo gió.

Báo Sự thật Thanh niên của Nga hôm 30.4.2010 đã đăng tải bài viết trong đó người cựu chiến binh Liên Xô đã kể về sự kiện quan trọng này. Chúng tôi xin lược dịch.

Nhiệm vụ tối mật

Bây giờ Gumeniuk đã nghỉ hưu. Ông sống tại một làng quê gần thành phố Syraniu trên bờ sông Volga. Các nhà báo đến gặp khi ông đang làm vườn. “Chính với cái xẻng giống như thế này, vào năm 1970, tôi đã đào hài cốt Hitler, Eva Braun (vợ Hitler), Joseph Goebbels và cả gia đình hắn lên”, ông Gumeniuk kể lại. “Khi đó tôi là thượng úy, phục vụ trong một đội đặc biệt của Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) thuộc Quân đoàn 3 đóng trên lãnh thổ Cộng hòa dân chủ Đức, cách không xa Magdeburg. Tôi và 2 đồng nghiệp nữa nhận được một mật lệnh: do có sự chuyển khu vực quân sự của quân đội Xô viết, cần phải đốt và thả theo gió hài cốt của Hitler và tất cả những người thân cận với hắn. Sau chiến tranh, những hài cốt này được chôn ở một nơi bí mật. Và người ta báo cho chúng tôi cách xác định vị trí đó, được đánh dấu với những chữ thế nào, thậm chí bây giờ tôi cũng không thể kể lại tất cả. Ngay cả lệnh mà người ta truyền cho chúng tôi được giữ bí mật đến mức người ta không giao cho ai đánh máy cả. Đích thân Giám đốc KGB Yuri Andropov tự viết bằng tay”.

Khu quân sự Liên Xô nằm giữa những ngôi nhà cao ở Đức, cả khu vực như trong lòng bàn tay. Tất cả những người sống ở đây không được biết vào đêm ấm trời tháng 4.1970 ấy, các sĩ quan trên làm gì. Đối với tất cả những người xung quanh, 3 người này dường như chuẩn bị đi câu cá. Bình thường, Gumeniuk và 2 đồng nghiệp vẫn hay rời khỏi đơn vị để đi câu. Hôm ấy cũng có thể như thế, đó là một buổi câu cá bình thường.

Nhưng trong thực tế, đó hoàn toàn không phải là một chuyến đi câu. Các sĩ quan đã che mắt mọi người bằng việc để cần câu, lưới, thuyền cao su và xẻng vào thùng xe. Khi đến địa điểm bí mật, họ dựng lều ngay tại vị trí sẽ đào. Sau khi đào 1-2 giờ mà vẫn không thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ có hài cốt, các sĩ quan rất phân vân. Họ tính tới việc chấm dứt nhiệm vụ bí mật này. Mà một khi nhiệm vụ không kết thúc trọn vẹn, chắc chắn các sĩ quan trẻ và nhiều người liên quan nữa sẽ phải ra tòa án binh.


Hitler và Eva Braun lúc còn sống

Có thể trong bản vẽ có gì đó không chính xác. Nghĩ thế, 3 người xem lại bản đồ bí mật. Và Gumeniuk chợt nhận ra: “Chúng ta đã tính nhầm là 45 mét. Phải là 45 bước mới đúng. Chúng ta đào không đúng chỗ đó!”.

Họ chuyển lều sang chỗ mới, và chẳng bao lâu sau đụng vào gỗ. Nhóm quật mộ đã chuẩn bị sẵn những chiếc thùng để bỏ hài cốt, vì những chiếc hòm được chôn dưới đất lâu ngày đã mục hoàn toàn. Hài cốt đã được chôn từ lâu, nhưng Gumeniuk là người cẩn thận, nên ông đã chuẩn bị găng tay cao su, ủng cao su, loại quần áo đặc biệt chống được các chất độc hóa học, thậm chí còn đem theo cả mặt nạ chống khí vì ông nghĩ mùi sẽ khủng khiếp. Nhưng khi đào, họ chẳng cảm thấy có gì ghê gớm cả. Họ xếp tất cả xương vào thùng và san phẳng hố đào bằng đất khô, phía trên phủ lá để ngụy trang. Cuộc khai quật coi như xong.

Chuyến đi cuối cùng của Hitler

Theo lệnh đã ban, nhóm của Gumeniuk phải chuyển các hài cốt ra khỏi phạm vi thành phố quân sự, đốt và tung theo gió. Lúc bấy giờ ở Đức, đốt lửa vào ban đêm, dù ở bên sông, là chuyện hoàn toàn không bình thường. Dân ở đó rất kỷ luật, người ta không cho phép đốt lửa ngoài thiên nhiên. “Chúng tôi phải đợi đến sáng” - Gumeniuk kể tiếp - “Mới tờ mờ sáng chúng tôi đã ra khỏi thành phố. đi loanh quanh trong thành phố để kiểm tra xem có ai theo dõi không. Khi ra đến bờ sông (lúc này nhóm vẫn đóng vai những người đánh cá), chúng tôi đặt một cái nồi nấu súp trên lửa, còn bên cạnh đốt một đống lửa nữa. Trong đống lửa này chúng tôi đã đốt hài cốt Hitler… Chúng tôi đổ cả một can xăng vào đó. Sau đó tro được đổ nước vào, để mau nguội. Chúng tôi gom tro vào những bao đựng thông thường và đi tới một nơi được xác định trước, đến bờ một con suối nhỏ, vô danh. Chúng tôi đi, dừng lại, nhìn quanh - không có ai hết. 20 giây - thế là xong hết. Đó là chuyến đi cuối cùng của Hitler - gió thổi bay khắp nơi, và tất cả như biểu tượng, vẫn được viết trong các cuốn sách. Chúng tôi giũ hết các bao, ngồi lại vào trong xe và quay về đơn vị. Con đường trên trái đất của một trong những kẻ bạo tàn nhất mọi thời đại và mọi dân tộc đã kết thúc như vậy”.

Khi trở về, các sĩ quan lập biên bản theo mẫu xác định, miêu tả rõ “biện pháp” đã được thực hiện như thế nào, ký tên ở dưới và về nhà mình. Họ chỉ có 3 người - 2 từng ở mặt trận, còn Gumeniuk là sĩ quan trẻ. Nhưng họ thậm chí không có quyền bàn thảo với nhau về nhiệm vụ. Đó là một nhiệm vụ tối mật.

Cả đến bây giờ - sau mấy chục năm đã trôi qua - Gumeniuk vẫn giữ bí mật về nơi chôn cất Hitler. Dù các phóng viên Đức của một nhà xuất bản lớn đã nhiều lần đến chỗ ông, nhét cho ông một đống tiền, chỉ để ông nói cho chính xác hơn. Thậm chí họ còn đem đến cả băng hình quay cảnh khu vực ngoại vi Magdeburg. Người cựu sĩ quan an ninh từng trải vẫn im lặng. “Tôi cho rằng không nên nói rộng vấn đề này. Các tài liệu lưu trữ được giải mật chỉ một nửa. Người ta đã công nhận vụ việc đó là có thật. Nhưng cả bây giờ vẫn cấm nói ra tất cả chi tiết”, ông Gumeniuk thừa nhận. “Tôi tìm thấy nhiều sự kiện khác nhau trên các báo và tạp chí, thấy nhiều giả thuyết khác nhau: lúc thì đốt ở chỗ này, lúc thì đốt ở chỗ khác, lúc thì người ta đổ vào đường cống. Tất cả là vớ vẩn và không đúng sự thật. Trong tất cả những năm đó, tôi bị ám ảnh không phải vì nỗi sợ, mà cảm giác lo lắng việc tình cờ bị bại lộ. Tôi vẫn còn lo - bỗng nhiên tin tức bị rò rỉ ở đâu đó. Không phải từ 3 chúng tôi, mà ai đó khác lỡ lời. Và rồi người ta sẽ hỏi 3 người lính đã ký văn bản đó. Không hề có nỗi sợ, khi đó tôi còn trẻ, không sợ gì cả. Thậm chí khi uống rượu trong hội bạn bè cùng chiến đấu, tôi không bị cuốn vào việc kể lại nhiệm vụ bí mật. Khi đó mọi người nói ra những giả thuyết của mình về việc xác của Hitler được xử lý như thế nào. Còn tôi ngồi cười, không bao giờ tham gia vào các cuộc tranh cãi và thảo luận. Tôi không thể chia sẻ với người thân, bạn bè, vợ. Vợ tôi, khi lần đầu tiên thấy cảnh trên truyền hình về tôi, đã làm loạn lên. Cô ấy giận dữ: “Vậy là sao, tại sao em không biết gì cả?”. Tôi trả lời: “Em là vợ của nhân viên tình báo, và không thể có bất cứ cuộc nói chuyện nào về vấn đề này”.”

Câu chuyện về hành trình cuối cùng của Adolf Hitler là như thế. Nhân vật từng khiến cả thế giới điên đảo, từng kéo cả thế giới vào một cuộc chiến đẫm máu chưa từng có, rốt cuộc đã trở thành tro bụi, bay theo gió trong một buổi sáng se lạnh ở nước Đức, nhiều năm sau khi cuộc chiến kết thúc.

Hoàng Thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.