Không chỉ bởi đất chật người đông, một cuộc sống trên vỉa hè cũng mang nét văn hóa đáng nhớ của Sài Gòn.
Sức hút từ hàng rong
Hàng rong với những món quà vặt như ngô khoai luộc hay nướng, bánh tráng trộn… luôn có sức hút đặc biệt đối với nhiều người. Mặc dù vẫn biết những cảnh cáo về nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ những hàng quán vỉa hè, nhưng sức hút ấy vẫn không vì thế mà giảm đi phần nào.
Đặc biệt nhất là những quán cà phê cóc. Lắm lúc tự hỏi, cà phê cóc là gì? Cóc ở đây là con cóc với kiểu ngồi chồm hổm rất đặc trưng? Cà phê cóc là cà phê ngồi chồm hổm như con cóc? Nếu lý giải theo kiểu này cũng thấy có phần đúng bởi hầu hết hàng quán vỉa hè chỉ có loại ghế nhựa con con, nhẹ tưng chứ không phải là những chiếc ghế gỗ hay sô-pha có chỗ tựa và ngồi êm… mông.
|
|
Vỉa hè không chỉ nổi trội về hàng giá cả rẻ, mà còn là nơi có thể quan sát, nghe ngóng được những chuyện mới hoặc lạ trong đời sống. Trên thực tế, la cà ở các hàng quán vỉa hè cũng được xem như một hình thức làm việc (chứ không phải là kẻ vô công rồi nghề) của nhiều người: phóng viên, nhân viên tiếp thị hay phát triển thị trường…
Cho nên không thể chủ quan cho rằng hàng quán vỉa hè chỉ thu hút những người lao động nghèo hoặc người có thu nhập thấp.
Đến chuyện ăn uống
Mặc cho cái nắng chói chang và ngập ngụa khói bụi, nhưng vỉa hè vẫn là một trong những địa chỉ chẳng bao giờ ế khách. Ngoài chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm như đã nêu, ăn uống và buôn bán ở vỉa hè cả chủ lẫn khách đều phải chấp nhận rủi ro: bị phạt khi cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra. Chính vì thế, hàng quán vỉa hè được gọi là hàng quán… vừa ăn uống vừa chạy. Nếu xui xẻo, chủ bị tịch thu hết bàn ghế, khách bị phạt tiền vì để xe chiếm dụng vỉa hè.
La cà các quán vỉa hè đôi khi cũng là cách làm việc của nhiều người: phóng viên, nhân viên tiếp thị hay phát triển thị trường
|
|
M.L – một người bạn của tôi từng gặp cảnh uống ly cà phê sữa đá đắt kinh khủng, gấp hàng chục lần so với những quán sang trọng ở Sài Gòn! Nhân rảnh rỗi, cô đã rủ 3 người bạn khác ngồi cà phê cóc thoáng mát ở góc đường Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng. Trong lúc say sưa với những câu chuyện, một đoàn dân phòng ập đến… lập biên bản phạt xe. Thành thử ly cà phê cóc hôm ấy vốn có giá 9 ngàn đồng đội lên gấp hàng chục lần, khiến cho M.L nhớ mãi…
Cảnh tượng ăn uống vui vẻ rồi bỗng dưng ngồi vụt dậy dắt xe hoặc gom bàn ghế… tẩu, trở thành chuyện thường ngày, đã quá đỗi quen thuộc.
Trước đây, những người bán hàng rong trên vỉa hè thường gặp chuyện mất cả chì lẫn chài khi bị cơ quan chức năng bắt được. Thế nhưng thời gian gần đây, người bán tinh vi hơn bằng cách sắm cho mình một chiếc xe đẩy lưu động. Hễ thấp thoáng thấy cán bộ dân phòng, người bán chỉ việc nhanh tay gom đồ quăng lên xe và lẹ chân đẩy đi chỗ khác, chờ tình hình lắng dịu mới quay trở lại hoặc chuyển sang “hoạt động” ở địa bàn vỉa hè khác!
Vỉa hè thành nhà
Vỉa hè về đêm sẽ như thế nào? Chính câu hỏi ấy từng khiến tôi có những chuyến “vi hành” vào những đêm khuya thanh vắng. Về đêm, vỉa hè vẫn là lực chọn của nhiều người như: xích lô, xe ôm, người bán vé số...
Trong khi nhiều người yên giấc với những chiếc gối êm ái trong căn phòng vó quạt và thậm chí là máy lạnh, thì trên một số vỉa hè, những bác xích lô, xe ôm… nằm chông chênh, co quắp người trong chiếc chăn mỏng manh, cũ kỹ ngủ ngay trên xe được dựng ở vỉa hè.
Họ có 2 lý do để ngủ bụi như thế. Thay vì hàng tháng phải bỏ ra một số tiền để thuê phòng trọ, họ chọn ngủ vỉa hè để có thêm khoản dành dụm gửi về cho vợ con ở quê. Mặt khác để tranh thủ kiếm thêm việc trong đêm bằng việc ngủ ở các vỉa hè gần những chợ đầu mối.
Đặc biệt, những người hành nghề xích lô, xe ôm không bao giờ ngủ một mình ở nơi vắng vẻ. Thường họ dựng xe ngủ gần nhau để phòng bị trộm cướp xe, tiền bạc.
Ông B.S (45 tuổi, quê ở Bình Định) – người chạy xe xích lô ở Chợ Lớn đã kể chuyện mình khi mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn mưu sinh. Lúc đó, ông B.S chỉ mới chạy xích lô ở khu vực Chợ Lớn được một tháng. Vì mới vào chưa quen biết nhiều, ông thường chọn một nơi yên tĩnh, vắng vẻ để ngả lưng khi đêm về.
Lần ấy là cuối tháng sau khi đếm và sắp xếp những đồng tiền kiếm được, ông cẩn thận cất vào túi quần, định bụng sáng hôm sau sẽ gửi về cho vợ con ở quê. Thế nhưng khi tỉnh dậy, sờ túi, số tiền dành dụm được từ mồ hôi nước mắt đã không cánh mà bay. Ông B.S nói rằng không chỉ riêng mình gặp sự cố như thế, mà nhiều người làm nghề như ông cũng từng lâm vào cảnh trắng tay khi thức giấc.
* Mễ Thành Thuận (Q.3, TP.HCM): Cà phê vỉa hè có ưu điểm mà ai cũng nhận thấy: rẻ! Tuy nhiên đôi lúc, tôi cũng phân vân nguồn nguyên liệu có đảm bảo hay không. Mặc dù thích cà phê vỉa hè, nhưng tôi cũng… thấp thỏm lo lắng về chất lượng. Với tôi, cà phê vỉa hè rất tuyệt với điều kiện mọi người chịu khó dẫn xe đi ở các điểm giữ xe chứ đừng để lung tung gây mất mỹ quan đô thị. * Nguyễn Thị Minh Kha (011 lô S, cư xá Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Cà phê cóc có nét hay riêng, không phân biệt hèn sang, cho cảm giác vừa rất thoải mái vừa ít tốn tiền. Tôi vẫn thích quán vỉa hè để nhìn người qua lại, thấy được nhiều góc cạnh của cuộc sống hơn là chui vô những hộp kín mít. Mặt khác, khi cuộc sống phát triển, con người lại có khuynh hướng tìm về những gì mộc mạc và tự nhiên. Tôi thiên về những gì bình dân.., mà cà phê vỉa hè là một ví dụ. _ Đường Lam (ghi) |
Đường Lam
Bình luận (0)