Chuyện về tân Thủ tướng Anh David Cameron

12/05/2010 16:42 GMT+7

(TNO) Khi Thủ tướng Anh Tony Blair bước vào tòa nhà số 10 phố Downing hồi năm 1997, tay ông xách theo một cây đàn guitar. Còn bây giờ, tân Thủ tướng David Cameron vào dinh Thủ tướng với chiếc mũ bảo hiểm xe đạp trong hành lý. Họ có một điểm tương đồng: còn rất trẻ.

“Người thừa kế” Tony Blair

Mặc dù cùng 43 tuổi khi nhậm chức thủ tướng Anh nhưng có một tí khác biệt giữa hai người đàn ông kể trên: Cameron trẻ hơn Blair 6 tháng. Và thế là Cameron “hớt tay trên” của Blair danh hiệu thủ tướng trẻ nhất nước Anh kể từ năm 1812.

 
 Vợ chồng ông Cameron trước cửa tòa nhà số 10 phố Downing - Ảnh: Reuters

Theo BBC, từ trước khi được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ, ông Cameron từng có lần nói mình sẽ là “người thừa kế Tony Blair”. Và ông đã sử dụng hiệu quả cách vị lãnh đạo trẻ tuổi Blair từng làm: dùng những nhóm nhỏ người có tư tưởng hiện đại để thúc đẩy sự thay đổi số đông còn lưỡng lự trong đảng.

Trước khi làm thủ tướng, ông Cameron chưa từng kinh qua một chức vụ bộ trưởng nào, kinh nghiệm mà hầu hết các lãnh đạo chính phủ thường có, trừ ông Tony Blair.


Tôi là người thực dụng. Tôi biết tôi muốn đi đến đâu nhưng tôi không để mình kết dính vào một phương pháp duy nhất nào về mặt ý thức hệ” 
David Cameron
Thêm một điểm tương đồng khác, hai vị thủ tướng trẻ đều có gia đình đông đúc. Ông Blair có đến 4 người con, trong đó bé Leo George chào đời khi ông đang còn làm chủ tòa nhà số 10 phố Downing. Cameron cũng đã có 3 đứa con (trong đó 1 đã qua đời). Thêm một tí khác biệt giữa hai ngài thủ tướng: nếu như ông Blair đợi tới lúc giữa nhiệm kỳ mới có đứa con thứ 4 thì Cameron đã dẫn theo phu nhân Samantha với cái bụng tròn bước vào dinh Thủ tướng. Dự kiến bà sẽ sinh con thứ 4 vào tháng 9 năm nay.

Người đàn ông của gia đình

Ông Cameron từng tự hào khoe rằng mình có một tuổi thơ hạnh phúc. Cha ông, Ian Cameron, là một nhà môi giới chứng khoán bị khuyết tật bẩm sinh ở chân, nặng tới mức ông phải cưa bỏ chúng. Ông cũng bị mù một mắt. Nhưng ông chưa bao giờ xem mình là “người khuyết tật” và hiếm khi nào than phiền về bất kỳ điều gì.

 
 Bà Samantha Cameron đang mang thai đứa con thứ 4 - Ảnh: Reuters

Còn mẹ Thủ tướng Cameron chính là nữ thẩm phán Mary Cameron đã hành nghề suốt 30 năm.

Ông David Cameron được học ở những trường danh giá và sau đó đã vào được Đại học Oxford với chuyên ngành triết học, chính trị và kinh tế.

Tân Thủ tướng Cameron là người coi trọng giá trị gia đình. Cuối tuần, ông thích cùng ăn uống tiệc tùng với gia đình.

Ông kết hôn với Samantha vào năm 1996, sau khi chị gái ông đưa Samantha về nhà giới thiệu trong một bữa tiệc gia đình.

Có lẽ thử thách lớn nhất trong cuộc hôn nhân của họ là bé Ivan, bị khuyết tật rất nặng từ lúc mới sinh, cần được chăm sóc 24/24. Bé Ivan đã qua đời vào năm 2009 lúc mới 6 tuổi.

 
 Ông Cameron (phải) chuẩn bị bước vào dinh Thủ tướng - Ảnh: Reuters

Trong thư gởi cho những người ủng hộ sau cái chết của đứa con đầu lòng, ông Cameron viết: “Khi chúng tôi mới được thông báo về mức độ khuyết tật của bé Ivan, tôi đã nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải chịu đựng mà chăm sóc bé nhưng ít nhất thì sự chăm sóc của chúng tôi cũng mang lại ích lợi cho bé. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mọi chuyện hoàn toàn đảo ngược. Chỉ có mình con tôi phải thực sự chịu đựng, còn chúng tôi, nhờ có và yêu thương một đứa con đặc biệt cũng như xinh xắn như thế này, đã nhận được nhiều quá sức tưởng tượng”.

Lên như diều gặp gió

Sau khi tốt nghiệp đại học, Cameron từng cân nhắc giữa chuyện vào làm trong ngành báo chí hoặc ngân hàng. Nhưng cuối cùng, ông quyết định nộp hồ sơ vào phòng nghiên cứu của đảng Bảo thủ sau khi đọc một mẩu quảng cáo tuyển dụng.

Trở thành nhà nghiên cứu của đảng Bảo thủ, Cameron nhanh chóng chiếm được lòng tin nhờ sự làm việc nghiêm túc và trí thông minh sắc sảo của mình. Chàng trai trẻ đã đưa ra được nhiều sách lược quan trọng đánh vào các chính sách của Công đảng cầm quyền lúc bấy giờ. Cameron được các lãnh đạo hàng đầu của đảng Bảo thủ tín nhiệm.

 
 Ông Cameron (trái) cùng Phó thủ tướng Nick Clegg - Ảnh: Reuters

Nhưng ông Cameron không muốn ngồi lâu ở hậu trường của đảng Bảo thủ. Đến những năm đầu thập niên 90, ông quyết định hướng đi của cuộc đời mình: phải vào cho được Quốc hội. Thế là ông chia tay… chính trị, vào làm việc cho công ty truyền thông Carlton, trở thành cánh tay phải của sếp Michael Green, theo chân ông này đi khắp thế giới. Cameron biết rõ rằng muốn làm được đại sự trong chính trường, ông cần có nhiều kinh nghiệm ở… ngoài chính trường.
 
Năm 1997, Cameron đưa ra một quyết định táo tợn: tranh cử vào Quốc hội và thất bại. Nhưng chỉ ngay kỳ bầu cử tiếp theo (năm 2001), ông đã chễm chệ giành được một ghế khi mới 35 tuổi.

Và cũng chỉ 4 năm sau đó, vào năm 2005, Cameron đã được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ để rồi nhanh chóng đưa đảng này từ thế đối lập suốt 13 năm sang thế lãnh đạo sau cuộc tổng tuyển cử hôm 6.5.

Khi được hỏi nếu tóm gọn cương lĩnh chính trị của mình vào một chữ, thì đó là gì, ông Cameron đã không ngần ngại trả lời: “responsibility” (sự chịu trách nhiệm).

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.