Bổ não thành... bổ ngửa!

14/05/2010 08:58 GMT+7

Tại TPHCM, học sinh - sinh viên đi khám bệnh thần kinh thường gia tăng từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm, trong đó nhiều trường hợp do lạm dụng các thuốc tăng cường trí nhớ.

Vào cao điểm mùa thi, nhiều phụ huynh không chỉ lo tẩm bổ cho con em qua việc ăn uống mà còn bằng các loại thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ... Thị trường dược phẩm cũng đầy rẫy các thuốc loại này với nhiều lời quảng cáo rất hấp dẫn.

“Tẩu hỏa nhập ma”

N.H.A (đang học lớp 12 tại một trường THPT ở quận 10-TPHCM) vừa được Bệnh viện Tâm thần TPHCM tiếp nhận điều trị. A. nhập viện trong tình trạng ngơ ngác, mơ hồ, rũ rượi, bồn chồn, lo lắng. Qua  khai thác bệnh sử, các bác sĩ xác định bệnh nhân A. bị mắc chứng rối loạn tâm thần nặng, rối loạn hành vi, tư duy.

Người nhà bệnh nhân A. cho biết gần đây, A. có những biểu hiện không bình thường khi ngủ, thường bỏ ăn, đôi khi phấn chấn, vui vẻ vô cớ. Tìm hiểu kỹ, gia đình mới phát hiện A. và nhóm bạn cùng lớp đang sử dụng một loại thuốc màu hồng có tên là Amphetamine.

Theo A., đây là thuốc tăng cường trí nhớ, bổ não giúp ích cho việc học tập mà không phải băn khoăn gì về tác dụng phụ khi sử dụng. A. cũng cho biết rất nhiều học sinh khối 12  của trường đang sử dụng thuốc này.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Khoa Tâm thần nữ Bệnh viện Tâm thần TPHCM, người sử dụng thuốc Amphetamine lúc đầu có cảm giác hưng phấn nhưng về lâu dài sẽ rơi vào rối loạn gia tăng hoạt động, mất kiểm soát hành vi. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có hơn 60% người lạm dụng Amphetamine bị rối loạn tâm thần như mất ngủ hoặc rối loạn hành vi, tư duy.

Dược sĩ Trần Đình Khoa, Công ty Dược Sài Gòn, cho biết Amphetamine là dạng thuốc lắc, cấm dùng và tuyệt đối cấm bán tại các nhà thuốc. Loại thuốc này gây hoang tưởng, giảm đói, tạo được cảm giác tỉnh táo. Việc sử dụng tùy tiện loại thuốc này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.

Một chuyên gia y tế khác cho biết ngoài thuốc Amphetamine là dạng như ma túy, gần đây trên thị trường còn xuất hiện một loại đồng dạng khác là thuốc gây nghiện Ritalin. Thuốc này hoàn toàn không có chức năng bổ não như nhiều người nhầm tưởng và nếu sử dụng không đúng có thể đột tử.

Coi chừng bị nghiện

Ngoài hai loại thuốc nói trên, thị trường dược phẩm hiện còn có rất nhiều loại thuốc với nhãn mác, chủng loại, giá cả khác nhau được quảng cáo là tăng cường trí nhớ, bổ não, tăng cường trí thông minh... Phổ biến nhất là Galantamine, Glutaminol B6, Tanakan, Piracetam, Nootropil, Aricept... Vào mùa thi, các loại thuốc này bán rất chạy. Trong giới học sinh, sinh viên rất nhiều người đang sử dụng những loại thuốc này theo kiểu truyền tai nhau chứ không qua chỉ định của bác sĩ.

Theo các chuyên gia y tế, những loại thuốc nói trên là thuốc hướng tâm thần, chủ yếu sử dụng trong điều trị cho người sa sút trí tuệ hoặc các di chứng do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não và phải được bác sĩ chuyên khoa kê toa vì đều có khả năng gây nghiện.

Tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, số lượng bệnh nhân là học sinh, sinh viên khám bệnh thần kinh thường gia tăng từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm, trong đó nhiều trường hợp mắc bệnh do việc lạm dụng thuốc nói trên.

Dễ gây ỷ lại, hoang tưởng

Theo dược sĩ Trần Đình Khoa, thuốc là sản phẩm đặc thù nên  dù là thuốc bổ cũng không thể sử dụng một cách bừa bãi. Hơn nữa, mỗi người có cơ địa khác nhau nên không thể tùy tiện sử dụng nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Các loại thuốc nói trên thực ra chỉ có tác dụng hỗ trợ tuần hoàn não, hoạt não, bổ sung dinh dưỡng cho não nên có tác dụng là làm tỉnh táo, sảng khoái, ảo giác, hưng phấn tức thời chứ không giúp gì cho trí thông minh.
 
“Việc sử dụng tùy tiện và lạm dụng nhóm thuốc hệ thần kinh về lâu dài sẽ gây lệ thuộc thuốc, không kiểm soát được hành vi, suy sụp tinh thần” - dược sĩ Trần Đình Khoa khẳng định.

Ông cho biết thêm việc học sinh, sinh viên tự mua sử dụng và lạm dụng các loại thuốc này cũng sẽ tạo thói quen tiêu cực ỷ lại, hoang tưởng...

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.