Chuyên đề “Điều trị bệnh loãng xương” - Kỳ 1: Chẩn đoán loãng xương

15/05/2010 19:18 GMT+7

Không nhiều người biết rằng, loãng xương là nguyên nhân thứ hai sau tim mạch gây nên bệnh tật cho con người. Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá bệnh loãng xương là một trong những mối đe dọa lớn đến sức khỏe người cao tuổi toàn cầu.

Riêng ở Việt Nam, một nghiên cứu mới do ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BV Nhân dân 115 và Viện Garvan Australia thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người bị loãng xương, và ở nam tỷ lệ này là 1 trên 10. Với tỷ lệ này, nước ta hiện đang có trên 2 triệu phụ nữ và nửa triệu nam trên 50 tuổi trong tình trạng loãng xương.  Ở nước ta, tỷ lệ người cao tuổi trong dân số đã lên đến 7%.

Chẩn đoán loãng xương

Loãng xương được định nghĩa là một sự rối loạn nội tiết, mà theo đó lực của xương bị suy giảm và cấu trúc xương bị tổn hại, dẫn đến xương dễ bị gãy.  Hiện nay, chưa có phương pháp trực tiếp đo lường lực của xương, nên chúng ta chỉ có thể đo lường gián tiếp.  Một trong những phương pháp đó là đo mật độ chất khoáng trong xương (bone mineral density) bằng kỹ thuật DXA. Kỹ thuật DXA sử dụng 2 tia năng lượng để xác định lượng và mật độ chất khoáng trong xương, hay viết ngắn là mật độ xương (MĐX). Kết quả của đo lường MĐX là gram trên mỗi cm vuông (g/cm2). 

MĐX biến đổi theo độ tuổi. Ở độ tuổi vị thành niên, MĐX tăng rất nhanh, đạt mức độ cao nhất ở vào khoảng 20-30 tuổi. Sau một thời gian quân bình, MĐX bắt đầu giảm từ tuổi sau mãn kinh hay trên 50 tuổi ở nam giới. Do đó, thay vì mô tả MĐX bằng đơn vị g/cm2, người ta mô tả bằng chỉ số T (còn gọi là T-score). Chỉ số T của một cá nhân là MĐX hiện tại so với lúc còn ở độ tuổi 20-30 và chuẩn hóa cho độ dao động trong quần thể. Chỉ số T bằng 0 có nghĩa là MĐX của cá nhân đó chưa giảm so với tuổi 20-30; chỉ số T dưới 0 (rất hay thấy ở người cao tuổi) có nghĩa là xương trong cơ thể của cá nhân đó đã bị giảm so với tuổi 20-30.

Theo tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới, nam và nữ trên 50 tuổi với chỉ số T bằng hoặc thấp hơn -2.5 được chẩn đoán là “loãng xương” (osteoporosis). Nếu chỉ số T trong khoảng -2.4 và -1.1 thì chẩn đoán là “thiếu xương” (osteopenia). Nếu chỉ số T cao hơn -1.1 thì MĐX của cá nhân đó là “bình thường”. 

Hiện nay, một số bệnh viện lớn tại TP.HCM có máy DXA để xét nghiệm MĐX như BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy, nhưng cần phải cẩn thận khi diễn giải kết quả MĐX từ những máy này. MĐX rất khác nhau giữa các sắc dân, nên việc chẩn đoán loãng xương cho người Việt phải dựa vào tham chiếu của người Việt. Trong thực tế, những máy này sử dụng giá trị tham chiếu của người nước ngoài để xác định loãng xương cho người Việt! Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy nếu sử dụng giá trị tham chiếu từ nước ngoài, có thể có nhiều người Việt Nam được chẩn đoán là loãng xương nhưng trong thực tế họ không bị loãng xương.  Chúng tôi đang phát triển giá trị tham chiếu cho người Việt.

Cần nói thêm rằng, chẩn đoán loãng xương chỉ dựa vào MĐX hay chỉ số T đo ở cổ xương đùi, chứ không dựa vào xương cột sống.  Giá trị MĐX ở cột sống có thể bổ sung cho việc chẩn đoán loãng xương. Ngoài ra, các phương tiện siêu âm tuy cũng có thể đo MĐX, nhưng những kết quả này không có giá trị chẩn đoán.

Ai cần được xét nghiệm mật độ xương?

Bất cứ ai trên tuổi vị thành niên cũng có thể xét nghiệm MĐX, nhưng không có nghĩa là ai cũng cần xét nghiệm MĐX.

Vì chi phí xét nghiệm khá cao, nên chỉ có những người có nhu cầu và chỉ định mới cần đến xét nghiệm MĐX. 

Theo nhiều nghiên cứu ở các nước phát triển, những đối tượng trên 50 tuổi và có một trong những yếu tố nguy cơ sau đây có thể cần xét nghiệm MĐX:

Giảm chiều cao (so với độ tuổi 20-30); Cân nặng dưới 40 kg, hay giảm trọng lượng quá nhanh trong thời gian gần đây; Cơ bắp bị yếu và hay bị té ngã; Thiếu estrogen (kích thích tố nữ, giảm sau khi mãn kinh) hay thiếu androgen (nam trên 50 tuổi); Sử dụng bia rượu thái quá; Có tiền sử gãy xương (bản thân hoặc gia đình); tịền sử sử dụng corticoid kéo dài (thuốc giảm đau); Suy yếu thị lực.

Tuy nhiên, như là một quy luật tất yếu của cuộc sống, tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu, mật độ xương cũng từ đó mà suy giảm. Vì vậy, tất cả những ai trên 65 tuổi thì nên được xét nghiệm MĐX định kỳ hằng năm để có thể phát hiện bệnh sớm và có phương án điều trị thích hợp nhằm phòng tránh biến chứng gãy xương.

BS Hồ Phạm Thục Lan
Trưởng khoa Cơ Xương Khớp BV Nhân dân 115

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.