Giữa tuổi tác và bệnh tật có mối quan hệ mật thiết với nhau. Càng lớn tuổi, chức năng của tất cả các cơ quan trong cơ thể càng bị lão hóa và suy giảm nghiêm trọng.
Khi các cơ quan cùng “xuống cấp”
Hệ miễn dịch bị lão hóa khá sớm, làm cho người lớn cao tuổi rất dễ bị nhiễm bệnh, bệnh thường kéo dài và hay tái phát. Nhiều bệnh cùng xảy ra đồng thời, bệnh tự miễn và ung thư cũng dễ dàng xuất hiện làm ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống. Tất cả đều do sức đề kháng của cơ thể suy giảm nghiêm trọng.
Một cơ quan nữa cũng ảnh hưởng đến chất lượng sống là hệ thần kinh trung ương, thường lão hóa theo tuổi do hiện tượng thoái hóa các tế bào thần kinh, gây nên tình trạng giảm trí nhớ, khả năng nhận thức, tư duy, dần dần sẽ đưa đến sa sút trí tuệ, bệnh alzheimer…
Hệ vận động và hệ hô hấp cũng trở nên "rệu rã", sức cơ và sức thở yếu đi, khung xương và 2 buồng phổi bị suy thoái nên rất dễ mắc bệnh thoái hóa khớp, loãng xương, gây đau nhức, hạn chế vận động; bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn, đặc biệt trong tình hình ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Quả tim của con người, không ngoại lệ, thường hay “làm mình làm mẩy”. Khi tuổi cao, hệ tuần hoàn bị suy thoái theo tuổi tác, làm cho lực co bóp cơ tim yếu đi, mạch máu bị xơ vữa nên lưu lượng máu đến các cơ quan bị suy giảm đáng kể và gây nên các bệnh huyết áp cao, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, viêm tắc mạch máu…
Các bệnh như tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ lăm le đe dọa tấn công. Hệ tiêu hóa là “cửa ngõ của sự sống” cũng bị suy thoái trầm trọng. Bao tử teo đi, sự tiết các men tiêu hóa của dạ dày và ruột giảm sút vì vậy sự tiêu hóa thức ăn trở nên chậm chạp, ù lì và khó khăn, dễ sinh ra các bệnh viêm dạ dày tá tràng, viêm đại tràng… Hệ tiết niệu, sinh dục không nằm ngoài quy luật trên. Việc suy giảm của chúng sẽ gây nên nhiều rắc rối: tiểu són, bí tiểu, tiêu tiểu không tự chủ, viêm nhiễm phần phụ - cổ tử cung (ở nữ giới), phì đại tuyến tiền liệt (ở nam)…
Chỉ mới “điểm mặt” những cơ quan trọng yếu trong cơ thể mà đã thế. “Nắng không ưa, mưa không chịu” là vấn đề nổi bật của người cao tuổi. Họ rất nhạy cảm với thời tiết, nắng một chút thì đau đầu; gió một chút thì chóng mặt xây xẩm, huyết áp tăng; mưa một chút thì cảm lạnh, ho hen, sổ mũi. Vì vậy trong lúc tiết trời đang nóng bức như hiện nay, các bậc phụ lão phải được quan tâm chăm sóc thật đặc biệt.
Để vui khỏe lúc tuổi già
Có nuối tiếc thì tuổi xuân cũng qua rồi, bạn cần có một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý để có thể sống vui với tuổi già:
- Chế độ ăn uống ở người lớn tuổi nên ăn vừa đủ, tránh ăn quá nhiều dễ sinh bệnh cũng như tránh ăn quá ít, quá kiêng khem dễ gây suy kiệt thêm đối với một cơ thể vốn dĩ đã suy kiệt theo tuổi tác.
- Tăng cường rèn luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày ít nhất 30 phút với các bài tập rèn luyện sức bền (đi bộ, đạp xe đạp, chạy tại chỗ, chạy bước nhỏ...) nhẹ nhàng với cường độ vừa phải.
- Xây dựng lối sống tĩnh tại, tránh stress, vứt bỏ mọi ưu phiền, tinh thần thoải mái.
- Uống đủ nước: Mỗi ngày uống 1-1,5 lít nước lọc. Uống đủ nước giúp cho quá trình tiêu hóa, đào thải các chất độc của cơ thể tốt hơn và là một phương cách chống táo bón (vốn rất hay gặp ở người cao tuổi) hữu hiệu.
- Uống sữa có tăng cường canxi để phòng ngừa bệnh loãng xương, từ 1-2 cốc/ngày.
- Hãy "lắng nghe" cơ thể mình, khám bệnh định kỳ và đừng ngại đến thăm bác sĩ khi trái gió trở trời để được tư vấn cách sống khỏe.
ThS.BS Đào Thị Lệ Uyển
(BV Triều An)
Bình luận (0)