Các lãnh đạo UDD đưa ra đề nghị đàm phán nhưng yêu cầu quân đội phải rút đi trước khi các cuộc gặp mặt bắt đầu. Phó thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban tuyên bố yêu cầu này rất vô lý bởi quân đội không bắn vào người dân mà chỉ thực thi mệnh lệnh của chính quyền và ngăn không cho thêm người biểu tình đổ về Ratchaprasong.
Một số thượng nghị sĩ đã đồng ý đứng ra làm trung gian hòa giải theo đề xuất của UDD nhưng Thủ tướng Abhisit Vejjajiva bác bỏ điều này và nói đàm phán chỉ diễn ra khi phe áo đỏ ngừng gây bạo loạn và giải tán biểu tình. Chánh văn phòng Thủ tướng Sathit Wongnongtoey giải thích cho việc từ chối đàm phán là vì chính phủ đã từng nhân nhượng và đưa ra lộ trình hòa giải nhưng UDD không chấp nhận. Hành động đó của UDD - theo ông Sathit - là do bàn tay chỉ đạo từ nước ngoài, có lẽ ý ám chỉ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Trong khi đó, Trung tâm Giải quyết tình trạng khẩn cấp (CRES) hôm qua cáo buộc lãnh đạo UDD Natthawut Saikua là một thủ lĩnh khủng bố. CRES cho rằng ông Natthawut không thể không biết về tình trạng người biểu tình tấn công quân đội và gây bạo loạn. Theo CRES, ông Natthawut hoàn toàn có thể ra lệnh cho người chống đối ở vòng ngoài ngừng gây bạo loạn. Một bảo vệ áo đỏ đã bị bắt vì nghi có liên quan đến các vụ bạo động gần đây, cảnh sát Bangkok cho hay. Các vụ bạo lực này bị chính quyền xếp vào loại khủng bố. Viên bảo vệ này là cánh tay đắc lực của lãnh đạo áo đỏ Khattiya Sawasdipol vừa qua đời hôm 17.5 vì bị bắn trước đó.
Các vụ đụng độ đã giảm đi nhiều ở Bangkok. Thương vong hầu như không có. Theo quan sát của phóng viên Thanh Niên tại khu vực Bon Kai, quân đội hầu như không nổ súng, trong khi người biểu tình phía bên kia vẫn gây hấn, bắn pháo hoa và các loại bom tự tạo về phía binh lính. Lực lượng an ninh hôm qua cũng đã bắt một thiếu niên 12 tuổi vì có ý đồ phóng hỏa một số tòa nhà quanh giao lộ Din Daeng. Tính đến hôm qua, đã có 37 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương vì bạo lực.
Chính phủ Thái tiếp tục ban bố thêm 3 ngày nghỉ ở Bangkok, từ 19 - 21.5, để hạn chế việc người dân ra đường. Trong bối cảnh giằng co hiện nay, căng thẳng ở Bangkok có thể tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, người biểu tình khó trụ lại Ratchaprasong lâu vì lương thực và nước uống đang dần cạn kiệt do bị quân đội cô lập vòng ngoài.
Việt Phương
(VP Bangkok)
Bình luận