m nhạc thính phòng vẫn còn khá mới mẻ đối với công chúng Việt Nam. Với nhiều người, dòng nhạc được mệnh danh là “hàn lâm”, “quý tộc” này rất khó nghe, thậm chí không “cảm” được…
Từ nhạc nghe trong phòng nhỏ
Theo Wikipedia, thuật ngữ "âm nhạc thính phòng" được hình thành từ thời Trung cổ, nhưng mãi đến cuối thời đại Phục hưng mới rõ ý nghĩa như ngày nay. Xuất phát từ ngôn ngữ Latinh, nhạc thính phòng là nhạc để biểu diễn trong phạm vi không gian nhỏ - phòng hòa nhạc. Trước kia, các buổi hòa nhạc này chỉ xuất hiện trong phạm vi gia đình. Có thể nói, nơi đây đã phôi thai thành phần các nhạc công của loại hình nghệ thuật này: độc tấu hay vài ba nhạc công đủ để biểu diễn trong phạm vi nhỏ và liên kết với nhau thành nhóm nhạc thính phòng.
Giữa thế kỷ 16, nhạc nhà thờ và nhạc thính phòng được phân biệt một cách rõ ràng. Một trong những tác phẩm đầu tiên tiêu biểu nhất thời đó phải kể đến “L'antica musica ridotta alla moderna” của Nicolo Vitrentino (1555). Cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, âm nhạc thính phòng bắt đầu phát triển mạnh ở các loại hình âm nhạc dành cho nhạc cụ khí nhạc. Trong khoảng giai đoạn đầu tiên này, nhạc cho giọng hát và khí nhạc hầu như không phân biệt về phong các nghệ thuật. Cho đến giữa thế kỷ 18, sự phân biệt giữa chúng mới được thể hiện rõ nét. Nhà nghiên cứu nổi tiếng Kvanz từng nhận định rằng: “m nhạc thính phòng đòi hỏi sự sống động và tự do trong ý tưởng hơn âm nhạc nhà thờ...”. Thời kỳ này, tổ khúc sonate có nguồn gốc từ tổ khúc vũ điệu là thể loại cao nhất của âm nhạc thính phòng dành cho khí nhạc. Nửa sau thế kỷ 18, các thể loại âm nhạc thính phòng cổ điển gồm có độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu... hình thành gắn với các tên tuổi lớn như: Mozart, Beethoven… Các nhà chuyên môn cho rằng âm nhạc thính phòng có thể diễn tả cảm xúc, hình tượng nghệ thuật một cách phong phú. Vì vậy, loại hình này đã thu hút nhiều nhạc sĩ thiên tài từ cổ điển cho đến hiện đại. Ngoài các nhạc sĩ đã kể trên, thế kỷ 19 có Bramhs, Dvozak, Smetana, Grieg, Frank, Borodin, Rachmaninov; và Debussy, Ravel, Reger, Bartok, Prokofive, Soxtakovich… của thế kỷ 20.
Mặc dù dòng nhạc hàn lâm du nhập vào Việt Nam chưa phải là dài, nhưng các nhạc sĩ của nước ta như: Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát… cũng đã sáng tác nhiều bản nhạc thính phòng ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Đến những câu chuyện bi hài
Ở Việt Nam, khá nhiều người tâm sự rằng bản thân họ không “cảm” được nhạc thính phòng. Đã thế thì làm sao "mê" cho được? Trên thực tế, kiến thức về loại hình âm nhạc này rất hạn chế đối với đại đa số công chúng. Chính vì thế, nhiều câu chuyện bi hài đã và đang xảy ra.
Bạn Vy Thảo (du học sinh Úc) đã kể lại một câu chuyện… nhớ đời ngay trong lần đầu tiên dự một buổi nhạc thính phòng ở Nhạc viện Sydney. Trong khi ban tứ tấu đang diễn tác phẩm nổi tiếng của Alban Berg, Vy Thảo thấy một đứa trẻ người bản địa ngồi cùng hàng ghế với cô đang len lén lột vỏ kẹo. Thế nhưng, miếng giấy kẹo vẫn phát ra tiếng kêu, dù rất nhỏ. Mẹ cậu liền đưa một ngón tay lên môi, ra hiệu giữ im lặng. Cậu dừng lại. Cậu bé hiểu được ý mẹ, nhưng viên kẹo có sức hấp dẫn hơn. Giữa không gian lặng phắc vì phải tập trung cao độ của mọi người, âm thanh từ hành động lột vỏ kẹo lại phát ra, nghe rõ mồn một. Vài người ở hàng ghế trên tỏ thái độ khó chịu. Thấy thế, người mẹ lại đưa ngón tay lên miệng ra hiệu cho cậu con trai ngừng ngay hành động đó. Cuối cùng khi không nhịn được nữa, cậu bé lột nhanh vỏ và cho ngay viên kẹo vào miệng. Ngay giây phút đó, hàng loạt con mắt hướng về phía hai mẹ con cậu bé. “Cái liếc im lặng xảy ra trong một phần tư giây đồng hồ và tất cả nhanh chóng tập trung về sân khấu. Thế nhưng, tôi bắt gặp sự xấu hổ rõ rệt hiện ra trên nét mặt của mẹ cậu bé. Bà xấu hổ vì cái thông điệp thầm lặng kiểu như: "Này bà kia, không biết dạy con thì đừng vào đây...” - Vy Thảo cho biết.
Tương tự, người viết từng chứng kiến tình cảnh ấy ngay tại Việt Nam. Trong một chương trình nhạc thính phòng được tổ chức tại Nhạc viện TP.HCM, khán giả Tây và… ta ngồi chật kín các dãy ghế trong khán phòng. Tất cả khán giả ngoại quốc đều ngồi rất nghiêm túc và dõi mắt nhìn say sưa lên sân khấu. Cuối mỗi tiết mục, họ đồng loạt đứng dậy vỗ tay tán thưởng, không hề gào thét hay huýt sáo. Trong khi đó, một số dãy ghế, chủ yếu các bạn trẻ vô tư nói chuyện và ăn quà vặt. Những lúc khi nghe ồn ào, khán giả nước ngoài đã quay lại nhìn với ánh mắt nghiêm nghị. Thế nhưng sự việc vẫn tiếp diễn, đến nỗi một người trong số họ ngồi gần đó phải lên tiếng: “Please, keep silent!” (Hãy giữ im lặng!). Đó là tình huống bất ngờ. Ngay cả cách thức giữ im lặng khi nghe nhạc còn thiếu trang bị huống hồ để hiểu và cảm "tới nơi" âm nhạc thính phòng. Trên thực tế, chắc nhiều người đã từng lâm vào tình cảnh bi hài như vậy.
Cách mạng ngược & thính phòng cà phê Nhạc sĩ Dương Thụ là người thao thức trong cách nhìn, cách nghĩ làm sao mở rộng giới biên thưởng thức cho khán giả Việt. Hình tượng từ cách đặt vấn đề của ông, theo tôi là "kéo rộng quãng". Quãng càng rộng thì càng có nhiều cơ hội cho công chúng. Làm sao tập và học được thói quen thưởng thức những tác phẩm tinh hoa thế giới. Giao hưởng hay thính phòng đều đòi hỏi trình độ văn hóa thưởng thức cao. Khi CD nhạc Chat với Mozart ra đời đã gây nhiều hiệu ứng ngược chiều nhưng không thể phủ nhận ông đã mạnh dạn "mở rộng quãng" cho khán giả làm quen với những tên tuổi quan trọng nhất trong vòm trời âm nhạc cổ điển. Theo tôi, cuộc "cách tân cổ điển" của Dương Thụ nếu xét về bản chất, chỉ thực thụ là cuộc "cách mạng ngược" nhưng lại quá mới, quá cần thiết cho việc nâng cao sự thẩm định văn hóa đại chúng.
Cũng từ ý nghĩ như thế, Dương Thụ đã kết hợp với Trung Nguyên để ra mắt hội quán "Cà Phê Thứ Bảy" (37 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM). Đặc biệt của cà phê này ngoài những tọa đàm có tính chất tranh luận các vấn đề tri thức, văn hóa nghệ thuật, diễn đàn... thì mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật đều có hòa nhạc "thính phòng" cấp cao. Dương Thụ nói với tôi, ít ra khán giả phải được chuẩn bị là mình đang đến đâu, nghe gì, xem gì? Tư thế tối ưu trước nhu cầu thưởng thức. Những "thính phòng cà phê", tạm quy ước ngầm một cách hiểu như thế, thật cần thiết. Bởi lẽ khán giả Việt cũng chưa có tâm lý lựa chọn cũng như thật nhiều cơ hội lựa chọn trước dòng nhạc cao cấp này . Có lẽ trước khi tiếp cận trực tiếp "hoành tráng" các tác phẩm Nicolo Vitrentino, Mozart, Beethoven hay Bramhs, Dvozak... cần có quyền lựa chọn và thể nghiệm ở mô hình nhỏ "thính phòng cà phê" trước đã! Nguyễn Hữu Hồng Minh |
Ý kiến... (Nhân đọc chuyên đề "Còn ai nghe nhạc thính phòng") * Để nghe và “cảm” được âm nhạc thính phòng cần phải hiểu biết cơ bản về loại hình âm nhạc này. m nhạc thính phòng được xem là nhạc hàn lâm, bác học. Thú thật, bản thân tôi cũng rất mơ hồ về nhạc thính phòng. Thỉnh thoảng, tôi cũng có nghe nhưng thực sự không hiểu, không cảm được... _Trần Thùy Linh (sinh viên trường ĐH Mở TP.HCM) * Tôi thấy nhạc thính phòng rất khó “cảm”. Tôi nghĩ chẳng phải riêng tôi mà người trẻ nói riêng, công dân Việt Nam nói chung cũng có chung tình trạng như vậy. Nên chăng cần đưa kiến thức âm nhạc thính phòng vào trong trường học. Có như thế, âm nhạc thính phòng sẽ không còn là điều bí ẩn đối với người Việt Nam. _Đoàn Minh Toàn (Q.10, TP.HCM) * Thú thật tôi chưa từng đi nghe một buổi hòa nhạc thính phòng nào. Tôi đã được nghe nói nhiều đến thể loại âm nhạc này qua báo chí, truyền hình, internet. Mọi người nói đây là đỉnh cao của âm nhạc, là dòng nhạc bác học, trừu tượng. Tôi đã thử nghe một số bản nhạc và thấy khó hiểu, cũng có vài bản nhạc nghe giai điệu thật hay, thật du dương nhưng để dòng nhạc này trở thành món ăn tinh thần quen thuộc với tôi thì khó xảy ra. Nhạc có lời dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Tuy nhiên, nếu quả thật dòng nhạc thính phòng hay đến vậy thì tôi hy vọng những chuyên gia dòng nhạc này hãy có một giải pháp nào đó để nó đến gần hơn với đông đảo quần chúng nhân dân. Tôi mong những thế hệ sau sẽ có điều kiện được cảm thụ dòng nhạc này..._Tuấn Anh (Q.3, TP.HCM) |
Đường Lam
Bình luận (0)