Sân khấu kịch phận ở thuê

19/05/2010 05:51 GMT+7

Gầy dựng một điểm diễn mới không dễ nhưng sau thời gian khán giả biết đến điểm diễn của mình thì họ bị cắt hợp đồng, phải ra đi.

Thêm một sân khấu xã hội hóa vừa trả lại mặt bằng cho cơ quan chủ quản, đó là sân khấu Nụ cười mới. Sau 5 năm xây dựng thương hiệu và trụ được trên nền khán phòng gần như bỏ hoang của rạp Măng Non trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 - TPHCM sân khấu Nụ cười mới lại phải khăn gói ra đi, tìm một nơi trọ mới để làm lại từ đầu.

Kiếm được mặt bằng không dễ

Mang tâm trạng dọn về nơi ở mới, ban giám đốc Công ty Nụ cười mới, trong đó có Hữu Lộc vừa qua đời, rất hồi hộp. Bởi, rạp Vườn Lài, nơi họ đến, lâu nay là rạp chiếu phim, mang tiếng tụ điểm tệ nạn xã hội: móc túi, trấn lột của những băng nhóm đồng tính.

Nghệ sĩ Hoài Linh cho biết: “Dẫu vậy, chúng tôi vẫn phải dọn về vì không tìm được chỗ nào hơn. Các hội trường của các trung tâm văn hóa không đủ điều kiện để xây dựng thành một sân khấu. Sắm trang thiết bị mới không thôi thì đã quá sức của chúng tôi”.

Đến tháng 9, Nụ cười mới mới có thể khai trương tại rạp Vườn Lài. Như vậy gần 4 tháng, đội ngũ anh em nghệ sĩ phải chạy tứ tán để kiếm công ăn việc làm.

“Nỗi khổ của người đi ở nhà thuê là vậy, gầy dựng một điểm diễn mới không dễ nhưng sau thời gian tạo cho khán giả thói quen đến điểm diễn của mình thì lại bị cắt hợp đồng, phải ra đi” - nghệ sĩ Hoài Linh cay đắng nói.

Trước đó, ông bầu Phước Sang cũng rất khó khăn khi phải chia tay với rạp Vinh Quang, trên đường Pasteur, quận 1 để dời Kịch Sài Gòn về rạp Đại Đồng, trên đường Cao Thắng, quận 3.

Bao giờ mới có Trung tâm Kịch nói TPHCM?

TPHCM đã có kế hoạch xây dựng Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM (5B Võ Văn Tần, quận 1 - TPHCM). Thế nhưng tòa nhà 10 tầng với 4 khán phòng này đến nay vẫn còn nằm trên giấy.

Nhiều lần hội họp, triển khai dự án xây dựng, trình UBND TPHCM bản vẽ, kêu gọi vốn đầu tư... nhưng kế hoạch này vẫn chưa thể gọi là khả thi và chưa là tín hiệu vui đối với các đơn vị kịch xã hội hóa.

Đạo diễn Hoa Hạ cho rằng: “Tập trung lại rất dễ nhưng khó cho sự phát triển mang phong cách riêng của mỗi đơn vị. Với diện tích của 5B, mặt bằng của bãi giữ xe phải được thiết kế như thế nào nếu một lúc 4 sân khấu cùng diễn trong những ngày cuối tuần?

Hơn nữa, khi đi vào xây dựng, các đơn vị xã hội hóa có được tham gia đề xuất trong việc thiết kế khán phòng và sân khấu theo tiêu chí, phong cách của mỗi đơn vị hay chỉ xây giống nhau rồi cho thuê như các hội trường hiện nay thì Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật cũng chỉ là những “hội trường nhà văn hóa” cho thuê, chứ chưa thật sự là những sân khấu phục vụ cho mục đích sáng tạo theo từng tiêu chí nghệ thuật”.

Hơn 10 năm hoạt động, sân khấu Kịch Sài Gòn đã ăn nên làm ra với hơn 30 kịch mục và 10 chương trình hài kịch. Khán giả đã quá quen thuộc với những vở diễn và phong cách dàn dựng mang nét đặc trưng của điểm diễn này.

Từ khi dọn về rạp Đại Đồng, Kịch Sài Gòn liên tiếp sụt giảm doanh thu, vì điểm diễn này bỏ trống nhiều năm liền nên việc lôi kéo được khán giả đến đây không phải dễ.

Qua gần một năm cầm cự, Phước Sang quyết định đưa Kịch Sài Gòn về rạp Nam Quang (rạp này cũng trực thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa quận 3) nhưng vẫn chưa biết đến ngày nào Kịch Sài Gòn lại phải dọn đi vì sắp hết hợp đồng sử dụng mặt bằng này.

Ông bầu Phước Sang bức xúc: “Chúng tôi rất ngại việc đầu tư cơ sở hạ tầng vì sử dụng chưa bao lâu thì lại phải chuẩn bị tìm điểm diễn mới. Không thể an cư trong tâm trạng hồi hộp như vậy”.

Nơm nớp lo mất điểm diễn

Điểm lại các sân khấu kịch tại TPHCM, hầu hết là đang ở nhà thuê, như: sàn diễn IDECAF (Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp), sàn diễn số 7 Trần Cao Vân (Nhà Thiếu nhi quận 1), sàn diễn Kịch Phú Nhuận (Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận), sàn diễn rạp Kim Châu (Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen), sàn diễn Kịch Hoàng Thái Thanh (Nhà Thiếu nhi TP), sàn diễn sân khấu 135 Hai Bà Trưng (Nhà Văn hóa Thanh niên), sàn diễn sân khấu Superbowl (hệ thống siêu thị Superbowl – sân bay Tân Sơn Nhất)... Tất cả họ đều trong tâm trạng hồi hộp, chưa biết ngày nào phải khăn gói ra đi.

NSƯT Hồng Vân (Giám đốc Kịch Phú Nhuận) nói: “ Hiện nay chúng tôi vẫn phải vừa làm vừa trông chờ vào sự quan tâm của các địa phương, các cơ quan chủ quản. Điều chúng tôi lo lắng nhất là bị lấy lại mặt bằng, thay đổi điểm diễn, ảnh hưởng đến cuộc sống và làm nghề của nghệ sĩ”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc kịch IDECAF) cho biết: “Tâm trạng ở thuê khiến chúng tôi không dám đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng cũng như các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng. Khán phòng quá nhỏ hẹp, việc di chuyển cảnh trí hoặc đầu tư những cảnh trí thuộc dạng hoành tráng là quá khó. Do đó, việc ổn định mặt bằng hoạt động rất cần thiết đối với các sân khấu xã hội hóa.

Trong khi các đơn vị kịch quốc doanh có hẳn rạp để biểu diễn nhưng sức khai thác quá ít, còn chúng tôi thì khó tìm được những điểm diễn lâu dài nên nghĩ về tầm chiến lược phát triển của thương hiệu trong 10 đến 20 năm nữa, chúng tôi chẳng biết sẽ đi về đâu?”.

Phận ở thuê còn nhiều cái khổ khác, khi mỗi tháng các cơ quan chủ quản của những sân khấu này trưng dụng khán phòng để sinh hoạt định kỳ làm cho lịch biểu diễn cứ gián đoạn. Chưa kể đến những yêu cầu đột xuất phải nhường khán phòng sau khi vé các suất diễn đã bán khiến các sân khấu phải thất tín với khán giả và phiền người xem cất công đến rạp rồi lại ra về.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.