Góp ý cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

20/05/2010 23:51 GMT+7

Theo báo cáo của Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM, khi thực hiện dự án (thời gian dự kiến từ 2012 - 2035), tổng diện tích đất thu hồi sẽ khoảng 4.170 ha và có tới 9.480 hộ cần tái định cư (chưa kể 7.049 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất sản xuất). Trong số gần 56 tỉ USD vốn đầu tư cho dự án thì chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lên tới 1,791 tỉ USD.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Đặng Vũ Minh nhận xét: Báo cáo của Chính phủ tuy đã có dự trù việc đền bù cho những hộ gia đình trên nhưng phương án di dân còn rất sơ bộ, cần tiếp tục xây dựng phương án thật cụ thể, tính toán đến tính phức tạp của công tác này, đặc biệt là đối với những địa phương như TP.HCM, TP Đà Nẵng - hiện đã không còn quỹ đất dự trữ để quy hoạch đô thị. Ngoài ra, theo báo cáo đầu tư thì tổng chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 30.437 tỉ đồng. Ủy ban KH-CN-MT cho rằng, số chi phí thực tế sẽ phải lớn hơn nhiều bởi còn chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân mà dự án chưa tính đến.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Đường bộ, đường biển, kể cả đường hàng không cũng tính hết rồi, không tải nổi nhu cầu đi lại, việc xây đường sắt cao tốc là cần thiết. Ở Nhật Bản, tôi đi từ Tokyo xuống Osaka bằng tàu cao tốc, nhanh như máy bay, mà không có tai nạn gì. Cần nhớ là họ làm từ năm 1964, mà đến năm 1990 cũng mới trả xong nợ cho Ngân hàng Thế giới. Cũng giống như mình vay ODA bây giờ rồi trả nợ trong 40 năm. Tôi đã yêu cầu tư vấn Nhật, Pháp, Đức, họ đều nói VN làm đường sắt cao tốc là phù hợp, nếu không thì chậm mất”.

Lưu Quang Phổ (ghi)

Theo nhận xét của Ủy ban KH-CN-MT, với tổng mức đầu tư của dự án riêng cho giai đoạn đầu là 21 tỉ USD, mỗi năm bình quân cần tới 2,63 tỉ USD, phụ thuộc chủ yếu (khoảng 2/3) vào vốn vay nước ngoài gồm ODA và vốn vay ít ưu đãi hơn (OCR). "Trong bối cảnh nợ nước ngoài của VN vào khoảng 38,9% GDP, nợ Chính phủ đã ở mức trên 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể. Ủy ban KH-CN-MT rất lo ngại về khả năng huy động nguồn vốn lớn như vậy”, ông Đặng Vũ Minh nhấn mạnh.

Đánh giá hiệu quả của dự án, Ủy ban KH-CN-MT cho rằng dự án đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn nên hiệu quả tài chính của dự án không cao, ở phương án cơ sở, khi áp dụng chính sách giá vé 3 (bằng 75% giá vé máy bay) thì chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) cũng chỉ đạt 2,4 - 3%, thời gian hoàn vốn nhanh nhất là 45 năm, trong khi thông thường hiện nay thời gian hoàn vốn khoảng 10 năm thì dự án mới coi là hiệu quả.

Đặc biệt, ủy ban này cảnh báo: "Cùng với việc phát triển mạng lưới giao thông ở các tuyến đường bộ, đường sắt và đường hàng không thì trong thời gian tới, đường sắt cao tốc không phải là sự lựa chọn của tất cả 57 triệu hành khách như tính toán của Chính phủ. Nếu giá vé tàu cao tốc bằng 75% giá vé máy bay thì rất nhiều người không có khả năng sử dụng phương tiện này. Những hành khách có khả năng sử dụng phương tiện này thì có thể sẽ lựa chọn phương tiện đường bộ hoặc đường hàng không, nhất là khi hàng không giá rẻ phổ biến thì mức độ cạnh tranh với đường sắt cao tốc là rất lớn".

Tuy đặt ra hàng loạt lo ngại trên và yêu cầu Chính phủ tính toán, làm rõ hiệu quả dự án, song nhìn ở tầm chiến lược, Ủy ban KH-CN-MT tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM song song với việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đường sắt hiện có và đề nghị QH xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án, tập trung vào hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận kỹ Báo cáo đầu tư và Báo cáo giải trình các vấn đề nêu trên.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.