Hôm nay, khai mạc kỳ họp thứ 7, QH khóa 12: Cử tri muốn làm rõ việc cho nước ngoài thuê đất rừng

20/05/2010 00:39 GMT+7

Trong 6 nhóm vấn đề kiến nghị tới kỳ họp thứ 7, QH khóa XII, cử tri đặc biệt quan tâm đến các giải pháp kiềm chế lạm phát, chấn chỉnh tình trạng xuống cấp đạo đức học đường, lãng phí tiền của Nhà nước vì tổ chức quá nhiều lễ hội và đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể cho nước ngoài thuê đất rừng dài hạn.

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (dự kiến được trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, sáng nay 20.5), cử tri bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, coi thường tính mạng người khác và chính bản thân mình của một bộ phận giới trẻ; tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, sử dụng thuốc lắc, ma túy, xem và lưu giữ phim ảnh đồi trụy, hành xử theo kiểu giang hồ, xã hội đen... có xu hướng gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn. Cộng vào đó là tình trạng bạo lực gia đình, nạn bạo hành đối với trẻ em, bạo lực học đường cùng với thái độ thờ ơ của nhiều người... đang là nỗi lo của xã hội.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức cho thuê đất rừng

Đặc biệt, theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đông đảo cử tri và nhân dân cả nước phản ánh một số tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum... cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn, trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng... để trồng cây công nghiệp, làm sân gôn, sòng bạc trong khi người dân ở những nơi đó còn thiếu đất sản xuất và công ăn việc làm. “Cử tri hoan nghênh Chính phủ đã ra quyết định đình chỉ việc này ở các địa phương nói trên, nhưng tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có vi phạm, sớm có giải pháp khắc phục hậu quả và kiến nghị QH tăng cường giám sát vấn đề này”, báo cáo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cử tri cũng cho rằng công tác quản lý nhà nước, thanh kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản còn bị buông lỏng, không thường xuyên, dẫn đến việc vi phạm pháp luật, tiêu cực trong quản lý, khai thác khoáng sản còn diễn ra nhiều nơi; tình trạng phá rừng, cháy rừng nghiêm trọng còn diễn ra ở một số địa phương; việc xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của nhiều doanh nghiệp đã gây bất bình và bức xúc trong dư luận xã hội. Trước tình trạng này, đông đảo cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, về khai thác tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ rừng.

Cử tri cũng bày tỏ bức xúc trước tình trạng đào bới lòng đường, vỉa hè thường xuyên, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nhất là Hà Nội, TP.HCM, ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh và đời sống của dân, lãng phí tiền của Nhà nước; việc tổ chức các lễ hội, việc trao tặng các danh hiệu, các loại cúp cho doanh nghiệp diễn ra ở nhiều nơi thời gian qua, không được quản lý chặt chẽ, gây lãng phí tiền của, thời gian sức lực của Nhà nước và nhân dân và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.

Hôm qua, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc liệu kỳ họp này có đặt vấn đề xem xét quy rõ trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ nếu trả lời chất vấn không thỏa đáng vấn đề ĐBQH bức xúc đặt ra; hoặc không giải quyết, giải quyết chậm trễ những vấn đề cử tri quan tâm gửi tới kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng QH, ông Trần Đình Đàn cho rằng, trong luật đã có quy định về việc xem xét trách nhiệm cá nhân trong vấn đề này nhưng trên thực tế thì lần này sẽ phải tùy thuộc vào nội dung trả lời của các bộ trưởng, thành viên Chính phủ và yêu cầu, thái độ của ĐBQH để quyết định xem xét trách nhiệm chính trị của người trả lời.

Nguyệt Minh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.