Cần kiểm toán độc lập đánh giá lại chi phí giá xăng

23/05/2010 00:34 GMT+7

Đó là kiến nghị của TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM khi trả lời Thanh Niên hôm qua. >> Mập mờ giá xăng \ Tại sao chưa giảm giá xăng?

Về giải pháp kiểm chứng việc doanh nghiệp (DN) xăng dầu kêu lỗ, không chịu hạ giá xăng khi giá dầu thô giảm hơn 20% trong 3 tuần qua, trong khi đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính khẳng định đã hòa vốn, TS Trần Du Lịch nói:

- Vấn đề điều hành giá xăng dầu cần xem xét lại, khi biến động thị trường thế giới thì DN ào ào thuyết phục làm sao tăng cho được nhưng khi giá giảm xuống thì ông nào cũng im re. Vì vậy việc điều hành cần tính tới vai trò tổ chức một quỹ bình ổn giá của quốc gia để bảo vệ thị trường. Tôi cho rằng trong vấn đề điều hành hiện nay, riêng thị trường xăng dầu cần tập trung đổi mới cải tổ về cách điều hành, trong đó phải nâng cao và phát huy đúng vai trò của quỹ bình ổn giá xăng dầu mà Nhà nước điều hành chứ không phải DN.

Hiện nay, chúng ta đang tính tới việc đánh thuế môi trường, rồi thu phí giao thông qua giá xăng. Tôi cho rằng để một lít xăng phải gánh quá nhiều loại thuế và phí là một vấn đề cần tránh tối đa. Chúng ta nghĩ rằng thu cái gì qua xăng dầu cũng dễ nhất, sướng nhất vì lượng tiêu thụ rất lớn. Không nên nghĩ như vậy. Vì thực tế, giá xăng dầu vừa liên quan đến chi phí sản xuất, vừa là chi tiêu của người dân. Đất nước chúng ta phương tiện đi lại chủ yếu của người dân là xe hai bánh. Trong chi tiêu của họ có xăng, chi phí vận tải. Khi tăng giá xăng như vậy thì chi phí vận tải tăng, và tăng dây chuyền chứ không tăng bình thường.

TS Trần Du Lịch

* Trong câu chuyện giá xăng dầu, người ta còn nói nhiều về trách nhiệm của DN. Giá thế giới lên thì họ yêu cầu tăng giá rất nhanh, nhưng giá giảm thì lại chần chừ?

- Thật sự thì chính chỗ này, khi lập quỹ bình ổn trong quan hệ của các thành viên tham gia cần quy định luôn trách nhiệm của các thành viên tham gia và Nhà nước chỉ đạo. Chúng ta hiện nay gọi là các DN xăng dầu nhưng thật ra chỉ một vài DN nắm thị phần lớn chi phối (riêng Petrolimex chiếm tới 70% thị phần - PV). Cái đó người ta gọi là độc quyền tự nhiên. Thành ra cần có vai trò của Nhà nước can thiệp mạnh qua quỹ bình ổn. Gián tiếp thông qua quỹ bình ổn này để tác động vào DN lớn chứ không để họ tự làm như hiện nay.

Cần hướng tới việc buộc các DN phải tham gia vào thị trường quốc tế để chia sẻ rủi ro, chứ không thể nào anh chỉ mua bán như thế này. Về nguyên tắc kinh tế thị trường, ví dụ: anh tham gia thị trường tương lai, tham gia đấu giá trên thị trường quốc tế để chia sẻ rủi ro biến động giá cho thị trường thay vì anh kéo rủi ro về cho chính người tiêu dùng. Cần nâng cao vai trò của DN tham gia thị trường quốc tế, chứ như hiện nay DN cứ mang  rủi ro về hết cho người tiêu dùng của mình. Đây là vấn đề không ổn.

* Vừa qua, dù giá dầu thô xuống dưới 70 USD/thùng, giảm hơn 20% so với thời điểm hơn 10 ngày trước song DN xăng dầu trong nước không chịu điều chỉnh giảm giá và tiếp tục viện cớ đang lỗ trong khi Cục Quản lý giá Bộ Tài chính khẳng định là đã hòa vốn. Có cách nào để kiểm soát tính trung thực về điệp khúc “báo lỗ” của DN xăng dầu thế này không, thưa ông?

- Điều này xuất phát từ thực tế độc quyền tự nhiên như đã nói. Tôi cho rằng vấn đề đánh giá lại chi phí giá thành của các DN lớn cần phải có một kiểm toán đánh giá độc lập, dựa trên nhiều thứ. Và tôi cũng không nghĩ rằng vấn đề họ kêu lỗ hay kêu lời là quan trọng, bởi vì anh đã tham gia kinh doanh, việc của Nhà nước là phải tính toán trên quan điểm tương đối độc lập và đề ra khung pháp lý để yêu cầu DN phải theo. Trong trường hợp tôi tính đúng rồi, suy nghĩ đúng rồi, anh (DN xăng dầu hiện nay - PV) không làm được thì để người khác làm, người khác sẵn sàng làm, không có chuyện gì không làm được, chứ không thể theo anh được.

* Xin cảm ơn ông. 

Nguyệt Minh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.