"Học hết vô rồi!"
Một tháng trước, nhiều trường đã bắt học sinh (HS) lớp 12 học ngày học đêm, đến thời điểm này, tốc độ còn kinh khủng hơn. Không khí ở nhiều trường dân lập tại TP.HCM như một trại lính với tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Chiều 24.5, sân trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến (cơ sở 1, Q.Tân Bình) vắng tanh. Bên trong các lớp học, 500 HS lớp 12 đang miệt mài ôn tập. Ngăn cách dãy phòng học và sân trường là một hàng rào, với sự kiểm soát của các giám thị hành lang. Đây là thời điểm các HS lớp 12 bị "cấm túc" vì vậy HS nội trú sẽ không được về nhà vào cuối tuần. Để đảm bảo tất cả HS đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới, trường áp dụng thời khóa biểu ôn tập bắt đầu lúc 7 giờ sáng và kết thúc lúc 23 giờ đêm, xen kẽ là những giờ giải lao, nghỉ ngơi thư giãn. Ông Lê Trọng Tín - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đây không phải là năm đầu tiên nhà trường áp dụng hình thức ôn tập tập trung như thế này mà đã có từ khi thành lập trường vào năm 1992".
Không để học sinh bỏ thi vì đi lại quá xa Hôm qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phát công điện chỉ đạo về việc chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Công điện yêu cầu các địa phương tích cực ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực trong thi cử; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy chế thi. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi chặt chẽ, nghiêm túc, an toàn. Bộ đặc biệt lưu ý các địa phương cần đảm bảo an toàn về đi lại, đề phòng tai nạn giao thông ở các địa bàn phức tạp như vùng lũ, vùng sông nước, đồi núi hiểm trở; đáp ứng việc ăn, nghỉ, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu khi tham gia thi tại các hội đồng thi trong mỗi cụm thi ở địa phương, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi theo cụm, không để xảy ra tình trạng bỏ thi vì phải đi lại quá xa hoặc vì điều kiện ăn ở sinh hoạt... Tuệ Nguyễn |
Tại trường THPT dân lập Hồng Hà (Q.Phú Nhuận) giờ ôn tập, tự học bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều. Sau đó, từ 5 giờ 30 chiều đến 9 giờ 30 tối là 2 ca khảo bài. Nếu HS nào chưa thuộc bài ở ca 1 thì ca 2 sẽ có một giáo viên trực tiếp phụ trách theo kiểu 1 khảo 1. Hết buổi tối nếu vẫn chưa thuộc thì HS phải học đến khuya miễn sao sáng sớm mai, khi giáo viên khảo bài HS thuộc là được. Với lịch học như vậy, nhiều HS cho biết thức khuya học bài đến 1 - 2 giờ sáng là chuyện bình thường. Tuấn Vũ - HS lớp 12 trường này, ngao ngán nói: "Không chắc đến ngày thi em còn nhớ bài hay không nữa. Mấy hôm nay, đêm nào em cũng mơ thấy toàn chữ và chữ. Lùng bùng cái đầu".
Thời tiết nóng bức, tâm lý nặng nề và các áp lực từ phía gia đình, nhà trường làm cho không khí học hành tại các trường trong những ngày này thêm phần căng thẳng. Mặc dù là ngày cuối tuần nhưng 290 HS lớp 12 của trường THPT dân lập Đăng Khoa (Q.Phú Nhuận) vẫn miệt mài dán mắt vào tập vở, miệng lầm bầm học bài. "Các thầy bắt học thì em phải học chứ nói thiệt học hết vô rồi. Học từ sáng sớm đến tối mịt nhưng hễ trả bài xong thì em lại quên ngay" - Hoàng Khương, cậu HS có đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ than thở.
Tại trường THPT tư thục Thái Bình (Q.Tân Bình), 87 HS lớp 12 cũng đang vật lộn với đống sách vở chất chồng bên dưới bàn học. Lớp có nhiều HS đạt điểm kém trong kỳ thi thử vừa rồi được nhà trường bố trí 3 giáo viên cùng lúc tập trung khảo bài và hướng dẫn cách làm bài thi. Bà Lê Thúy Hà - Hiệu trưởng nhà trường giải thích: "Nói bắt ép, nhồi nhét các em học là không đúng. Chương trình học quá nặng, nội dung ôn tập quá nhiều nên các em buộc phải học nếu muốn đậu tốt nghiệp".
Không riêng gì các trường dân lập, trường công lập có điểm đầu vào thấp cũng như đang ngồi trên đống lửa. Tại trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4), 7 ngày trong tuần, HS hầu như phải có mặt đầy đủ để khảo bài. Mạnh Vũ - HS lớp 12 miêu tả: "Mặc dù trời nóng nực nhưng vẫn không nóng bằng không khí của trường em trong những ngày này. Học rồi ôn, ôn rồi trả bài, trả bài không được lại tiếp tục học... cứ thế ngày này qua ngày khác. Đến giờ này, "gạo" bài để đối phó, không thể nạp thêm vô đầu nữa".
Chỉ với hơn 30% HS đạt trong kỳ thi thử nên những ngày cuối cùng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, không khí tại trường THPT Thủ Thiêm (Q.2) hết sức căng thẳng. Hiệu trưởng nhà trường, ông Nguyễn Tiến Hỷ cho biết: "25% HS đạt điểm kém nhất trong kỳ thi thử đã được thông báo về cho gia đình và đề nghị phụ huynh cho ở lại trường để các giáo viên phụ đạo thêm".
Áp lực thành tích
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm học này, kết quả thi tốt nghiệp của tất cả các trường sẽ được công bố công khai để có cơ sở xếp hạng. Điều này làm cho thầy và trò càng bị áp lực nặng nề. Ông Lê Trọng Chì - Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đăng Khoa nói: "Mọi năm chỉ công khai các trường đậu 100% và 3 trường xếp cuối bảng. Năm nay, quy định công khai tỷ lệ đậu tốt nghiệp của tất cả các trường khiến áp lực thi cử càng tăng thêm. Đối với những trường năm ngoái có tỷ lệ đậu tốt nghiệp thấp, năm nay bắt buộc phải tăng chỉ tiêu đậu. Trường công lập thì cùng lắm ban giám hiệu sẽ bị khiển trách nhưng trường dân lập như chúng tôi nếu hỏng kỳ thi này thì coi như năm tới mất HS".
Bà Hà Thị Kim Sa - Hiệu trưởng trường THPT dân lập Hồng Hà cho biết: "Với tỷ lệ đạt chỉ 70% trong kỳ thi thử vừa rồi, chúng tôi rất lo ngại để giữ vững chỉ tiêu 100% HS đậu tốt nghiệp như năm ngoái. Nhiều đêm, qua hệ thống camera thấy các em thức đến 1 - 2 giờ sáng học bài rất tội. Nhưng vì chất lượng của kỳ thi nên nhà trường cũng ráng động viên các em".
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM cho biết: "Tùy tình hình học lực của HS mà mỗi trường có sự điều chỉnh kế hoạch ôn tập riêng. Nhưng quan điểm của ngành là phải đặt lợi ích của các em lên hàng đầu. Sở chỉ đạo các trường phải làm việc bài bản, khoa học và hiệu quả, không o ép, gây căng thẳng cho các em. Thời gian ôn tập phải hết sức khoa học và hợp lý để đạt hiệu quả cao trong kỳ thi tới".
Ý kiến chuyên gia
* "Cần phải có sự cân đối giữa việc học hành, vui chơi và giải trí. Việc tập trung HS đến trường ôn tập từ sáng đến chiều tối để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT "như một trại lính" là không cần thiết. Học như thế sẽ mệt mỏi về cơ thể lẫn trí não. Đồng thời, sẽ dẫn tới khả năng tiếp nhận thông tin mới rất kém. Những HS sức khỏe yếu càng chậm tiếp thu. Trước kỳ thi, các em cần nghỉ ngơi, giải trí, ăn uống đầy đủ và hợp lý thì sẽ có kết quả tốt". Khánh An (ghi) |
Phi Loan
Bình luận (0)