Đu dây qua sông

24/05/2010 02:08 GMT+7

Cách thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) chừng 10 km dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh là làng Nông Nội, xã Đắk Nông. Người dân muốn qua bờ bên kia sông Pô Kô phải đu dây cáp...

Hai bờ sông Pô Kô cách xa chừng 130 mét, không có cầu qua sông. Ở đây, người dân qua lại sông chỉ đi bằng dây cáp. Khi đã bám dây chỉ vèo một thoáng chừng 10 giây, hai cha con anh Trần Văn Chín đã có mặt bên kia bờ sông. Tôi đứng nhìn theo mà lạnh cả người!

Cả làng cùng đu!

 

Hai anh em chuẩn bị qua sông - Ảnh: Trùng Dương

Năm 2007, 21 hộ dân (hơn 60 nhân khẩu) ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vào lập nghiệp tại tiểu khu 154, thuộc xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi. Bên này bờ sông là đường Hồ Chí Minh thuộc làng Nông Nội, xã Đắk Nông. Để “nối” đôi bờ sông hung dữ, những người nhập cư này đã nghĩ ra việc lấy dây cáp buộc vào hai cây cọc đặt hai bên bờ sông, rồi dùng ròng rọc và một đoạn dây dù để treo mình lên đó mà trượt qua sông.

Anh Chín kể: “Qua sông bằng thuyền thì quá nguy hiểm vì nước sông chảy xiết, rất dễ lật. Bơi qua sông thì không thể, nhất là khi nước sông vào mùa lũ. Rồi bà con trong làng bèn nghĩ ra cách qua sông có một không hai như thế này”.

Người dân ở đây cho biết, để có được đường dây cáp treo này, họ đã phải bỏ tiền làm hai đường dây cáp chạy song song, một dây đi và một dây về với cách đấu nối 2 đầu cọc rất đơn giản: bên này cao thì bên kia thấp, nên khi lắp ròng rọc vào nó tự động chạy tuột sang bên kia bờ. Không chỉ nông lâm sản, người lớn được đưa đi - về bằng cách này, mà hầu hết trẻ em bên kia sông cũng phải chấp nhận mạo hiểm đu theo dây cáp để đến trường mỗi ngày.

Cháu Trần Thị Ánh Tuyết, học sinh lớp 2B trường Tiểu học Đắk Nông được anh trai của mình là Trần Khắc Văn dẫn ra bờ sông. Em Tuyết được “treo” lên dây, rồi... thả! Thân hình bé xíu, bờ sông dốc dựng đứng khiến em loay hoay hồi lâu mới thoát ra được khỏi sợi cáp để kịp đến trường. Gặp chúng tôi, em Trần Thị Hương, lớp 7B trường THCS Đắk Nông, nói: “Ngày đầu con đi thế này sợ lắm! Song đi riết rồi thành quen, mà không đi như thế này thì cũng không còn cách nào khác hơn để đến trường. Mỗi khi con đi học chưa về đến nhà, cả gia đình ai cũng lo lắng, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là rơi xuống sông liền, nhưng dù nguy hiểm thế nào đi nữa, con cũng không bỏ học”.

Hiểm nguy rình rập

Cháu Trần Thị Ánh Tuyết một mình đu dây qua sông để đến trường - Ảnh: Trùng Dương

Vụ tai nạn của Phó trưởng Công an xã Đắk Ang, ông A Phin làm nhiều người đến giờ vẫn thấy sợ. Hôm đó, chiều muộn, A Phin trở về từ trên rẫy, khi qua sông còn “kẹp” theo một đứa con. Trượt đến giữa dòng, ròng rọc bất ngờ nứt bể làm cả hai cha con rơi xuống sông. Cái ròng rọc đập mạnh vào đầu khiến A Phin ngất xỉu, đứa con trôi theo dòng nước xiết. Phát hiện có sự cố, ba cha con anh Chín lao mình xuống sông cứu vớt.

“Cả hai cha con ông A Phin đã kiệt sức chờ chết, trên mặt và đầu máu chảy loang lổ, đứa con còn bị gãy tay. May mà chúng tôi đến kịp và khẩn trương đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Ngọc Hồi”, anh Chín nhớ lại. Đến nay có ít nhất 5 vụ người đu dây cáp bị rơi xuống sông trong những tình huống tương tự.

Chủ tịch UBND xã Đắk Nông Xiêng Thanh Tý cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã bà con tự làm ròng rọc tại ba điểm để qua lại sông, trong đó một điểm phía sau UBND xã trước đây có cầu treo nhưng đã bị lũ cuốn trôi. Huyện Ngọc Hồi đang lập dự án để đầu tư xây dựng lại”.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Ngọc Hồi Châu Ngọc Lân cho biết thêm: “Sau trận lũ lịch sử cuối năm 2009, toàn bộ hệ thống cầu treo bắc qua sông Pô Kô thuộc các xã Đắk Ang, Đắk Dục, Đắk Nông... đều bị lũ cuốn trôi. Việc đi lại của bà con nhân dân như vậy là quá nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng. Để làm mới các cầu treo cần phải có thời gian, trong khi đó điều kiện của huyện cũng có hạn”, ông Xuân nói.

Trùng Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.