Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Thanh niên dân tộc với học nghề và việc làm" chính thức diễn ra lúc 8 giờ 30 phút, nhưng từ 7 giờ 30 phút, khuôn viên và hội trường trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã rộn ràng với hàng trăm bạn trẻ đến từ khắp nơi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và các địa phương lân cận.
Các bạn thanh niên vùng cao nổi bật trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc. Tuy còn chút bỡ ngỡ lúc đầu, nhưng ngay sau đó các bạn đều đã nhanh chóng hội nhập, và chia sẻ với nhau mối quan tâm chung là vấn đề việc làm và tương lai - những nội dung sẽ được giải đáp trong buổi giao lưu trực tuyến này.
Trước khi bắt đầu chương trình giao lưu, các bạn thanh niên đã vui vẻ cùng nhau hát vang những ca khúc truyền thống thanh niên cũng như các khúc hát quen thuộc của đồng bào cùng cao, với sự hưởng ứng đầy nhiệt huyết và phấn khởi.
|
Đúng 8 giờ 30, buổi giao lưu chính thức được bắt đầu với sự có mặt của các vị khách mời đến từ các ban ngành Trung ương và địa phương. Mở đầu chương trình là các tiết mục văn nghệ do Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tổ chức. Không khí buổi giao lưu trở nên sôi động khi các bạn thanh niên hòa cùng những bài hát sinh động đầy sức sống của Tây Nguyên.
Sau các tiết mục văn nghệ, chương trình bước vào giao lưu chính thức với sự có mặt của các khách mời như sau:
1. Ông Nguyễn Hồng Minh - Vụ trưởng Vụ đào tạo nghề, Tổng cục dạy nghề - Bộ LĐ-TB-XH
2. Ông Nguyễn Văn Xuân - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách dân tộc - Ủy Ban dân tộc
3. Ông Nguyễn Văn Chứng - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk
4. Lâm Đình Nhiên - Phó phòng Quản lý và dạy nghề, SỞ LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk
5. Ông Lê Hoàng Cơ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đắk Lắk
6. Ông Phạm Duy Muôn, Phó giám đốc Công ty cao su Krong Buk
7. Ông Đặng Văn Thành, Phó giám đốc Công ty TNHH may Tây Nguyên
Về phía Trung Ương Đoàn có sự tham dự của anh Đặng Quốc Toàn, Phó trưởng ban Thanh niên công nhân và đô thị; phía Tỉnh Đoàn Đắk Lắk là Bỉ thư Tỉnh Đoàn Kim Hoa Byă. Đại diện trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên là ông Trần Văn Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường.
|
Các khách mời sẽ trao đổi, tư vấn về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc học nghề và việc làm cho thanh niên dân tộc; thông tin hướng nghiệp, chọn nghề học nghề; xu hướng tuyển dụng việc làm; tư vấn học nghề, tạo việc làm; thông tin về các vấn đề đưa thanh niên đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; chia sẻ kinh nghiệm thực tế và các vấn đề khác có liên quan đến học nghề và lập nghiệp cho thanh niên dân tộc...
Mở đầu buổi giao lưu, bạn sinh viên Trương Thị Duyên đến từ khoa Tin học – ngôn ngữ - kinh doanh trường CĐ dạy nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên đặt câu hỏi: "Em đang theo học ngành quản trị mạng sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có khả năng đi làm ở những cơ quan nào? Với tấm bằng có được liệu em có cơ hội được nhận vào giảng dạy ở các trường phổ thông hay không?".
|
Về vấn đề này ông Nguyễn Hồng Minh - Vụ trưởng Vụ đào tạo nghề, Tổng cục dạy nghề - Bộ LĐ-TB-XH cho biết: vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên nói chung và cho thanh niên dân tộc nói riêng đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ban ngành rất quan tâm, gần đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
Hiện nay Tổng cục dạy nghề đã tạo điều kiện cho các em học sinh sau khi học nghề có việc làm thông qua các chương trình, dự án đào tạo việc làm của quốc gia. Theo thống kê mỗi năm chúng ta đào tạo được 1 triệu rưỡi lao động. Về nghề quản trị mạng thì đây là một nghề rất hot hiện nay, có rất nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ở các doanh nghiệp.
Riêng về cơ hội làm giáo viên ở các trung tâm dạy nghề ví dụ như em tốt nghiệp CĐ dạy nghề có chứng chỉ nghề thì Tổng cục dạy nghề đã chỉ đạo là các địa phương phải có tối thiểu một trung tâm dạy nghề do vậy nhu cầu về giáo viên dạy nghề rất nhiều.
Một cán bộ đoàn phường Eatam, bạn Hoàng Vũ Đám đã thay mặt thanh niên địa phương đề cập đến vấn đề: “Phường Eatam, cũng như các địa phương khác, hiện nay có nhiều thanh niên mong muốn được lập nghiệp nhưng thiếu kinh nghiệm và vốn, vì vậy, câu hỏi đặt ra là Đoàn TN và Ngân hàng chính sách xã hội đã có những chính sách chính sách hỗ trợ như thế nào cho thanh niên địa phương trong việc lập nghiệp?”
|
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Chứng - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết: hiện nay, riêng tại Đắk Lắk, ngân hàng chính sách xã hội đã có những hoạt động cho vay tại địa bàn thôn, vì vậy đối với phường Eatam, hay các phường, xã khác, khi thanh niên có nhu cầu vay vốn, thì sẽ được giải quyết với hai chương trình: vay giải quyết việc làm (nếu thanh niên đã có gia đình riêng thì tự đặt vấn đề vay vốn với ngân hàng, còn nếu chưa có gia đình riêng thì có thể nhờ cha mẹ đặt vấn đề vay vốn hoặc cha mẹ ủy quyền vay vốn sản xuất kinh doanh), vay xuất khấu lao động, phát triển kinh tế. Với hai chương trình này, thanh niên hãy đặt vấn đề cụ thể với đại diện ngân hàng.
Sau phần trả lời của ông Nguyễn Văn Chứng, điều phối chương trình anh Đặng Quốc Toàn đã chuyển câu hỏi về những chính sách hỗ trợ cho thanh niên dân tộc của Ủy Ban Dân tộc cho ông Nguyễn Văn Xuân - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách dân tộc - Ủy Ban dân tộc.
Ông Xuân cho biết hiện nay Nhà nước có rất nhiều chính sách quan tâm đến nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động là người dân tộc. Về chính sách chung, Chính phủ có quyết định 1956/QĐ-TTG áp dụng cho tất cả vùng miền nông thôn, với chính sách này, người lao động được hỗ trợ học nghề và tìm việc. Thanh niên học ra nghề thì cần đến các trung tâm giới thiệu việc của các Sở LĐ-TB-XH, đó là địa chỉ tin cậy cho thanh niên, để tìm hiểu và xin việc làm.
Riêng với Ủy ban Dân tộc, hiện có hai chính sách áp dụng với các đối tượng cụ thể, đặc thù. Với quy định 135 thì chính sách đào tạo áp dụng theo quy định bên Cục Dạy nghề.
Đặc biệt, quyết định mới nhất Ủy ban Dân tộc ban hành năm 2009 là quyết định 1592 áp dụng cho các hộ nghèo trên toàn quốc. Theo quyết định này, nếu có nhu cầu học, đối tượng đủ điều kiện có thể được hỗ trợ 3 triệu/tháng tiền học nghề. Những mức tiền này như tiền ăn, đi lại... sẽ do UBND tỉnh quy định. Khi học xong, nếu có nhu cầu tìm nghề, thì Nhà nước sẽ hỗ trợ tiếp 3 triệu để làm vốn, ngoài ra còn được vay tối đa 10 triệu đồng lãi suất bằng không với thời gian vay 3 năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để phát triển nghề.
Theo ông Xuân, đây là chính sách mới và cải tiến rất nhiều so với những quy định trước. Ngoài ra, quy định của chương trình còn có hỗ trợ về xuất khẩu lao động, Nhà nước sẽ hỗ trợ học văn hóa 1 năm, sau đó chuyển sang học nghề và xuất khẩu lao động. Người đi xuất khẩu lao động theo chương trình này được vay tối đa 30 triệu đồng cho một lao động đi xuất khẩu lao động.
Ông Xuân cũng thông báo nếu người lao động khi có nhu cầu, nhất là thanh niên dân tộc khi cần học nghề, vay vốn có thể đến Ủy ban Dân tộc các tỉnh để được giải quyết.
|
Liên quan đến các doanh nghiệp trong tỉnh, bạn Hà Thị Bích Phương, sinh viên trường CĐ dạy nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên thắc mắc "chúng em sắp ra trường rất thiếu kinh nghiệm xin việc, do vậy em xin hỏi sinh viên cần những tiêu chí nào để được nhận vào làm?"
Về vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc, ông Lê Hoàng Cơ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đắk Lắk chia sẻ: Ngành du lịch đã được tỉnh Đak Lak xác định là một trong những ngành quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh tuy nhiên tại Đắk Lắk hiện vẫn chưa có một trường lớp nào đào tạo sâu về nghiệp vụ cho chuyên ngành này. Hiện nay ngành du lịch Đắk Lắk đang rất thiếu những người có nghiệp vụ du lịch. Theo tôi thấy tại Buôn Mê Thuột có rất nhiều khách sạn du lịch tuy nhiên hướng dẫn viên, điều hành du lịch là rất thiếu.
Đối với những nghề hot như quản trị mạng... thì có quá nhiều sinh viên theo học trong khi du lịch vừa khát nhân lực vừa ít người theo học. Vì vậy theo tôi nghĩ nếu các bạn sinh viên chọn đúng ngành, đúng nghề thì sẽ dễ xin việc làm hơn.
Về nhu cầu và tiêu chí tuyển dụng lao động tại địa phương, ông Đặng Văn Thành, Phó giám đốc Công ty TNHH may Tây Nguyên, đại diện các doanh nghiệp tham dự chương trình chia sẻ: đối với công ty may Tây Nguyên và một số doanh nghiệp khác, thì ngành nghề may là công việc rất phổ biến và dễ dàng đi vào công chúng. Do đó, về định hướng và tiêu chí làm việc, chúng tôi chỉ cần những lao động có bầu nhiệt huyết, xác định nghề nghiệp mình theo đuổi. Doanh nghiệp đều rất cần lực lượng lao động phổ thông và nhất là đội ngũ cán bộ về quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ.
Theo ông Thành, lý do doanh nghiệp chọn vùng đất Buôn Ma Thuột để phát triển vì đây được xem vùng đất lành, có diện tích rộng lớn, đặc biệt, thanh niên đồng bào dân tộc rất hiền lành và yêu nghề. Mỗi năm, Buôn Ma Thuột có khoảng 150.000 thanh niên cần việc làm. Vì vậy, tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp luôn dễ dàng, và rộng mở cơ hội cho lao động. Khi tuyển dụng vị trí công nhân, nếu chưa có nghiệp vụ, lao động sẽ được đào tạo. Còn các bạn sinh viên đã được đào tạo tại địa phương thì sẽ là lực lượng nòng cốt của doanh nghiệp trong tương lai.
Ông Thành còn thông tin một vấn đề các bạn thanh niên rất quan tâm rằng, trong thời gian được đào tạo nghiệp vụ tại doanh nghiệp, các bạn thanh niên tham gia lao động đều được hỗ trợ những khoản chi phí trên mức lương cụ thể.
|
Trả lời câu hỏi về tiêu chí tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Minh - Vụ trưởng Vụ đào tạo nghề, Tổng cục dạy nghề - Bộ LĐ-TB-XH cho biết, mỗi doanh nghiệp có một tiêu chí riêng.
Tiêu chí tuyển dụng nghề nghiệp đầu tiên là chính mỗi em phải phải học tập thật tốt, có kỹ năng, có bằng cấp, khi đó thì cơ hội tìm kiếm việc làm rất cao; tiêu chí thứ hai là người tìm việc phải có tác phong công nghiệp cao, hiện tác phong này còn thấp tại nước ta, kỷ luật lao động còn thấp vì vậy các doanh nghiệp khi tìm người lao động rất e ngại vấn đề này. Tiêu chí thứ ba để tìm việc là kỹ năng sống. Ông Minh cho rằng các bạn trẻ cần tham gia vào công tác Đoàn để nâng cao kỹ năng sống, đáp ứng với những tình huống xã hội, đời sống.
Ông Minh cho biết thêm, hiện tâm lý của học sinh lớp 12 là luôn muốn vào đại học cao đẳng, tuy nhiên các bạn trẻ cần xác định được khả năng của mình để tránh những áp lực khi học thi ĐH nhưng không có kết quả như mong đợi. Ngoài con đường vào đời bằng việc học đại học thì các bạn trẻ còn có nhiều cơ hội xây dựng cuộc sống tương lai từ các các hệ thống trường dạy nghề từ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Các bạn trẻ có thể học nghề, tìm kiếm công việc ổn định, sau đó nếu có điều kiện và có khát khao thì có thể học tiếp lên để nâng cao trình độ, năng lực của mình.
|
Đối với thanh niên Tây Nguyên, ông Minh cho biết các thanh niên nên định hướng học nghề theo nhu cầu địa phương. Hiện tại ở khu vực này, các ngành nghề đang có nhu cầu cao là ngành nghề nông nghiệp, các bạn trẻ cần học để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất; các ngành nghề chuyển đổi cơ cấu như cơ khí nông nghiệp, may, du lịch; và đặc biệt là ngành dịch vụ vì hiện tại mặt bằng nhân lực của các ngành dịch vụ tại Tây Nguyên còn thấp...
Ngoài ra, ông Minh còn thông tin thêm một tin vui cho bạn trẻ học nghề là hiện các cơ quan chức năng đang soạn thảo và chuẩn bị ban hành quy định học liên thông từ CĐ Nghề lên ĐH, khi đó thanh niên học nghề hoàn toàn có được tấm bằng ĐH sau khi học liên thông...
|
Tiếp theo chương trình, bạn Đặng Văn Cừ thắc mắc: “Hiện nay, có rất nhiều bạn tốt nghiệp CĐ, ĐH ở nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt là khu vực TP.HCM, vậy chúng em là thanh niên dân tộc học nghề ra liệu có cơ hội có việc làm tốt hay không? Các doanh nghiệp hiện nay khi tuyển dụng nhân sự đều đòi hỏi bằng cấp, kinh nghiệm, liệu có chỗ đứng cho bằng "nghề"?
Về vấn đề này ông Phạm Duy Muôn, Phó giám đốc Công ty cao su Krong Buk cho hay: Các doanh nghiệp nói chung và cty cao su Krong Buk nói riêng đều có những chính sách tuyển dụng lao động tùy theo nhu cầu tại từng thời điểm. Doanh nghiệp chúng tôi tuy là một doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp nhưng không phải vì thế mà không tuyển dụng các lao động thuộc các ngành nghề khác. Bên cạnh những lao động phổ thông chúng tôi cũng tuyển dụng những kỹ sư, cử nhân về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ khí… Mục tiêu của cty là phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho bà con đặc biệt là đồng bào dân tộc.
Riêng về lao động phổ thông ở lĩnh vực sản xuất cao su và cà phê thì công ty không đòi hỏi bắt buộc phải có bằng cấp mà chỉ cần trình độ từ lớp 9 trở lên. Sau khi phỏng vấn và thử việc theo quy định, công ty sẽ đào tạo nghề và cấp giấy chứng nhận cho các lao động. Giấy chứng nhận nghề các bạn có thể sử dụng để làm việc tại công ty hoặc dùng để xin việc ở các công ty khác trong cùng lĩnh vực.
Do lao động phổ thông về lĩnh vực sản xuất cao su và cà phê phải bỏ công sức rất nhiều cho nên ngành cao su và phía công ty cũng có những chế độ, chính sách hỗ trợ cho đồng bào như: chỗ ở, xây dựng nhà tình thương… Riêng trong địa bàn công ty có kết nghĩa với 5 buôn nhằm tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc về các chính sách của nhà nước song song với việc phát triển kinh tế. Ngoài ra tôi muốn giới thiệu cho các bạn một địa chỉ để tham khảo nếu muốn theo lĩnh vực cao su là trường CĐ Công nghiệp Cao su VN tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
|
Bạn Lâm Thị Trang - sinh viên đang theo học ngành nông lâm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã nêu lên băn khoăn của mình và các bạn đồng trang lứa về việc tìm kiếm việc làm theo đúng ngành nghề sau khi ra trường và những hỗ trợ đối với ngành nghề khuyến nông lâm này.
Giải đáp thắc mắc này của các bạn sinh viên, thanh niên, ông Lâm Đình Nhiên - Phó phòng quản lý lao động dạy nghề Sở LĐ - TB - XH tỉnh Đắk Lắk cung cấp một thông tin mới, đó là vào trung tuần tháng 6.2010, tỉnh Đắk Lắk và Sở LĐ - TB - XH sẽ khai trương sàn giao dịch việc làm của tỉnh tại số 79 Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột). Mỗi tháng, sàn giao dịch việc làm này sẽ hoạt động một lần với mục đích kết nối doanh nghiệp và đội ngũ lao động trong tỉnh. Với những chính sách hỗ trợ người lao động học nghề và tìm kiếm việc làm, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển các cơ sở và mạng lưới đào tạo việc làm và dạy nghề công lập, dân lập trên địa bàn tỉnh, với chương trình đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn, đào tạo linh hoạt, gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2015, phải xây dựng các trung tâm dạy nghề tại tất cả các huyện và phát huy vai trò của sàn giao dịch việc làm trong việc đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp cho đối tượng lao động thanh niên, góp phần phát triển kinh tế và xã hội địa phương.
Tiếp tục chương trình giao lưu trực tuyến, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Phó bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Đắk Lắk giải đáp những thắc mắc của các bạn sinh viên, thanh niên đối với vai trò và hỗ trợ của Đoàn thanh niên trong việc hướng nghiệp của thanh niên, bên cạnh đó là những nội dung, thông tin về các chương trình của Đoàn thanh niên dành cho thanh niên địa phương.
|
Chị Thu Nguyệt cho biết, đối với việc lập nghiệp cho các bạn trẻ, đặc biệt là thanh niên vùng sâu vùng xa, thanh niên dân tộc thiểu số, hiện nay, đoàn thanh niên cơ sở đã có những chương trình hỗ trợ thiết thực, các bạn thanh niên nên liên hệ đoàn cơ sở để có thể biết thêm về thông tin cụ thể.
Hiện nay, Tỉnh Đoàn đã triển khai chương trình cấp nguồn vốn, ủy thác vốn cho thanh niên nghèo, các bạn thanh niên có thể liên hệ với tổ vay vốn tại địa phương, huyện đoàn, xã đoàn khi có nhu cầu. Bên cạnh đó là quỹ khởi nghiệp cho thanh niên, đặc biệt là đối với thanh niên dân tộc thiểu số còn khó khăn. Tỉnh Đoàn đã thực hiện chương trình với nguồn vốn hỗ trợ từ 20 - 30 triệu đồng/năm.
Đối với thanh niên chưa được đào tạo về nghề nghiệp, Tỉnh Đoàn đang phối hợp các doanh nghiệp và các ngành chức năng tổ chức những chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ, được triển khai trên các địa bàn cấp huyện. Trong hai năm gần đây, Tỉnh Đoàn đã tổ chức hơn 20 đợt tư vấn và tuyển dụng lao động dành cho đối tượng lao động thanh niên địa phương.
Bên cạnh đó, tại các xã, huyện trên địa bàn tỉnh, Tỉnh Đoàn đang phối hợp với các cơ sở để tổ chức các lớp đào tạo nghề. Đặc biệt, với các lớp này, các thanh niên tham gia hoàn toàn không tốn chi phí, chỉ cần xác định việc học nghề và đi học theo từng nhóm nghề cụ thể. Chị Thu Nguyệt nhấn mạnh, các bạn thanh niên nên liên hệ đoàn cơ sở để biết thêm về những chương trình riêng của địa phương, phù hợp nhu cầu cuộc sống, kế hoạch khởi nghiệp, việc làm của các bạn.
Trả lời câu hỏi của bạn Lăng Thị Thúy, theo học ngành Quản trị cơ sở dữ liệu của trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên khi băn khoăn về nghề nghiệp trong tương lai, anh Đặng QUốc Toàn cho biết hiện các doanh nghiệp trong các ngành nghề nhu cầu về quản trị dữ liệu là rất lớn và cơ hội tìm việc sau khi tốt nghiệp của Thúy là dễ dàng. Ông Lê Hoàng Cơ cho biết thêm, việc tuyển dụng người lao động tùy thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp và các bạn trẻ cần mạnh dạn theo mục tiêu của mình khi có cơ hội.
Còn về câu hỏi đối tượng được vay vốn, ông Nguyễn Văn Chứng - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk giải thích các đối tượng vay vốn là các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trong đó bao gồm nhiều đối tượng. Ngoài hộ nghèo còn có các trường hợp khác như cận nghèo... và ngân hàng luôn đáp ứng đủ nguồn vốn cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay để theo học nghề và phát triển nghề sau khi ra trường.
Trở lại vấn đề việc làm, bạn Nguyễn Minh Đức lớp CĐ Thú Y 08, CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, có hỏi: Hiện nay các chỉ tiêu việc làm của các cty tư nhân và nhà nước có được công khai hay không? Tại sao những người có bằng cấp hệ chính qui khó xin việc hơn hệ tại chức?
|
Ông Lâm Đình Nhiên - Phó phòng quản lý lao động dạy nghề Sở LĐ - TB - XH tỉnh Đắk Lắk trả lời: Tỉnh đã đề ra mục tiêu từ năm 2011 – 2015 bình quân hằng năm đào tạo nghề cho 8.140 người là thanh niên, học sinh dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 37% tổng số người được đào tạo nghề; số lao động là người dân tộc thiểu số sau đào tạo nghề có việc làm ổn định đạt tối thiểu 70%; tạo việc làm cho 7.700 lao động dân tộc thiểu số hàng năm.
Hiện tại như các doanh nghiệp hay ngân hàng khi tuyển đầu vào nếu em có năng lực thật sự sẽ được tuyển chọn. Đối với công chức nhà nước, em có thể liên hệ với Sở nội vụ để đăng ký việc làm em mong muốn và thi tuyển công chức của Bộ nội vụ. Vì vậy không có chuyện bằng cấp hệ chính qui khó xin việc hơn bằng cấp hệ tại chức.
Vì sự phát triển của xã hội, Nhà nước cũng đã đưa ra chính sách về thi tuyển công chức đầu vào nhằm tuyển dụng những công chức có năng lực thật sự. Do vậy em cứ yên tâm đi xin việc.
Xuất khẩu lao động cũng là một vấn đề quan tâm của rất nhiều sinh viên, thanh niên trước ngưỡng của khởi nghiệp, vì vậy, ông Nguyễn Văn Xuân - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách dân tộc - Ủy Ban dân tộc đã có một số thông tin về vấn đề này: Đối với các huyện nghèo, Nhà nước có các chính sách cụ thể, chỉ ưu tiên các đối tượng thuộc các huyện nghèo trong việc xuất khẩu lao động, theo quyết định số 71 của thủ tướng chính phủ ngày 29.4.2009.
Chính sách này hỗ trợ ưu tiên cho các lao động đã được đào tạo nghề, xuất khẩu lao động tại các quốc gia cần lao động VN. Còn đối với lao động chưa được đào tạo nghề trong diện nghèo này sẽ được hỗ trợ đào tạo về văn hóa và ngoại ngữ. Khi đi xuất khẩu lao động, những đối tượng này sẽ được cho vay vốn xuất khẩu lao động, tùy theo từng quốc gia xuất khẩu lao động và ngành nghề xuất khẩu lao động, với mức lãi suất là 50% lãi suất hiện hành do Ngân hành chính sách công bố.
Ngoài ra, trường hợp sau khi đi xuất khẩu lao động, với lý do khách quan mà người lao động phải quay trở về nước, thì vẫn được hưởng hỗ trợ theo quyết định số 144 ngày 31.8.2007.
|
Tiếp theo chương trình một bạn sinh viên thắc mắc: Theo em được biết mức cho vay xuất khẩu lao động hiện nay là hơi thấp? Em có thể vay nhiều hơn được không?
Về vấn đề này ông Nguyễn Văn Chứng - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết quy định của Nhà nước hiện nay mức cho vay tối đa cho một trường hợp xuất khẩu lao động là 30 triệu đồng. Do vậy trong trường hợp bạn cần thêm thì phải đi vay bên ngoài.
Trao đổi về định hướng nghề nghiệp XKLĐ, ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh: hiện vấn đề XKLĐ được Đảng, Nhà nước rất quan tâm vì trên thực tế đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn và đây là một trong những hướng xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, XKLĐ còn mang lại cho xã hội một lực lượng lao động có trình độ khoa học kỹ thuật cao.
Hiện tại, Nhà nước đã có nhiều quy định về XKLĐ, trong đó có quyết định hỗ trợ cho các huyện nghèo mà lực lượng thanh niên sẽ được trợ giúp rất nhiều. Hiện hướng XKLĐ đang tập trung vào lao động phổ thông với người lao động chưa có nghề hoặc có nghề phổ thông như điện, điện tử, xây dựng, may mặc... Sắp tới sẽ phát triển lực lượng XKLĐ nghề trình độ cao nghề y tá, CNTT...
Ông Lê Hoàng Cơ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đắk Lắk thông tin thêm: Tuy Hiệp hội du lịch tỉnh không có chức năng xuất khẩu lao động, nhưng trong thời gian qua, Hiệp hội đã thực hiện đề án giải quyết lao động cho thanh niên dân tộc ở những khu vực không phải huyện nghèo.
Chương trình còn nhận được sự phối hợp của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn Saigontourist và Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, để tìm kiếm những ngành nghề phù hợp cho thanh niên dân tộc. Chương trình hiện đang nghiên cứu và xác định những ngành nghề và quốc gia xuất khẩu lao động phù hợp với thanh niên dân tộc, đặc biệt là thị trường lao động tại Malaysia. Thanh niên có nhu cầu hãy liên hệ bộ phận tư vấn về dự án này tại Ban Dân tộc tại địa phương, để biết thêm thông tin.
Về vấn đề việc làm và nhu cầu tuyển dụng tại đia phương, ông Phạm Duy Muôn, Phó giám đốc Công ty cao su Krong Buk chia sẻ: Các bạn muốn thành công sau khi rời khỏi ghế nhà trường thì điều đầu tiên là cần có bằng tốt nghiệp và phải học tập thật tốt. Bên cạnh đó các bạn cũng cần phải trau dồi, cập nhật thêm những kỹ năng giao tiếp xã hội thì sẽ nâng cao hơn cơ hội được tuyển dụng.
Tại địa bàn tỉnh, những ngành như dịch vụ du lịch, sản xuất may mặc, cao su... đang rất thiếu nhân lực. Chúng tôi hi vọng có thể liên hệ với các doanh nghiệp để xây dựng những chương trình liên kết đào tạo - tuyển dụng. Ngoài ra trong quá trình đào tạo trường cũng nên tổ chức cho sinh viên tham quan tại các doanh nghiệp để các em dễ dàng hình dung, định hướng về điều kiện làm việc trong tương lai. Chúng ta cần trang bị đủ kiến thức, năng lực trước khi bước ra xã hội. Tóm lại nếu muốn ra trường sau này có chỗ đứng, việc làm ổn định thì trước tiên các bạn phải học tập thật tốt.
|
Cũng liên quan đến nhu cầu tuyển dụng tại địa phương, ông Đặng Văn Thành, Phó giám đốc Công ty TNHH may Tây Nguyên cho hay: Giống như anh Muôn, chúng tôi cũng rất muốn đặt hàng với các trường đào tạo trên địa bàn tỉnh. Bản thân công ty và trường cũng đã tổ chức nhiều lớp tham quan điều kiện làm việc cho các em sinh viên.
Doanh nghiệp chúng tôi quan niệm nhu cầu quan trọng nhất là khách hàng và kế đến là lực lượng lao động. Trong năm nay chúng tôi sẽ cố gắng phát triển thêm khoảng 400 lao động, và sang năm là 800 - 1.200 lao động. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn thanh niên trên địa bàn, đặc biệt là các em thanh niên dân tộc sau khi tốt nghiệp hãy vào các doanh nghiệp tại địa phương.
Chúng tôi cũng hi vọng tỉnh, Đoàn giúp đỡ hướng dẫn các bạn thanh niên có nhu cầu về ngành may cũng như các ngành khác liên hệ với các doanh nghiệp.
Sau hơn 2 tiếng rưỡi giao lưu trao đổi, thảo luận sôi nổi với những câu hỏi và trả lời cụ thể về từng vấn đề quan tâm của thanh niên dân tộc trong việc học nghề và tìm việc, chương trình đã khép lại với việc ông Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Công ty Thương mại - Du lịch Đam San, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, trao 20 suất học nghề du lịch cho thanh niên dân tộc thiểu số trú tại Đắk Lắk. Số suất học nghề này được Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) trao thông qua Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk.
|
Để buôn làng có nhiều thợ Nhiều cơ hội việc làm, thu nhập ổn định mở ra cho những thanh niên dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sau khi được đào tạo nghề. Tuy nhiên, vì nhiều lý do vẫn còn không ít thanh niên ở các buôn làng chưa được học nghề để vào đời lập nghiệp... Học nghề có thể đi lao động nước ngoài Người dân ở buôn Dlê thuộc vùng sâu xã Đắk Nuê, huyện Lắk (Đắk Lắk) thường nhắc đến chàng thanh niên Y Thi với vẻ tự hào, vì Y Thi là người duy nhất trong buôn hiện nay đang ở nước ngoài. Đến thăm nhà Ma Ly, bố của Y Thi, chúng tôi nghe ông kể về con trai với vẻ mãn nguyện: “Cháu mới gọi điện từ Hàn Quốc về hôm qua. Nó lại nhắc bố mẹ dù khó khăn thế nào cũng cho các em đi học, không được để đứa nào bỏ học. Đi học mới có nhiều cơ hội có việc làm, lại có thể ra nước ngoài. Mình thấy vui cái bụng với suy nghĩ của con mình lắm!”. Việc Y Thi, thợ cơ khí đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, mỗi tháng có mức lương tới 18 triệu đồng, khiến nhiều người trong buôn Dlê nức lòng, nhiều bậc cha mẹ khuyên bảo con cái theo gương anh Y Thi cố gắng học tập để có nghề ổn định. Y Thi là một trong số 65 học sinh của trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên sau khi tốt nghiệp đã trúng tuyển đi lao động nước ngoài trong 3 năm qua. Chúng tôi gặp Y Khôi Bkrông, đang học năm thứ 2 Khoa cơ khí của Trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, nhà ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Sau hai năm vừa học văn hóa, vừa học nghề, Y Khôi giờ đã khá thành thạo các công việc gò hàn, tiện và sửa chữa cả máy nông cụ... Y Khôi cho biết, tốt nghiệp trường nghề này, nếu không có điều kiện đi lao động ở nước ngoài, em sẽ về nhà mở tiệm cửa sắt phục vụ bà con các buôn trong xã. “Với tay nghề có được, em nghĩ mình sẽ có thu nhập khá, lại giúp đỡ gia đình, bà con nhiều việc” - Y Khôi tự tin nói...
Y Khôi (thứ hai phải qua) vui thích học nghề cơ khí - Ảnh: T.Chuyên Y Thi và Y Khôi là hai trong số hơn 3.000 thanh niên dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk được đào tạo nghề hàng năm ở trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Tỷ lệ có việc làm của những thanh niên dân tộc thiểu số sau khi học nghề được đánh giá tương đối cao, nhất là đối với các trường, cơ sở dạy nghề có sự liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu lao động. Riêng đối với trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp hàng năm chiếm từ 80 - 86%. Hiện Đắk Lắk có 40 cơ sở dạy nghề, trong đó gần 30 cơ sở có dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp tham gia mở lớp dạy nghề phục vụ cho nhu cầu của chính đơn vị như Công ty chế biến gỗ Trường Thành, Công ty may Tây Nguyên, Xí nghiệp chế biến gỗ Krông Búk, Công ty cổ phần Thống Nhất, Công ty cổ phần khoáng sản Đắk Lắk... "Con gái lớn lên là đi bắt chồng" Chỉ hơn một năm học chương trình trung cấp nghề chế biến cà phê, H’Bectan Mlô đã nắm bắt được các kỹ năng chế biến cà phê ướt, cà phê khô, kỹ thuật rang xay cà phê... Em nói, sau này thích làm việc ở gần nhà hơn nhưng vùng quê ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) không có công ty chế biến cà phê nào. Do vậy, H’Bectan thổ lộ, khi ra trường có khả năng sẽ mở một quán cà phê do chính em tự tay pha chế. “Ở buôn M’rưng của em, con gái lớn lên là đi bắt chồng, cắm cúi làm rẫy, đẻ con, không có ai học nghề chế biến cà phê nên em làm quán bán cà phê chắc thuận lợi lắm vì có tay nghề” - H’Béctan bày tỏ. Em cũng nói, ở buôn có cả trăm thanh niên nhưng con trai, con gái đi học nghề ít lắm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay... Nhận xét của cô gái H’Bectan về buôn M’rưng cũng giống như tình trạng ở nhiều buôn làng khác của Đắk Lắk, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, vào cuối năm 2008, tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số trong tỉnh đã qua học nghề mới chỉ chiếm 5,38%. Còn số liệu của Ủy ban Dân tộc cho thấy, Tây Nguyên là một trong 3 vùng (cùng Tây Bắc và Tây Nam bộ) có tỷ lệ thanh niên dân tộc được đào tạo nghề dưới 10%. Tỷ lệ này của cả nước là 19,21%.
Nhiều cô gái dân tộc thiểu số chọn nghề may ở Công ty may Tây Nguyên - Ảnh: T.Chuyên “Đầu vào” và “đầu ra” Thu hút thanh niên tham gia đào tạo nghề đòi hỏi nhiều điều kiện “đầu vào” như chế độ hỗ trợ học nghề, quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề, chương trình dạy nghề phù hợp, huy động các thành phần kinh tế đầu tư cho công tác dạy nghề... Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk đã có sự quan tâm đáng kể đến hoạt động dạy nghề như mở các lớp học nghề ở các xã khó khăn, xã nghèo, liên kết cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động, tổ chức dạy nghề miễn phí đến các thôn, buôn... Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, đào tạo nghề của tỉnh này vẫn chưa theo kịp xu hướng phát triển của thị trường lao động; tốc độ tăng cơ sở dạy nghề, số lượng tuyển sinh còn chậm, quy mô đào tạo của các cơ sở tư thục còn nhỏ bé, số nghề đào tạo còn nghèo nàn, các nghề kỹ thuật và kỹ thuật bậc cao chưa phát triển; đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu về chuyên môn, số học sinh học nghề bỏ học ở các cơ sở dạy nghề còn cao... Mặt khác, về “đầu ra” là công tác giải quyết việc làm sau khi học nghề cũng là yếu tố quyết định đối với việc thu hút thanh niên dân tộc thiểu số tham gia học nghề. Theo ông Phạm Ngọc Châu, Hiệu trưởng trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, hiện còn những khó khăn trong tìm kiếm việc làm của học sinh do ngành nghề nông thôn còn nghèo nàn, các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở vùng Tây Nguyên chưa phát triển mạnh, yêu cầu lao động trình độ kỹ thuật cao còn ít. Trong khi đó, tâm lý phần lớn thanh niên dân tộc thiểu số không muốn làm việc xa nhà, khó thích nghi làm việc trong môi trường công nghiệp ở các thành phố lớn nên cũng còn không ít học sinh sau khi tốt nghiệp trường nghề vẫn chưa có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, tiền lương, tiền công của thị trường lao động trong tỉnh còn thấp; nếp sống còn ảnh hưởng tập quán tiểu nông của nhiều thanh niên dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được những đòi hỏi của tác phong công nghiệp... Ông Châu cho rằng: “Để giải quyết những vấn đề vướng mắc về việc làm nói trên, các cơ sở dạy nghề phải phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có tăng cường rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong và nếp sống công nghiệp cho học sinh. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhận lao động là người dân tộc thiểu số, tạo việc làm, duy trì việc làm theo nghề tại quê hương của thanh niên dân tộc thiểu số”...
Trung Chuyên |
||||||||
Đắk Lắk muốn có chính sách ưu đãi riêng cho giáo viên dạy nghề
* Đắk Lắk là một trong những địa phương ở Tây Nguyên tích cực triển khai công tác dạy nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số. Ông có thể cho biết một số kết quả đạt được trong lĩnh vực này? - Ông Nguyễn Tấn Hùng: Những năm gần đây, bình quân hàng năm Đắk Lắk đào tạo nghề cho khoảng 7.200 lao động, chiếm 31% tổng số lao động được tạo việc làm. Trong đó, đã dạy nghề cho khoảng 3.500 thanh niên, học sinh người dân tộc thiểu số, chiếm 35% tổng số tuyển sinh đào tạo nghề hàng năm. Đạt được kết quả trên là do tỉnh đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, tạo thêm nhiều việc làm mới; đồng thời có sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nghề, xã hội hóa công tác dạy nghề; triển khai kịp thời, đầy đủ và đúng quy định các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu năm 2004, trên địa bàn Đắk Lắk chỉ có 14 cơ sở đào tạo nghề thì đến nay đã có 40 cơ sở. Cùng với việc phát triển số lượng cơ sở dạy nghề, ngành Lao động Thương binh và Xã hội Đắk Lắk cũng đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ trực tiếp người lao động như tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để thông tin cho người lao động, tư vấn về việc làm, nghề nghiệp và tuyển dụng lao động đến tận thôn, buôn, xã phường, trường học...; cho vay vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa quan trọng của dạy và học nghề, chỉ đạo cơ sở dạy nghề bổ sung, bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề, cập nhật đổi mới chương trình, giáo trình để nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, chúng tôi còn chỉ đạo tổ chức dạy nghề lưu động để tạo thuận lợi cho người dân tham gia học nghề, tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người dân; qua đó liên kết với doanh nghiệp để việc dạy nghề từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và gắn dạy nghề với tạo việc làm. * Theo ông, hoạt động dạy nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk còn có những hạn chế, khó khăn gì? - Ông Nguyễn Tấn Hùng: Có thể thấy, đối tượng thanh niên, học sinh dân tộc thiểu số có những đặc thù riêng về trình độ, khả năng nhận thức, tâm lý, thói quen, nên trong chương trình đào tạo nghề rất cần có nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo phù hợp. Một thực tế khác là thanh niên dân tộc thiểu số, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, chưa hiểu hết các ngành nghề đào tạo, công việc sau khi học nghề như thế nào nên không muốn đăng ký học. Trên thực tế, có những ngành nghề được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn kinh phí đào tạo nhưng không tuyển sinh được do đối tượng chưa nhận thức đầy đủ về nghề. Cạnh đó, còn có tình trạng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học vì không hứng thú học tập, chọn nghề học không phù hợp bản thân. Ngoài ra, Đắk Lắk là một tỉnh nông nghiệp nên việc đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động khó thực hiện. Một số huyện trong tỉnh chưa có cơ sở dạy nghề nên cũng hạn chế việc đăng ký tham gia học nghề của người lao động. Ngân sách tỉnh còn khó khăn, hạn hẹp nên việc đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Mặt khác, thông tin về thị trường lao động đến với người lao động, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số, chưa thường xuyên và kịp thời. Những điều này cũng hạn chế đến tuyển sinh học nghề và tạo việc làm. * Vậy để khắc phục những hạn chế, khó khăn đó, cần có những giải pháp gì? - Ông Nguyễn Tấn Hùng: Theo tôi, trước hết về công tác giảng dạy, các cơ sở dạy nghề cho thanh niên, học sinh dân tộc thiểu số cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm hay, cách làm mới trong phương pháp giảng dạy, bổ sung, hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với đối tượng dân tộc thiểu số. Cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên người dân tộc thiểu số và bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên, giảng viên. Một giải pháp quan trọng là phải khảo sát cụ thể nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch dạy nghề sát thực. Việc dạy nghề phải thực hiện theo 3 mục tiêu cụ thể: Một là, dạy nghề để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của cơ sở sản xuất kinh doanh, của doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Hai là, dạy nghề để người lao động tự tạo việc làm tại chỗ. Ba là, dạy nghề để giúp người lao động nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất để nâng cao thu nhập. Chúng tôi cho rằng, phải đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề trên cơ sở thực hiện tốt các chính sách ưu đãi do Trung ương ban hành. Đồng thời, nghiên cứu quy định ưu đãi cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia dạy nghề. Bên cạnh đó, xây dựng tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề, cả công lập lẫn tư thục rộng khắp địa bàn tỉnh để đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ và dạy nghề ngắn hạn. Ngoài việc dạy nghề tập trung, cần áp dụng các hình thức dạy nghề khác nhau một cách linh hoạt; gắn dạy nghề với tư vấn nghề nghiệp, việc làm, liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề. Sắp tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục đầu tư và đưa vào vận hành Sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm để cung cấp thông tin, làm cầu nối giúp việc tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động và tìm việc làm của người lao động thuận lợi, dễ dàng... * Xin ông cho biết mục tiêu những năm tới của tỉnh Đắk Lắk trong lĩnh vực dạy nghề cho thanh niên, học sinh dân tộc thiểu số? - Ông Nguyễn Tấn Hùng: Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu bình quân hằng năm đào tạo nghề cho 8.140 người là thanh niên, học sinh dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 37% tổng số người được đào tạo nghề; số lao động là người dân tộc thiểu số sau đào tạo nghề có việc làm ổn định đạt tối thiểu 70%; tạo việc làm cho 7.700 lao động dân tộc thiểu số hàng năm. * Tỉnh Đắk Lắk có những đề xuất, kiến nghị với Trung ương về chính sách, cơ chế hỗ trợ cho hoạt động dạy nghề này? - Ông Nguyễn Tấn Hùng: Để đạt mục tiêu đề ra, ngoài nỗ lực của địa phương, tỉnh Đắk Lắk rất cần sự hỗ trợ của Trung ương. Cụ thể, đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu trình Chính phủ xem xét ban hành chính sách ưu đãi riêng cho giáo viên dạy nghề để thu hút cán bộ chuyên môn giỏi, nghệ nhân, giáo viên giỏi, công nhân kỹ thuật bậc cao tham gia dạy nghề. Có chế độ cử tuyển riêng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học các lớp sư phạm kỹ thuật để đào tạo thành giáo viên dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số. Đề nghị Trung ương sớm công nhận trường dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số là trường chuyên biệt và quy định cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề thanh niên dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp ưu đãi áp dụng đối với trường chuyên biệt; quan tâm đầu tư nâng cấp Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh Đắk Lắk thành Trung tâm trọng điểm của vùng Tây Nguyên... Trần Ngọc Quyền |
Nhóm PV Thanh Niên Online
(thực hiện)
Bình luận (0)